Nhiều người quan niệm việc đụng dao kéo sẽ khiến cho bệnh ung thư càng nặng hơn.
Theo GS. Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam hiện nay vẫn có quan điểm rất sai lầm về bệnh ung thư như, ung thư là chết, ung thư không thể chữa khỏi, ung thư là do kiếp trước mắc phải tội ác nên phải trả giá.
Vì vậy, khi chẳng may mắc phải bệnh ung thư, người bệnh thường phải giấu người nhà, người thân…Khi bệnh nặng không chịu nổi đau đớn, người bệnh mới tới bệnh viện. Thời điểm bệnh nhân tới bệnh viện, bệnh đã ở giai đoạn cuối nên việc chữa trị trở nên khó khăn.
GS. Nguyễn Bá Đức đã từng gặp trường hợp chồng chết mà vợ không dám đi đưa tang vì sợ bệnh sẽ phát triển nhanh và di căn. Tới mức khi chồng mất bệnh nhân đã phải sang nhà hàng xóm ở nhờ.
“Bản chất của bệnh ung thư là tái phát và di căn là đặc tính. Ở giai đoạn sớm, điều trị ung thư phát hiện sớm có thể khỏi hoàn toàn bệnh. Ở giai đoạn muộn, tế bào ung thư đã di căn tới các cơ quan khác. Nên không có chuyện đi đám tang bệnh sẽ nặng hơn và bị di căn. Tuy nhiên, trong gia đình có người mất, sự đau khổ vật vã có thể ảnh hưởng tới thể lực và tinh thần có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của bệnh nhân”, GS Nguyễn Bá Đức nói.
Tại buổi tọa đàm “Ung thư không phải dấu chấm hết”, các chuyên gia khẳng định đang có rất nhiều quan niệm sai lầm trong điều trị ung thư.
TS.BS Đoàn Lực, Trưởng khoa chống đau Bệnh viện K cho biết: “Thông tin đi dự đám tang khiến cho bệnh nhân ung thư sẽ nặng hơn không có cơ sở khoa học. Đám tang và bệnh ung thư không có liên quan gì tới nhau”.
Không chỉ có quan niệm sai lầm ung thư đi dự đám tang về bệnh sẽ nặng, GS Nguyễn Bá Đức còn cho hay, ở Việt Nam còn tồn tại nhiều quan điểm sai lầm về ung thư nguy hiểm. Ví dụ, khi bị ung thư nếu đụng dao kéo khiến bệnh sẽ nặng hơn.
“Tôi đã đi hơn 30 nước, nước nào người dân cũng có những sai lầm trong điều trị ung thư. Nhưng chỉ có ở Việt Nam mới có quan niệm ung thư không đụng dao kéo hay không xạ trí hay hóa trị vì truyền chất độc vào người. Một số người còn lợi dụng lòng tin của bệnh nhân ung thư từ chối điều trị phương pháp hiện đại để đi điều trị các thầy lang. Đến khi khối u to, di căn mới tới bệnh viện thì không thể cứu chữa được”, GS. Nguyễn Bá Đức nói.
Đừng kỳ thị bệnh nhân ung thư vì họ không đáng bị như vậy
TS.BS Phạm Thị Hương, Khoa Nhi, Bệnh viện K3 cho biết, bác sĩ đã gặp không ít những trường hợp bệnh nhân ung thư bị kỳ thị và sợ lây nhiễm. Đó là trường hợp một bệnh nhân nữ ở Hải Dương, đã điều trị ung thư khá thành công nhưng lại bị người nhà mắng mỏ và cho rằng mắc bệnh khiến cho chồng bị ảnh hưởng.
“Ung thư không phải là căn bệnh khủng kiếp và nó không phải là bệnh lây truyền qua đường tiếp xúc như các loại vi rút. Một số bệnh ung thư khó khăn điều trị nhưng có một số bệnh ung thư đã điều trị khỏi được nếu phát hiện sớm”, TS.BS Phạm Thị Hương nói.
Ngọc Minh
Nguồn: Emdep
Chưa có bình luận.