Thứ Hai, 03/04/2017 | 11:25

Nước xương hầm không có nhiều dinh dưỡng nhưng chất béo chứa bên trong cũng có thể khiến bạn bị thừa cân, mỡ máu nếu dùng quá nhiều và kéo dài.

Với quan niệm ăn gì bổ nấy, nhiều người Việt vẫn thường có thói quen ăn nước hầm xương. Không thể phủ nhận được rằng, nước hầm xương có nhiều dưỡng chất. Việc hầm xương lấy nước làm cho bát bún, tô phở có nước dùng ngọt, thơm để tăng thêm vị giác. Tuy nhiên cũng có những người nếu ăn nước hầm xương nhiều sẽ làm tăng mỡ máu.

Bà Thi (Hà Nội) giữ thói quen ăn nước hầm xương vài chục năm nay. Thói quen này của bà thay đổi sau khi bị đau dạ dày mãn tính kèm triệu chứng lười ăn. Do đau dạ dày nên bà ngại ăn cơm nên bà chuyển sang ăn các món mềm, ninh kỹ hoặc ăn súp, canh. Một trong những lựa chọn hàng đầu của bà Thi là ăn nước hầm xương.

Ai cũng nghĩ ăn nước hầm xương đã thừa chất nhưng không ngờ sự thật lại tréo ngoe

Theo lời bà Thi, món ăn này khoái khẩu đến mức bà có thể uống nước hầm xương cả ngày kèm một chút cơm. Cách đây mấy năm, bà Thi đi khám được bác sĩ cảnh báo nguy cơ mỡ máu. Tuy nhiên, bà vẫn giữ thói quen uống nước hầm xương mỗi ngày. Không chỉ có xương lợn mà bà còn cất công mua cả xương bò hầm để cho ngọt nước.

“Tuy nhiên, cách đây nửa tháng, khi đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, bác sĩ phát hiện mỡ máu của tôi lên hơn 6,1. Bác sĩ điều tra cách ăn uống và yêu cầu tôi dừng thói quen ăn nước xương hầm quá mức này”, bà Thi cho hay.

Có con đang trong độ tuổi phát triển, anh Tuấn (bố đơn thân ở Hà Nội) thường chọn cách mua xương hầm về để nấu hàng ngày hoặc thêm vào cháo cho con ăn. Con anh trước đây chỉ nặng 35kg nay đã tăng gần 10kg. So với tuổi, con anh thừa khoảng 5kg. Anh cho rằng, có thể do ăn nhiều bơ sữa, nhưng anh không hề biết cũng xuất phát từ việc ăn quá nhiều nước xương hầm dẫn đến tăng cân.

“Tôi còn nghĩ nước xương có thể chứa rất nhiều canxi. Nhưng các bác sĩ giải thích, 100ml nước xương hầm chỉ có 33,5mlg canxi. Số lượng này không đáp ứng được nhu cầu canxi của con trong khi nước xương chứa nhiều chất béo”, anh Tuấn cho biết.

Nước xương hầm chứa nhiều chất béo?

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Tiến Minh (Chuyên khoa Tiêu hóa) cho hay, nước xương hầm bổ dưỡng chứ không phải không có dinh dưỡng như nhiều người nghĩ. Trong nước xương hầm có nhiều canxi nhưng không phải bao nhiêu canxi có trong xương khi hầm xong sẽ ở trong nước hầm, chỉ một phần nhất định.

“Tuy nhiên, trong nước hầm xương lại có nhiều chất béo. Bản chất trong tủy xương đã có nhiều chất béo, khi hầm nó sẽ hòa vào nước hầm. Điều này có thể thấy, sau khi hầm xương xong, trên bề mặt có lớp váng hoặc các hạt trắng như mỡ”, bác sĩ cho hay.

Điều đáng nói là các chất béo này là chất béo động vật, khó tiêu hóa. Khi ăn vào có thể gây đầy bụng, khó tiêu. Đặc biệt với trẻ em, nhiề mẹ còn quan niệm, mua xương ống về hầm cho con nhưng không biết các chất béo no trong nước xương làm cho con có thể bị tiêu chảy, đi ngoài phân sống do hệ tiêu hóa chưa hoàn chỉnh.

Còn về vấn đề mỡ máu, béo phì là điều hoàn toàn có thể gặp phải. Theo bác sĩ, trong nước xương hầm chứa nhiều chất béo như nói ở trên, nếu ăn quá nhiều và trong thời gian dài thì purine có bên trong sẽ làm tăng mỡ máu.

“Không chỉ người mắc mỡ máu mà người có tiền sử bị tim mạch, bệnh huyết áp cao, tiểu đường cũng cần tránh ăn quá nhiều nước hầm xương”, bác sĩ cho hay.

Do vậy, nước hầm xương tăng độ ngọt, thơm cho món ăn nhưng không thể dùng để ăn thay các chất khác hàng ngày. Bởi thói quen này kéo dài sẽ khiến cho mỡ máu tăng. Khi mỡ máu tăng sẽ làm cho bạn có thể mắc các căn bệnh khác về tim mạch, tiêu hóa…Để tăng độ ngọt cho các món canh có thể dùng các loại rau củ quả để hầm lấy nước trong đó có cà rốt, khoai tây, củ cải…

“Với trẻ nhỏ, khi trẻ bị tiêu chảy, phụ huynh không nên cho trẻ ăn các đồ ăn có nước hầm xương vì càng làm cho bệnh tình của trẻ nặng hơn”, bác sĩ cảnh báo.

Phương Hà

Nguồn: Emdep

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook