Cơ thể luôn trong tình trạng mệt mỏi không đơn giản chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc của bạn về lâu dài, sự kiệt quệ sức khỏe ngày càng nghiêm trọng có thể khiến cho nguy cơ mắc bệnh ung thư càng cao.
Công việc bận rộn, áp lực tăng cao cùng với nhịp sống hiện đại hối hả khiến cho không ít người sống trong trạng thái mệt mỏi mãn tính.
Đầu tiên là toàn thân lúc nào cũng yếu ớt, không có sức lực, tiếp theo sẽ xuất hiện các triệu chứng mất ngủ, đau đầu, lở loét miệng. Nếu tiếp tục kéo dài trạng thái mệt mỏi này thì khả năng phát sinh nhiều bệnh tật là khó tránh khỏi.
Nữ giới sẽ dễ mắc các bệnh như u sợi bọc tuyến vú, u xơ tử cung. Trong khi nam giới lại dễ mắc bệnh u tuyến giáp, u nang gan. Điều đáng lo ngại là những căn bệnh bắt nguồn từ cơ thể suy yếu này lại rất dễ biến chuyển sang ung thư.
Đừng chủ quan khi mệt mỏi vì nó có thể dẫn đến ung thư chỉ trong 4 bước
Khi cơ thể bạn ở tình trạng mệt mỏi mãn tính và không được tích cực cải thiện thì sẽ rất khó hồi phục. Đây là tiền đề khiến cho hệ miễn dịch của cơ thể bị phá hủy, những tế bào ung thư tiềm tàng trong cơ thể sẽ nhanh chóng sinh trưởng và phát triển, đặc biệt là các loại ung thư ở cơ quan tiêu hóa có mối liên hệ chặt chẽ với tình trạng táo bón và mệt mỏi mãn tính.
Theo giới y khoa, từ sự mệt mỏi quá độ kéo dài tiến triển đến ung thư thường chỉ có 4 bước, đó là: Mệt mỏi ở mức độ nhẹ –> Mệt mỏi ở mức độ nặng –> Nội bộ các cơ quan trong cơ thể biến dị –> Dẫn phát ung thư.
Bắt mạch biểu hiện cụ thể của từng giai đoạn để kịp thời cải thiện
Giai đoạn 1: Mệt mỏi ở mức độ nhẹ
Ngáp thường xuyên và cảm giác nhức mỏi lưng khiến bạn phải vươn vai hay co duỗi cơ thể là tín hiệu cơ thể bạn đang ở giai đoạn 1. Cơ thể đang phát ra lời cảnh báo rằng bạn phải nghỉ ngơi, cách cải thiện là tập hít thở sâu, giảm thức ăn ngọt để tăng nồng độ oxi trong máu.
Giai đoạn 2: Mệt mỏi ở mức độ nặng
Lúc này, các cơ quan trong cơ thể đều có thể phát ra tín hiệu phản kháng, chẳng hạn như tinh thần uể oải, có xu hướng trầm cảm, ăn uống không ngon miệng, chán ăn, táo bón, thậm chí có thể thường nghiến răng trong lúc ngủ.
Khi có các dấu hiệu này, bạn nên giảm tiết tấu làm việc lại, tốt nhất là mỗi tuần nên sắp xếp 3 buổi tập luyện cơ thể để nâng cao thể lực và thúc đẩy trao đổi chất trong cơ thể. Trước khi ngủ có thể kết hợp liệu pháp ngâm chân bằng nước ấm để thư giãn. Đồng thời, bạn cần học cách chia sẻ áp lực với người khác, hoặc có thể thử những việc mình yêu thích để giải tỏa cảm xúc tiêu cực.
Giai đoạn 3: Nội bộ các cơ quan trong cơ thể biến dị
Nếu tiếp tục kéo dài tình trạng ở giai đoạn 2 thì cơ thể sẽ bắt đầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi cơ quan bên trong. Lúc này, bạn sẽ thường xuyên đau nhức cơ thể, đặc biệt là ở vị trí vai, lưng, gáy. Ngoài ra, các biểu hiện như đau đầu chóng mặt hay mất ngủ kinh niên, viêm loét khoang miệng, viêm dạ dày, táo bón v.v… cũng là cảnh báo bạn nên nhanh chóng đến bệnh viện thăm khám và điều trị.
Giai đoạn 4: Dẫn phát ung thư
Để đảm bảo sức khỏe, tốt nhất bạn nên kịp thời nhận ra tín hiệu SOS từ cơ thể để khắc phục tình trạng ngay ở giai đoạn 1 và 2. Bởi vì khi cơ thể đã mệt mỏi quá mức đến giai đoạn 3 thì sẽ nhanh chóng chuyển sang giai đoạn 4 là phát bệnh ung thư.
5 chiêu giúp bạn “đánh đuổi” tình trạng mệt mỏi cho cơ thể
Mệt mỏi mãn tính có liên quan rất lớn đến cách sinh hoạt hằng ngày của con người. Ví dụ, lười vận động, dinh dưỡng kém, ngủ không đủ giấc, tâm lý tiêu cực, áp lực lớn v.v đều dễ khiến bạn suy kiệt sức khỏe. Vận dụng vài mẹo nhỏ có thể giúp bạn cải thiện tình hình tích cực.
Nhất định phải có vận động trao đổi oxi
Đa số người hiện đại đều lao vào công việc đầy hà khắc, nhất là người làm văn phòng ít có cơ hội vận động thể lực. Thói quen sinh hoạt này khiến cho nồng độ oxi và đường huyết trong máu liên tục bị giảm xuống, dẫn đến các cơ hay các tổ chức nội tạng luôn trong tình trạng thiếu oxi và dinh dưỡng không đầy đủ.
Để cải thiện, bạn nên sắp xếp lịch sinh hoạt sao cho ít nhất phải có 3 lần vận động trao đổi oxi trong một tuần, chẳng hạn đi bộ nhanh, bơi lội, đạp xe, khiêu vũ v.v…, mỗi lần thực hiện chỉ cần nửa giờ cho đến 1 giờ là đủ. Khi có vận động thể lực, máu huyết dễ lưu thông hơn và được tái tạo tốt, cơ thể sinh ra nhiệt năng giúp bổ sung lại năng lượng cần thiết.
Bổ sung vitamin B
Nguyên nhân khiến cơ thể mệt mỏi không chỉ là do lao lực mà còn có thể liên quan đến việc thiếu vitamin B. Vì vậy, với người mệt mỏi thường xuyên không giảm, bạn nên bổ sung thêm những thực phẩm giàu vitamin B, chẳng hạn như gan động vật, cá mòi, cá ngừ, thịt nạc, bắp, gạo lứt, đậu xanh, cà rốt, tỏi, nấm v.v…
Ngâm chân với nước ấm pha muối
Bộ não cũng cần được nghỉ ngơi, “căng – nới” có mức độ mới tốt cho sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Trước khi ngủ, bạn dùng nước ấm pha chút muối ngâm chân khoảng 15 – 30 phút vừa giúp lưu thông máu huyết, ngủ ngon hơn vừa tăng cường tác dụng bổ thận và diệt khuẩn.
Hít thở sâu
Khi áp lực lớn thì lượng oxi hít vào giảm nhanh khiến nồng độ oxi trong máu thiếu hụt và cảm giác mệt mỏi chính là tín hiệu cơ thể đang báo động. Tập thói quen hít thở sâu trong khoảng 5 phút vào những lúc rảnh rỗi, mỗi ngày thực hiện 5 lần như thế có thể cải thiện tình hình.
Làm những chuyện mình thích
Cuộc sống hiện đại càng nhiều gánh nặng khiến con người khó tránh áp lực lớn. Tuy nhiên, bạn cũng cần dành thời gian “ưu đãi” cho bản thân, chẳng hạn như ngày cuối tuần. Hãy để công việc và các vấn đề khó khăn tạm gác sang một bên, cho phép mình là những chuyện bản thân yêu thích mang tính thư giãn như nghe nhạc, đọc sách, xem phim, ăn uống, vui chơi tán gẫu với người thân, bạn bè.
Thiện Duyên –Nguồn: aboluowang, sohu
Nguồn: Emdep
Chưa có bình luận.