Cách đây 55 năm, FDA đã ra một quyết định mang tính lịch sử: đồng ý cho lưu hành thuốc tránh thai. Và viên thuốc nhỏ xíu đó đã vượt qua vô số những định kiến, tranh cãi, đe doạ, thậm chí là những thù địch để thay đổi xã hội loài người.
Tờ Economist danh tiếng đã không quá lời khi cho rằng sự ra đời của viên thuốc tránh thai Enovid đã đánh dấu bước tiến khoa học quan trọng nhất của thế kỉ XX. Ảnh hưởng của nó không chỉ được đong đếm bằng những thay đổi trong hành vi tình dục của phụ nữ, mà cả trong cách họ hình dung về cuộc sống, hoạch định tương lai của mình.
Trong khi trước đây, với đàn con của mình, người phụ nữ không thể ngẩng đầu lên khỏi những chậu giặt hoặc những đống bát đĩa nồi niêu trong bếp, thì giờ đây, họ đã có thể ngồi đàng hoàng trong những văn phòng, bàn việc cùng những đồng sự nam giới.
Ở vào thời điểm năm 1966, số phụ nữ đi làm đã tăng lên 10% và lần đầu tiên có một phụ nữ được thuê làm thư kí tại Thị trường chứng khoán New York – những điều chưa từng xảy ra, trước khi có những viên thuốc tránh thai.
Theo Gloria Steinem, một trong những nhà hoạt động bình đẳng giới có ảnh hưởng nhất trong thập kỉ 1960, cuộc cách mạng về thuốc tránh thai đã thay đổi vai trò của người phụ nữ nhanh tới mức nam giới không thể có một sự thay đổi thái độ tương ứng.
Thế nhưng để có được cuộc xáo trộn ngoạn mục đó, viên thuốc tránh thai đã phải đi một chặng đường rất dài, và rất chậm.
Ảnh minh họa |
Thai nghén thuốc tránh thai
Trong thực tế, năm 1873, Quốc hội Mỹ đã thông qua luật nghiêm cấm các thông tin liên quan tới việc kiểm soát sinh đẻ, những hoạt động truyền bá thông tin dạng này bị coi như truyền bá văn hóa phẩm khiêu dâm. Chính điều này khiến cho số lần sinh con trung bình của phụ nữ Mỹ da trắng lúc đó là 7 lần.
Đã có không biết bao nhiêu phụ nữ thiệt mạng hay chết sớm vì không thể hạn chế số lần mang thai và sinh con, trong đó có mẹ của Margaret Sanger, một cô con gái sung đạo ở Corning, New York. Khi mẹ của bà mất ở tuổi 50 sau 18 lần mang thai, bà đã buộc tội cha mình gây ra cái chết đó: ” Mẹ đã chết vì có quá nhiều đứa con”.
Từ nỗi đau mất mẹ, Margaret Sanger đã quyết theo học ngành y, đeo đuổi “giấc mơ về một viên thuốc kì diệu” có thể ngăn chặn việc mang thai ngoài ý muốn. Chính Sanger là người đã đặt ra cụm từ “sinh đẻ có kế hoạch” vào năm 1914, năm mà bà bị bắt vì tội phổ biến tạp chí Phụ nữ nổi dậy, một tài liệu bị cấm vì đã mô tả những phương pháp tránh thai truyền thống. Sau khi tự bảo lãnh để được tại ngoại, bay tới châu Âu rồi trở về 2 năm sau đó và mở bệnh viện chuyên khoa về kế hoạch hóa gia đình đầu tiên tại nước Mỹ trong một căn hộ chẳng lấy gì làm sạch sẽ tại quận Brooklyn, Sanger lại bị bắt giam. Tuy nhiên tất cả rào cản của luật pháp không khiến Sanger dừng lại.
Thế rồi năm 1917, số phận run rủi cho Sanger gặp Katharine Dexter McCormick, một phụ nữ giỏi giang có bằng sinh học của Học viện Công nghệ Massachusetts, và một khối tài sản khổng lồ của Tập đoàn Quốc tế Harvester nhờ thừa kế từ ông chồng bị mắc bệnh tâm thần phân liệt. Hai người đàn bà chia sẻ một ước mơ thay đổi cuộc đời nữ giới, và suốt gần 40 năm sau đó, họ đã cống hiến rất nhiều sức lực cũng như tiền bạc để chào đón sự ra đời của Enovid, viên thuốc tránh thai đầu tiên.
Ảnh minh họa |
Độc hơn cả những liều kích dục?
Dù được nhìn nhận là loại dược phẩm đầu tiên (có lẽ cũng là duy nhất) được sử dụng đều đặn mà những người uống thuốc không hề bị ốm đau hay cần bồi bổ và đáp ứng được yêu cầu của con người, nhưng Enovid đã gặp phải những phản đối quyết liệt từ các tôn giáo: Tin Lành, Thiên Chúa giáo, Chính thống giáo ở cả phương Tây và phương Đông.
Những người đứng đầu các tôn giáo này lo sợ rằng, mối ràng buộc giữa các cặp vợ chồng sẽ trở nên lỏng lẻo hơn nếu đời sống tình dục của họ bị tách rời khỏi việc sinh con đẻ cái. Họ lập luận rằng việc quan hệ tình dục sẽ trở thành xấu xa, nhơ nhớp và đồi bại nếu như nó không nhằm vào mục đích có thai, thậm chí kể cả khi đó là quan hệ giữa hai vợ chồng. Sự xuất hiện của thuốc tránh thai, theo họ, có thể tiếp tay cho những kẻ phóng túng và buông thả đẩy tình dục đi quá đà bởi chẳng còn mối lo hậu quả. Và như thế, nó chẳng khác gì những liều thuốc kích dục đồi trụy.
Những người lãnh đạo cộng đồng người Mỹ gốc Phi cũng muốn buộc tội thuốc tránh thai vì cho rằng sản phẩm này là nhằm “diệt chủng người da đen”. Họ đã yêu cầu phụ nữ da đen không được sử dụng nó vì duy trì tỉ lệ sinh của người da đen cao là điều tối cần thiết để thay đổi cân bằng quyền lực tại nước Mỹ quá nghiêng về người da trắng.
Tuy nhiên, bất chấp mọi sự phản đối, ngày 9/5/1960, Cục quản lý dược phẩm Mỹ (FDA) vẫn chính thức chấp thuận viên thuốc. “Quyết định chấp thuận này chỉ hoàn toàn dựa trên vấn đề về tính an toàn dược phẩm. Quyết định của chúng tôi không hề liên quan gì tới những hệ quả về mặt đạo đức xã hội “, John Harvey, một thành viên của ủy ban FDA thời đó tuyên bố.
Thay cho lời kết
Tất cả những gì do con người phát minh ra đều có tính hai mặt. Cũng giống như năng lượng nguyên tử, thuốc tránh thai với mục đích đơn thuần đầu tiên là giúp giảm thiểu số công dân không được mong đợi chào đời, nhưng đã vô tình trở thành căn nguyên cho lối sống phóng túng hình thành khiến nhiều người xem nó như thứ độc dược giải phóng bản năng nhục thể.
Công bằng mà nói, những ấn tượng không tốt về thuốc tránh thay là có cơ sở. Bên cạnh những thay đổi tích cực với đời sống phụ nữ, bóng đen phóng túng trong đời sống tình dục khi con người quá ỷ lại vào sự trợ giúp của thuốc tránh thai cũng đang ngày càng lan rộng.
Đi theo những bàn cãi kéo dài suốt 50 năm qua, kết luận thuốc tránh thai là biệt dược giải phóng phụ nữ hay là độc dược giải phóng bản năng nhục thể nằm ở chính cách chúng ta nhận thức và sử dụng chúng. Câu trả lời nằm trong tay bạn.
Lịch sử thuốc tránh thai Thời cổ đại: Người Ai Cập lấy phân cá sấu trộn thành một hỗn hợp nhão rồi nhét vào âm đạo của phụ nữ. Nhà khoa học vĩ đại Aristotle thì trộn dầu chiết xuất từ cây tuyết tùng trộn với nhựa cây trám để tạo ra chất diệt tinh trùng… Những năm 1700: Bao cao su đã ra đời và được đặt theo tên người bác sĩ đã phát minh ra nó: Condom. Ông đã lấy ruột cừu để làm ra một loại màng dâng lên Hoàng đế Vương quốc Anh, Charles II để vị vua này hạn chế bớt việc sinh ra những đứa con không có danh phận rõ ràng 1700-1900: Suốt ba thế kỷ kỳ vĩ của châu Âu, những chiếc màng ruột cừu này vẫn tiếp tục được ưa chuộng. Tuy nhiên, tất cả những cách tránh thai đó đều không thực sự hoàn hảo. Năm 1960: Viên thuốc tránh thai đầu tiên của nhân loại, Enovid, ra đời. Một nửa còn lại của thế giới bắt đầu kiểm soát được việc sinh nở. Từ đây, cuộc sống của họ thay đổi hoàn toàn. |
Ngọc Vân
Chưa có bình luận.