Thứ Hai, 21/11/2016 | 01:18

Thống kê chiều 19/11, TP.HCM là nơi có số người nhiễm virus zika nhiều nhất cả nước.

65 người nhiễm virus Zika tại Việt Nam

20% người mắc virus Zika xuất hiện triệu chứng, các trường hợp nhiễm bệnh được phát hiện chưa phải là con số thực tế. Ảnh: Thanh Tùng.

Theo thống kê của các cơ sở y tế trên toàn quốc, tính đến chiều 19/11, Việt Nam có 65 trường hợp nhiễm virus Zika. Trong đó TP.HCM vẫn là địa phương có nhiều ca nhiễm bệnh nhất, 57 người mắc. Các trường hợp nhiễm bệnh trải dài trên 15/24 quận huyện trên địa bàn.

Quận Bình Thạnh được xem là điểm nóng, nơi liên tục phát hiện thêm các ca nhiễm virus Zika mới. Địa phương này có 11 trường hợp nhiễm bệnh. Quận 2 (10 ca), quận 9, 12, Tân Phú (6 ca) là những khu vực khác cũng liên tục phát hiện ổ dịch.

Với nhiều ca bệnh được ghi nhận chỉ trong khoảng thời gian ngắn, thành phố vẫn đang khẩn trương triển khai các phương án phòng chống dịch.

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, các trường hợp nhiễm Zika được phát hiện chưa phải là con số thực tế do chỉ có khoảng 20% người nhiễm bệnh xuất hiện các triệu chứng nhận biết như sốt, phát ban, viêm kết mạc, đau mỏi cơ…

Theo TS.BS Lê Mạnh Hùng, Phó giám Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, việc tiến hành các quy trình xét nghiệm, chẩn đoán bệnh do virus Zika chỉ thực hiện khi người bệnh xuất hiện triệu chứng và phải có chỉ định của bác sĩ. Do đó, các cơ sở y tế chưa thể thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu.

Tại buổi họp, định hướng xây dựng quy trình tiếp nhận và điều trị bệnh do virus Zika, PGS.TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết: “Trước tình hình trên, ngành y tế cần thống nhất một quy trình tiếp nhận và điều trị bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhưng phải phù hợp với tình hình thực tiễn, nhất là quy trình theo dõi, chăm sóc bệnh cho thai phụ”.

Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, Từ Dũ, Hùng Vương, Trung tâm Y tế Dự phòng cùng phối hợp xây dựng quy trình tiếp nhận, điều trị cho thai phụ nhiễm virus Zika.

Trong đó, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới sẽ là đơn vị đầu mối hoàn chỉnh quy trình này, đồng thời cũng là đơn vị chủ lực thực hiện xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị bệnh. Kết quả xét nghiệm, điều tra dịch tễ phải được trả trong thời gian 24 giờ sau khi lấy mẫu.

Những ngày vừa qua, ngành Y tế và các cấp chính quyền ở TP.HCM đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống bệnh do virus Zika, khoanh vùng những nơi có ca bệnh và liên tục phun hóa chất diệt muỗi, huy động toàn dân tham gia diệt muỗi, diệt lăng quăng.

Tuy vậy, hiệu quả thực tế mang lại chưa cao. Trong buổi giám sát tại quận 12, bà Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UBND thành phố nhận thấy nhiều nhà dân còn tồn tại vật dụng đọng nước chứa lăng quăng.

Hải Âu
Nguồn: Zing

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook