Thứ Bảy, 24/06/2017 | 07:00

Khi bị bụi bay vào mắt, theo phản ứng quán tính, mọi người thường đưa tay lên dụi mắt. Thói quen này có thể gây ra những tác hại tới mắt mà ít ai ngờ tới.

Tổn thương mắt nếu đưa tay lên dụi

Theo thói quen, khi đi đường có bụi bay vào mắt, chị Lê Mai Anh thường đưa tay lên dụi. Nhưng không may mắn cho chị Mai Anh chính hành động dụi mắt đó khiến chị đã phải vào viện trong tình trạng mắt bị tổn thương và viêm kết mạc. Nguyên nhân gây ra tổn thương mắt của chị Mai Anh là do có dị vật bay vào mắt. Nhưng do chị xử lý sai kiến cho dị vật có cạnh sắc làm xây xước giác mạc tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công gây hại.

Khác với chị Mai Anh, khi bị dị vật bay vào mắt, chị Thúy Lan nhờ người khác thổi giúp. Dị vật không thể ra khỏi mắt chị Thúy Lan còn bị nhiễm trùng do nước bọt bay vào mắt dẫn tới đau mắt phải đi điều trị.

Theo các bác sĩ chuyên khoa mắt, vào mùa hè nguy cơ lái xe trên đường bị dị vật bay vào mắt là rất cao. Có khoảng 30% người lái xe trên đường có dị vật bay vào mắt. Khi bị dị vật bay vào mắt nếu xử lý không đúng cách dễ gây ra tổn thương. Vì mắt là một trong những cơ quan rất nhạy cảm của cơ thể.

2 hành động sai lầm khi có bụi bay vào mắt, càng làm có thể khiến giác mạc tổn thương trầm trọng

Không dụi hay nhờ người khác thổi khi có dị vật bay vào mắt, ảnh minh họa.

Bác sĩ Nghiêm Thị Thu Trang, Khoa Mắt, Bệnh viện ĐKQT Vinmec cho hay, không khí mùa hè nhiều vi khuẩn, bụi bẩn. Vì vậy người đi đường dễ bị các dị vậy bay vào mắt. Một số dị vật phổ biến nhất như, bụi, côn trùng, vi khuẩn… Đặc biệt, khi lái xe dễ bị dị vật tấn công nhất. Vì lúc này mắt là nơi dễ hút vi khuẩn và côn trùng nhất. Nếu mắt không được che chắn, bảo vệ thì con trùng sẽ bay vào với tốc độ cực nhanh.

Trong trường hợp có dị vật bay vào mắt, theo quán tính, chúng ta thường cố tìm cách đẩy dị vật ra bằng cách dụi, hành động này có thể gây tổn thương cho mắt.

“Nếu dị vật có các cạnh sắc như cát, sỏi… dụi có thể làm các dị vật này càng chà xát mạnh lên bề mặt của mắt, gây xước giác mạc và tạo đường cho vi khuẩn, nấm xâm nhập vào mắt. Trong trường hợp dị vật là côn trùng, quá trình dụi mắt khiến chúng tăng tiết nhiều độc tố có thể làm bỏng giác mạc, mù lòa (ví dụ kiến ba khoang”, bác sĩ Trang khuyến cáo.

Những thói quen sai

Ngoài thói quen dụi mắt thì mọi người thường có thói quen nhờ người khác thổi vào mắt để dị vật bắn ra ngoài. Khi người khác thổi vào mắt có thể bị nhiễm vi khuẩn trong nước bọt và hơi thở.

Khi bị dị vật bay vào mắt không nên cố dụi mắt, thay vào đó nên học cách xử lý đúng cách để tránh gây tổn thương cho mắt.

Theo bác sĩ Trang, khi bị dị vật bay vào mắt nên dừng xe không dùng tay dụi hay nhờ người khác thổi. Với dị vật nhỏ có thể dùng nước muối sinh lý nhỏ nhiều lần vào mắt. Trong trường hợp không có sẵn nước muối sinh lý dùng nước sạch rửa mắt tới khi cảm thấy dị vật đã ra ngoài, mắt không đau và cộm.

Nếu dị vật ở những vị trí khó lấy ra, sau khi nhỏ nước muối sinh lý dùng bông tăm sạch đưa dị vật ra ngoài. Khi di chuyển trên đường không mang theo nước muối sinh lý và nước sạch hãy chớp mắt liên tục để mắt tự tiết ra nhiều nước mắt. Nước mắt sẽ rửa sạch hốc mắt một cách tự nhiên.

Bác sĩ Trang cho hay: “Trong trường hợp bị các dị vật sắc nhọn như mảng thủy tinh hay con trùng độc cần phải nhanh chóng đưa bệnh nhân tới viện. Việc chậm trễ gặp dị vật có thể gây tổn thương mắt vĩnh viễn”.

Cách bảo vệ mắt tốt nhất được chuyên gia mắt khuyên là đeo kính khi tham gia giao thông. Khi mua kính nên chọn các loại kính chất lượng tốt không nên mua các loại kính rẻ tiền bán ngoài đường. Đeo kính đúng cách sẽ giảm được nguy cơ bị côn trùng, bụi bay trực diện vào mắt. Khi tham gia giao thông nên mang theo nước muối sinh lý để vệ sinh mắt khi có dị tật bay vào. 

Ngọc Minh

 

Nguồn: Emdep

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook