Ngồi trong phòng điều hòa, uống ít nước, ngại đi tiểu là thói quen xấu mà rất nhiều nhân viên văn phòng đang mắc phải. Nhịn tiểu sẽ gây áp lực cho bàng quang dễ gây ra viêm đường tiết niệu, mặt khác đây còn là nguyên nhân dẫn tới sỏi thận hay suy thận.
Dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn đường tiết niệu
Quá mải mê với công việc, đặc biệt dân văn phòng thường ngại đứng lên đi lấy nước uống và vệ sinh dễ dẫn đến các căn bệnh liên quan tới đường tiết niệu.
Chị Nguyễn Thúy Lan (29 tuổi, Ba Đình) là nhân viên bán hàng cho một thương hiệu thời trang lớn tại Trung tâm mua sắm. Với đặc thù nghề nghiệp phải thường xuyên đứng tiếp đón và giới thiệu sản phẩm cho khách hàng. Công việc khá bận, khách vào ra thường xuyên nên chị Lan rất ít uống nước và đôi khi muốn đi tiểu song vẫn cố nhịn.
Nhịn tiểu tiện dễ bị viêm bàng quang, sỏi thận tiết niệu (ảnh minh họa).
Mới đây, chị Lan cảm thấy buốt khi đi tiểu, nước tiểu có màu đỏ như máu, đau rát khi đi vệ sinh và có dấu hiệu sốt khiến chị hoảng hốt. Chị Lan tới bệnh viện Bạch Mai khám, bác sĩ kết luận bị viêm đường tiết niệu. Sau khi tìm hiểu về thói quen sinh hoạt và nghề nghiệp, bác sĩ phát hiện thói quen nhịn tiểu tiện là nguyên nhân dẫn tới nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
Không được may mắn như chị Lan đó là trường hợp của chị Lê Thị Thu Hương (32 tuổi, tại Hà Đông, Hà Nội) đang điều trị tại khoa Tiết niệu (bệnh viện Bạch Mai). Chỉ vì thói quen nhịn tiểu tiện kéo dài mà chị Hương bị mắc sỏi thận.
Chị Hương cho biết, khi thấy đau bụng, đi tiểu khó khăn chị mới tới bệnh viện khám. Bác sĩ kết luận đã có sỏi thận và phải điều trị để tán sỏi trong vòng vài tháng.
Có thể vỡ bàng quang nếu nhịn tiểu?
Theo các chuyên gia y tế, bàng quang có dung tích khoảng 350ml, khi bàng quang căng giãn, não bộ sẽ báo hiệu cảm giác buồn tiểu. Trong trường hợp nhịn tiểu càng lâu đến khi đau tức, nước tiểu không được đào thải sẽ dẫn tới khả năng bị vỡ bàng quang nguy hiểm cho tính mạng.
Trao đổi với Emdep.vn, PGS.TS Đỗ Gia Tuyển, Trưởng khoa Thận – Tiết niệu (Bệnh viện Bạch Mai), nhịn tiểu tiện là một thói quen xấu, gây hại cho đường tiết niệu. Người nhịn tiểu có thể bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu do vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo, bàng quang. Khi bị nhiễm trùng đường tiết niệu, nước tiểu sẽ có màu đục, màu máu, sốt nhẹ…
“Nhịn tiểu còn gây ra viêm bàng quang khi nước tiểu bị giữ lại quá lâu. Viêm bàng quang lâu ngày sẽ gây ra viêm bàng quang thần kinh. Người uống nước ít, nhịn đi tiểu lâu dài khiến cho việc bài tiết nước tiểu ít, có nguy cơ bị lắng đọng cặn thận là một trong những nguyên nhân gây ra sỏi tiết niệu cao. Sỏi tiết niệu nếu không được điều trị sẽ gây ra những biến chứng suy thận cấp, gây đái máu, nhiễm trùng, đau quặn, ứ mủ thận. Biến chứng mãn tính có thể gặp như suy thận do tắc nghẽn đường dẫn nước tiểu dẫn xuống bàng quang, suy thận mãn do sỏi”, bác sĩ Đỗ Gia Tuyển nói.
Không chỉ dân văn phòng cần phải đề phòng bệnh sỏi tiết niệu mà những người lao động nặng nhọc cũng cần phải lưu ý. Do lao động ngoài trời khiến cho tuyến mồ hôi tăng tiết dịch, cơ thể mất nước, đi tiểu ít gây lắng động cặn thận tạo sỏi tiết niệu.
Cách phòng bệnh đường tiết niệu tốt nhất là uống đủ nước và khi muốn đi tiểu tuyệt đối không nên nhịn. Khi gặp các vấn đề về đường tiết niệu cần phải đi khám ngay để được bác sĩ tư vấn và điều trị kịp thời.
Ngọc Minh
Nguồn: Emdep
Chưa có bình luận.