Màng bọc thực phẩm tiện dụng, giúp các bà nội trợ bảo quản thực phẩm sạch sẽ. Tuy nhiên, nhiều thực phẩm không thích hợp với việc sử dụng màng bọc và còn gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Không hâm nóng thực phẩm bọc màng bọc bằng lò vi sóng
Hiện nay, có thể chia màng bọc thực phẩm trên thị trường thành hai loại: Màng bọc thực phẩm phổ biến là màng PVC, dùng để bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh và màng bọc thực phẩm dùng trong lò vi sóng – màng PE. Nhưng có nhiều bà nội trợ thường dùng lò vi sóng hâm nóng thực phẩm đang được bọc bằng màng bọc mà không để ý đến sản phẩm màng bọc mình đang dùng có được phép sử dụng trong lò vi sóng hay không.
Màng bọc thực phẩm tiện dụng nhưng cũng cần lưu ý khi sử dụng để an toàn cho sức khỏe
Cần lưu ý rằng, với những màng bọc thực phẩm không đề cập đến việc sử dụng trong lò vi sóng, chúng ta tuyệt đối không được bọc chúng để chế biến hoặc hâm nóng bằng lò vi sóng. Bởi màng bọc thực phẩm có thể chứa các chất hóa học như DEHP (Di-ethylhexyl phthalate) và DEHA (Di-ethylhexyl adipate). Những chất này khi gặp nhiệt độ cao sẽ tan chảy và biến thành chất gây ung thư vô cùng nguy hiểm.
Đối với những màng bọc mà nhà sản xuất ghi rằng có thể dùng trong lò vi sóng, các bà nội trợ cũng không nên sử dụng trong thời gian quá dài, tránh nhiệt độ thực phẩm tăng cao khiến màng bọc tan chảy, dính vào đồ ăn.
Để tốt cho sức khỏe, các bà nội trợ nên chọn thuỷ tinh chịu nhiệt, đĩa sứ đậy lên thực phẩm thay thế màng bọc khi rã đông, hâm nóng thực phẩm bằng lò vi sóng.
Không dùng màng bọc cho thực phẩm có tính kiềm, acid, nhiều dầu mỡ
Đối với thực phẩm có tính kiềm hoặc acid như dưa, cà muối, sa lát trộn dấm… không nên sử dụng màng bọc trực tiếp bao phủ sản phẩm. Bạn cũng không sử dụng màng bọc đối với thực phẩm nhiều dầu, mỡ hoặc thức ăn nóng trên 70 độ C. Vì do đặc tính hóa học, các nhà sản xuất phải sử dụng phụ gia DEHP hoặc DEHA để làm mềm và làm trong suốt màng bọc PVC. Việc thôi nhiễm DEHA, DEHP có nguy cơ gia tăng nếu ở môi trường acid, kiềm hoặc nhiệt độ cao. Các chất độc hại này thôi nhiễm vào thực phẩm sẽ tác động đến hệ thống nội tiết làm phát triển sớm ở trẻ em gái và ảnh hưởng đến sinh sản ở trẻ em trai.
Không dùng bọc dưa chuột, cà rốt, đậu đũa
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu dùng màng bọc thực phẩm để bọc cà rốt, dưa chuột, đậu đũa thì sẽ khiến hàm lượng vitamin C của những loại củ, quả này bị giảm đi nhiều. Cụ thể, sau 1 ngày sử dụng màng bọc để bảo quản 100g cà rốt thì hàm lượng vitamin C mất đi 3,4mg, đậu đũa giảm 3,8mg, dưa chuột giảm xuống tương đương với 5 quả táo tàu.
Không bọc màng bọc sát vào thực phẩm
Màng bọc cần cách thực phẩm ít nhất 2,5 cm. Vì nếu bọc trực tiếp, các chất có hại trong màng bọc có thể thôi nhiễm, thâm nhập vào thực phẩm, gây ra tác hại khôn lường cho sức khỏe.
Không mua màng bọc không rõ nguồn gốc
Thị trường màng bọc thực phẩm đa dạng về mẫu mã, chủng loại. Để an toàn cho sức khỏe bản thân và gia đình, bạn nên chọn mua loại màng bọc có nguồn gốc rõ ràng, đầy đủ tên, địa chỉ của nhà sản xuất, sản phẩm đã được đăng ký, chứng nhận về chất lượng.
Nên lựa chọn sản phẩm màng bọc thực phẩm PE vì thường không chứa thành phần DEHA, DEHP độc hại. Cách nhận biết loại màng bọc PE là chúng thường trong suốt, bề mặt bóng láng, mềm dẻo, độ đàn hồi tốt, dễ kéo dài, dễ bị đốt cháy bằng lửa và cháy rất nhanh, không tắt và hầu như không tạo ra mùi khi cháy.
Không bảo quản màng bọc ở nơi nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp
Sau khi mua về sử dụng, bạn cần bảo quản màng bọc ở nơi có nhiệt độ trung bình. Nếu bảo quản ở những nơi có nhiệt độ cao hoặc quá thấp dễ làm màng bọc biến chất và sinh độc tố. Đặc biệt, không sử dụng màng bọc có dấu hiệu nấm mốc, bị sun, có mùi lạ.
Minh Minh
(Theo Congluan)
Nguồn: emdep.vn
Chưa có bình luận.