Mặc dù xã hội đã phát triển ở giai đoạn đỉnh cao của kỷ nguyên công nghệ phục vụ nhu cầu của xã hội trên các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, y tế… Tuy nhiên việc áp dụng các phương pháp tự nhiên để chữa bệnh như ăn cháo để chữa cận thị tưởng như “chuyện đùa”, thậm chí gây nực cười.
Khổ cho những trẻ bị bắt ăn cháo để chữa cận thị
Trung tuân tháng 6, bà NTM (Đồng Nai) đưa cậu con trai 10 tuổi đến BV Mắt TP.HCM để khám. Bà M chia sẻ với bác sĩ, trước đó vài tháng thấy con nhiều lúc nhìn vật này vật kia ở xa không rõ, xem tivi hay nheo mắt nên nghĩ con mình bị cận thị. Lại nghe hàng xóm mách nhau cận thị khi ăn cháo gan dê với hành trong 7 ngày sẽ khỏi hẳn nên bà M. làm theo.
Kết quả, sau 7 ngày cho con trai ăn cháo gan dê chẳng có dấu hiệu khá hơn nên…bèn nấu cho ăn tiếp mặc dù món cháo này không dễ ăn chút nào. Thời gian trôi đã gần được 1 tháng mà mắt bé vẫn nheo nheo khi xem tivi khiến bà M đành phải đưa con tới BV Mắt TP.HCM.
Sau khi đo mắt cho bệnh nhi, BS nói mắt trái bị cận 3 độ, mắt phải cận 2,5 độ. Tuy nhiên nếu được đưa tới BV sớm hơn thì mắt cậu bé không cận nhanh đến vậy. BS chỉ biết lắc đầu trong khi bà M. thở dài tự trách bản thân.
Chuyện trên cũng xảy ra đối với nhà ông TVH (Long An). Cô con gái 11 tuổi cũng có hiện tượng nheo mắt, khó nhìn nên đã tự điều trị tại nhà. Khi đến BV Mắt TP.HCM thăm khám thì khá trễ khiến độ cận thị tăng cao.
Ông H tâm sự, vào đầu năm 2018, thấy con gái thường nheo mắt khi nhìn xa nên ông nghi con bị cận thị. Nghe một người bạn bày cho một bài thuốc đơn giản trị cận thị ông H đã tìm mua cây quyết minh tử và hoa cúc trắng rồi cho vào nước nấu.
Ông H dùng nước của loại hoa này sau khi nấu cho gạo vào rồi nấu chung với đường phèn thành cháo. Để điều trị cận thị, ông H. cho con ăn mỗi ngày hai bát, liên tục trong 7 ngày. Sau thời gian trên mà chưa có kết quả, ông H lại tiếp tục nấu cháo quyết minh tử và hoa cúc trắng rồi ép con ăn. Tuy nhiên hết tuần này qua tuần khác mắt con vẫn nheo nheo nên đã đưa lên BV Mắt TP.HCM.
Ý kiến của chuyên gia
BS Phạm Nguyên Huân, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Mắt TP.HCM, cho biết “Hiện chưa có cơ sở khoa học chứng minh thức ăn dinh dưỡng nói chung và cháo các loại nói riêng giúp điều trị cận thị. Thế nhưng vẫn có không ít cha mẹ tin vào những phương thức chữa cận thị bằng cách ăn cháo khiến độ cận thị của trẻ càng tăng nhanh” khiến cho đôi mắt con đã cận càng thêm mờ.
Qua đó các chuyên gia khuyến cáo trẻ cận thị cần được khám tại cơ sở chuyên khoa để đo chính xác độ cận. Một số trẻ mắt phải điều tiết nhiều thì cần được nhỏ thuốc để đo chính xác độ cận thị.
BS Huân tư vấn các bậc phụ huynh “Trẻ có thể được điều chỉnh cận thị bằng cách đeo kính gọng hoặc mang kính áp tròng. Với trẻ mang kính áp tròng, cần được giám sát chặt để tránh các biến chứng do nhiễm trùng giác mạc. Còn đeo kính gọng là phương pháp an toàn, hiệu quả và ít tốn kém nhất. Bên cạnh đó, trẻ cần được tái khám mỗi sáu tháng để theo dõi tình trạng thay đổi độ cận thị. Cha mẹ cũng nên khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời”.
Đặc biệt, TS-BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM, cảnh báo những tác hại do ăn cháo gan dê gây nên “Điều đáng nói gan dê chứa nhiều cholesterol. Trẻ ăn nhiều thực phẩm này chẳng những không hết cận thị mà còn không tốt cho sức khỏe. Do vậy, trẻ cận thị buộc phải đến BS chuyên khoa để khám và đeo kính”.
Theo Dantri.com.vn
Chưa có bình luận.