Các chuyên gia tâm lý học gia đình nói rằng chỉ một câu nói bất cẩn của bố mẹ có thể ảnh hưởng rất lớn lên tâm lý của những đứa trẻ.
Vì thế, bố mẹ khi giao tiếp với con mình hãy cẩn thận trong việc chọn lời để nói. Sau đây là vài kiểu nói mà họ không bao giờ nên để con mình nghe được.
“Khi ở tuổi con, bố/mẹ học giỏi hơn nhiều”
Từ khi sinh ra đến khi được 6 tuổi, cha và mẹ đối với những đứa trẻ gần như là các vị thần, những người biết tất cả mọi thứ. Họ là người tạo nên thái độ của đứa trẻ với thế giới và với cá nhân mình.
Câu nói này có thể phản ánh sự đua tranh của cha mẹ với con, dường như bạn nói với con: “Con chẳng bao giờ bằng bố/mẹ! Dù con có cố gắng thế nào, bố/mẹ cũng sẽ giỏi hơn con”. Trẻ em lớn lên với ám ảnh này, theo như quy luật, suốt đời sẽ phài cố gắng chứng minh rằng chúng giỏi.
Tất nhiên, khi nói những câu như thế, bạn thực sự chỉ muốn kích thích sự tự ái trong tâm lý của trẻ, để cổ vũ chúng đạt được mục tiêu nào đó.
Nhưng tai họa là ở chỗ cuối cùng đứa trẻ sẽ cố gắng làm gì đó không phải cho mình mà cho bố và mẹ, để họ cuối cùng nhìn thấy rằng nó xứng đáng với họ.
Lớn lên, những đứa trẻ này không bao giờ hạnh phúc với thành công của mình, niềm vui chỉ đến khi cha mẹ công nhận thành tích của chúng, nhưng điều đó sẽ luôn luôn rất khó khăn.
“Chậm như rùa, ngu như bò, phá phách như khỉ con…”
Có bao nhiêu cách cha mẹ so sánh con mình khi bạn không hài lòng? Tất cả điều này dẫn đến một điều: trẻ em sẽ cảm thấy bối rối về chính bản thân mình, nó sẽ cảm nhận được một điều rằng mình là một món đồ chơi, và người ta có thể làm tất cả mọi điều người ta muốn với nó.
Vào lúc bắt đầu của cuộc đời, con bạn sẽ tiếp nhận mọi điều người khác nói mà không có suy nghĩ riêng của mình, chúng tin cậy vào bạn 100%. Thay vì nói với con rằng nó là một kẻ ngốc, hãy nói “Để mẹ giúp con, để mẹ giải thích cho con nhé” và con sẽ vui với điều đó.
Sau đây là một ví dụ: một người mẹ trong khi dạy con đã nói với con trai mình rằng nó là một kẻ hèn nhát. Kết quả là, khi cần giới thiệu mình trong một lần gặp mặt, cậu bé nói như sau: “Tôi tên là …, tôi là một kẻ hèn nhát”.
Bạn cần phải suy nghĩ về cách giao tiếp với con của bạn. Tên của con người – là cách giới thiệu của họ với thế giới. Trong một số gia đình, người ta nghĩ ra hàng loại tên ngộ nghĩnh cho con, điều đó là không nên!
Cái tên phải luôn được coi trọng, bởi nó là cách mọi người sẽ cảm nhận về mình sau này, trong thế giới, và nó cần phải có ý nghĩa. Nếu bạn thường gọi con gái hay con trai của mình là heo, gà, bạn có thể đã lấy đi phần nào sự tự hào về một cái tên trọn vẹn theo nghĩa bóng của một con người.
“Bạn… được 10 điểm mà con chỉ có 8”
Hầu hết các bậc cha mẹ đều làm vậy với những ý định tốt. Chính họ, suốt thời thơ ấu của mình có thể cũng nghe những câu như vậy, và bây giờ họ nói: “Có gì đâu, người ta cũng nói như vậy với tôi, nhưng tôi lớn lên, và hãy nhìn xem tôi có sao đâu”.
Họ đã có thể “quên” rằng trẻ sẽ rất đau khi cha hoặc mẹ chê bai và nói thẳng vào mặt: “Bạn…giỏi hơn con”. Đây là một trải nghiệm rất đau đớn mà những trẻ em thường mang theo cả khi đã trưởng thành.
Bên cạnh đó, con bạn sẽ bắt đầu ghét người bạn đó. Những đứa trẻ thường bực bội khi bị so sánh với người khác – với một người bạn cùng lớp, với anh chị em. Những đứa trẻ này khi trưởng thành luôn luôn tiếp tục so sánh mình với người khác, và điều đó không phải lúc nào cũng có ích.
“Nếu con cư xử như thế, bố/mẹ sẽ không yêu con nữa”
Hoặc “Mẹ chỉ yêu con khi con làm mẹ vui”. Sau câu này, đứa trẻ bắt đầu cố gắng hết mình để làm như bạn muốn, bỏ qua tất cả các nhu cầu và mong muốn của mình, “phát triển” một loại ăng-ten dùng để đoán những mong muốn và kỳ vọng của cha mẹ.
Kết quả là đứa trẻ không còn tồn tại. Khi lớn lên, nó sẽ luôn cố gắng để làm hài lòng ai đó, sống với nguyên tắc “Tôi muốn được yêu thương, và để có điều này tôi phải làm họ hài lòng. Tôi sẽ không có ham muốn của mình, mà chỉ có mong muốn của người khác. ”
“Đừng có bôi tro trát trấu lên mặt bố/mẹ”
Nói cách khác, bạn thông báo cho con mình: “Con là sự xấu hổ của bố/mẹ”. Trẻ em thường nghe những câu như vậy sẽ luôn muốn mọi người nhìn thấy thật ra mình là người thế nào, bên cạnh đó, nếu chúng nhận được sự chú ý của một ai đó, chúng không biết phải làm gì với điều ấy.
Chúng lẩn tránh, khép kín, và lạc hướng. Đứa trẻ ấy không có sự lựa chọn, nó chỉ có thể là sự xấu hổ của người khác. Khi bạn nói như thế, bạn làm tổn thương con của bạn.
“Con giống y như bố con/ mẹ con”
Tất nhiên, những câu nói này là của các ông bố bà mẹ đang có vấn đề trong quan hệ với nhau và họ mang nỗi tức tối của mình trút lên đầu con cái.
Các cặp vợ chồngnhư thế này thường không trực tiếp giải quyết mối quan hệ của mình mà lại dùng con để thể hiện những điều không vừa ý. Và tất cả những điều tồi tệ ấy chỉ trẻ em lãnh đủ.
Nếu người mẹ nói: “Con lỳ lợm như cha con”. Điều ấy có nghĩa là cha cậu là người xấu và không thể nói chuyện gì với ông ấy được? Như vậy thì liệu con cái có muốn trở thành người xấu như vậy hay không? Khi các bậc cha mẹ làm thế nghĩa là họ đã đẩy con vào cuộc đấu tranh, chọn lựa: hoặc theo ba, hoặc theo mẹ.
“Con mà không ăn hết cháo thì con sẽ yếu ớt và ngu đần đấy”
Có một cô gái kể rằng ngày còn bé, mẹ cô hay dọa cô rằng: “Nếu con không ăn hết chén cháo, đêm đêm khi con ngủ, nó sẽ đổ ụp lên đầu con”.
Nghe thì có vẻ buồn cười, nhưng cô gái từ đó vô cùng sợ cháo và như vậy là lời đe dọa của bà mẹ thành ra phản tác dụng. Những đe dọa kiểu này thường được những bậc ông bà đã từng có cuộc sống hết sức khó khăn sử dụng.
Họ nói và chúng được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác một cách âm thầm. Những đứa trẻ ngày nay không thiếu ăn, nên những câu như vậy khiến chúng có suy nghĩ không tốt về thực phẩm, trọng lượng thừa của cơ thể và nhiều điều khác…
“Nếu con không ngoan, mẹ sẽ mang con cho người khác đấy”
Đây là một thông điệp rất cụ thể nói rằng một đứa trẻ chỉ có giá trị khi nó vâng lời cha mẹ. Cha mẹ khiến trẻ nghĩ: “Đừng là chính mình, con phải là người mà chúng ta muốn”. Khi lớn lên, những đứa trẻ này mình muốn gì, và cố gắng để làm hài lòng tất cả mọi người.
“Về nhà thì biết tay”
Có một thực tế là bố mẹ cho rằng mình có quyền làm bất cứ điều gì với con mà không nghĩ tới cảm xúc của con. Trong một giây, người mẹ hoặc cha biến thành một người giám sát công việc trừng phạt hay tha thứ.
Trẻ em thường nghe mắng mỏ như vậy sẽ rất khó có mối quan hệ tốt với sếp, bởi vì cha mẹ đã trở thành người ra lệnh và con cái sẽ cảm thấy sợ hãi họ, luôn muốn làm hài lòng họ để không bị trường phạt.
Tuy nhiên, theo quy luật, những người quản lý sẽ cảm thấy thái độ này và sẽ coi thường cấp dưới của mình
“Con đi ra chỗ nào cho mẹ không phải nhìn và nghe thấy tiếng của con”
Có thể dịch câu này là: “Con làm mệt cuộc sống của mẹ. Biến đi! Đáng ra không nên sanh con ra”. Kết quả là đứa trẻ sẽ sống với mặc cảm có lỗi trước cha mẹ rằng nó làm phiền cha mẹ, khiến họ không hạnh phúc.
Hãy cân nhắc khi nói những câu như trên với con cái, bởi chúng sẽ mang gánh nặng này theo suốt cuộc đời mình. Nói tóm lại là hãy suy nghĩ thật kỹ khi cần trách móc, mắng mỏ con.
Rất nhiều người lớn không tự nghe thấy những điều mình nói. Giá như họ có thể nghe với tư cách một người ngoài cuộc! Bạn có rất nhiều phương tiện ghi âm, hãy thử ghi lại những điều mình nói và nghe thử xem mình thường nói chuyện với con như thế nào. Chắc chắn là bạn sẽ nhận ra khá nhiều điều chẳng mấy hay ho!
Chưa có bình luận.