Thứ Hai, 26/06/2017 | 05:47

Chỉ một phút chủ quan của phụ huynh, trẻ rất có thể sẽ mắc nguy hiểm này do các đồ dùng rất nhỏ trong nhà.

Mới đây bệnh viện Tai Mũi Họng TW đã cấp cứu cho một cháu bé bị kéo đâm vào tai trái. Với trường hợp này, qua thăm khám, các bác sĩ không thấy có liệt mặt và ảnh hưởng dây thần kinh số 7 nên đã rút kéo ra và điều trị. Còn thông thường với những trường hợp này phải thắt động mạch để lấy dị vật.

Rất may cháu bé không bị ảnh hưởng màng nhĩ, không tổn thương tai trong. Kéo đâm vào vùng xương chũm của bé. Sau điều trị, hiện tại bé đã tỉnh và sức khỏe tiến triển tốt.

Lời cảnh báo của phụ huynh

Đây được xem là lời cảnh tỉnh với phụ huynh. Bởi không ít phụ huynh vẫn thường cho con cầm dao, kéo chơi. Anh Tuấn – phụ huynh có con 5 tuổi cho biết, đọc sự việc trên mà thấy rùng mình. Trước đây vợ chồng anh cũng thường cho con cầm dao kéo khi có bố mẹ bên cạnh. Có những khi bố mẹ đang mải làm việc, con cầm dao kéo lúc nào mà không ai hay biết. Chỉ khi phát hiện ra mới vội cất đi vì nguy cơ tai nạn có thể xảy ra.

90% bố mẹ để con ngậm, nghịch thứ này nhưng chỉ trong vài giây tai nạn đã có thể xảy ra

Không chỉ có dao, kéo mà ngay cả cầm tăm, các vật nhọn, đũa, thìa… đều có thể nguy hiểm với trẻ. Bác sĩ nhi khoa Đức Anh cho biết: “Phụ huynh hầu hết không dám cho con chơi dao, kéo. Nhưng tôi thấy nhiều phụ huynh cho con cầm đũa, tăm, que nhọn… chạy, chơi đùa trong nhà. Chỉ một cú ngã của bé cũng có thể dẫn đến nguy hiểm. Nhẹ thì bị xây xước da, nặng thì các dụng cụ này đâm vào bất cứ bộ phận nào như mắt, miệng, đầu, bụng… Khi phát hiện sự việc bố mẹ mới tá hỏa thì có khi đã muộn màng”.

Theo bác sĩ Đức Anh, việc bố mẹ thiếu quan tâm là một phần nguyên nhân có thể xảy ra tai nạn khi trẻ cầm các loại dao, kéo, dụng cụ nhọn. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần, quan trọng là phụ huynh phải ngăn chặn điều này ngay từ khi trẻ mới bắt đầu cầm các dụng cụ này.

“Thay vì nói rằng, con không được cầm thì bố mẹ hãy giải thích cho trẻ nguy cơ nguy hiểm có thể gặp phải. Trẻ nhỏ thường sợ những điều nguy hiểm nếu bố mẹ giải thích. Còn phụ huynh thường có tâm lý dọa nạt trẻ không được cầm các dụng cụ trên nhưng không được giải thích vì sao lại không được cầm thì bố mẹ không để ý. Điều này khiến cho lần sau trẻ vẫn tiếp tục tái diễn tình trạng trên”, bác sĩ Đức Anh nói.

Mặt khác, trẻ thường không ý thức được sự nguy hiểm tiềm tàng và không nhận diện được nguy hiểm. Cho nên bố mẹ phải đặt dao, kéo, đồ sắc nhọn tránh xa tầm với của trẻ. “Tất cả những dụng cụ dao, kéo sau khi sử dụng phải để đúng nơi quy định, không để ở bàn hay sàn nhà. Tất cả các dụng cụ nhọn như tăm, thìa, nĩa phải để ở tầm cao mà trẻ không với được”, bác sĩ Đức Anh cho hay.

Cho trẻ ngậm thìa, tăm… cực kỳ nguy hiểm

Một điều có thể thấy là không ít phụ huynh vì sợ trẻ nghịch ngợm, mè nheo không ăn uống được nên cho trẻ ngậm tăm, ngậm thìa, ngậm đũa… Nhưng phụ huynh không hề lường trước việc chỉ cần trẻ ngã xuống đất rất có thể thìa, nĩa hay tăm đâm vào cổ họng dẫn đến chảy máu, nguy hiểm tính mạng.

Với tăm, hiện nay, đa số các loại tăm được vót nhọn để xỉa răng được sạch. Tuy nhiên, vật dụng này nguy hiểm cho trẻ không chỉ là khi trẻ ngậm hay nuốt nhầm. Ngay cả khi tăm đã sử dụng rơi xuống sàn, trẻ dẫm phải cũng gây chảy máu. Nếu không cẩn thận các vết đâm này còn tiềm ẩn nguy cơ bị nhiễm trùng, uốn ván vô cùng nguy hiểm.

Chị Phương (Linh Đàm, Hà Nội) cho biết, chị vẫn thường để con tự chơi với thìa, nĩa, có khi con còn cầm chạy nhảy khắp nhà. Nhưng khi đọc được nhiều sự việc về tai nạn do thìa gây ra với trẻ cũng khiến bản thân chị lo lắng.

“Trẻ cầm thìa, nĩa chạy nhảy quá nguy hiểm. Chỉ cần một bước hụt chân, các dụng cụ này có thể đâm vào mắt, mũi hay bụng… Lúc đó chắc chắn tình huống nguy hiểm xảy ra. Từ lâu nay, tôi đã cấm con không được chơi với các dụng cụ này. Sau khi ăn hay trong khi ăn, không cho trẻ ngậm thìa, nĩa..”, chị Phương bày tỏ.

Phương Hà

 

Nguồn: Emdep

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook