Chủ Nhật, 13/03/2016 | 15:31

Bộ Y tế dẫn báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, cho biết hiện đã có 54 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo có sự lưu hành hoặc có sự lây truyền vi rút Zika. Trong đó, có nhiều nước trong khu vực và sát biên giới Việt Nam. Theo đánh giá của Bộ Y tế, nguy cơ vi rút Zika xâm nhập vào nước ta và bùng phát thành dịch là rất lớn.

Phụ nữ có thai không nên đến các nước có bệnh do vi rút Zika

Nhiều nước trong khu vực đã ghi nhận các trường hợp mắc bệnh do vi rút Zika xâm nhập hoặc có sự lây truyền vi rút Zika là: Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines, đặc biệt là Campuchia, Trung Quốc là những nước có chung đường biên giới với nước ta.

Ngoài ra, có 3 quốc gia ghi nhận ca bệnh có thể lây truyền qua đường tình dục là Pháp, Ý và Mỹ.

Một số quốc gia cũng đã ghi nhận các trường hợp mắc bệnh do vi rút Zika xâm nhập sau khi về từ vùng có dịch gồm: Đức, Hà Lan, Australia, Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Cuba, Utah, Đan Mạch, Nga.

Đến nay, Việt Nam vẫn chưa ghi nhận trường hợp mắc vi rút Zika. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Y tế, nguy cơ vi rút Zika xâm nhập vào nước ta và bùng phát thành dịch là rất lớn. Đặc biệt, trước thông tin vi rút Zika đã xuất hiện tại Lào, Bộ Y tế đã ra khuyến cáo mạnh mẽ, yêu cầu người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ có thai hoặc dự định có thai trong vòng 6 tháng tới không nên đến các quốc gia đang có dịch bệnh do vi rút Zika khi không cần thiết. Những người đi/đến/về từ quốc gia đang có dịch bệnh do vi rút Zika chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 12 ngày, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị.

TSTrần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, thời gian qua, tại miền Bắc chỉ có 2 trường hợp nghi nhiễm vi rút Zika đến cơ sở xét nghiệm.

“Đối với người nhiễm vi rút Zika việc đo thân nhiệt để phát hiện là không hiệu quả vì 80% số trường hợp nhiễm đều không có triệu chứng. Do vậy, không nước nào áp dụng khai báo sức khỏe khi người dân đi từ vùng dịch về. Quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân. Nếu người dân đi từ vùng có dịch về mà có các biểu hiện nghi ngờ cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, xét nghiệm”- ông Trần Đắc Phu nói.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo, người trở về từ quốc gia đang có dịch bệnh do vi rút Zika, cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục với vợ (hoặc bạn tình) đang trong quá trình mang thai hoặc dự định có thai để tránh những biến chứng có thể xảy ra đối với thai nhi. Người dân cũng cần áp dụng các biện pháp chống muỗi đốt, chủ động diệt muỗi và bọ gậy để loại trừ mầm bệnh.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã phát động chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng để phòng bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết”.

Cụ thể, người dân cần áp dụng các biện pháp chống muỗi đốt, diệt muỗi và lăng quăng (bọ gậy) cho gia đình và khu vực mình sinh sống như: lật úp các dụng cụ, thu dọn các vật dụng phế thải xung quanh nhà như vỏ chai, lon, hộp bia nước ngọt, lốp xe, vật dụng phế thải…; thay nước bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn, tủ… Đây chính là các vật dụng có khả năng chứa nước và là ổ chứa, nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết.

Muỗi thông thường cũng chứa vi rút Zika

Đầu tháng 3, các nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm Oswaldo Cruz Foundation (Fiocruz) của Brazil thông báo đã phát hiện vi rút Zika trong tuyến nước bọt của muỗi thông thường hay muỗi Culex. Phát hiện này đưa đến giả thuyết muỗi thường có thể truyền nhiễm căn bệnh trên làm dấy lên sự lo ngại vi rút Zika có thể lây truyền nhanh chóng hơn trên khắp thế giới.

Các nhà khoa học cho biết đang điều tra môi trường sống tự nhiên của muỗi Culex, đông gấp 20 lần muỗi Aedes aegypti trong khu vực lây nhiễm vi rút Zika để điều tra liệu loài muỗi này có mang khuẩn Zika hay không. Các thử nghiệm đã được tiến hành trên hơn 200 con muỗi Culex và nghiên cứu này sẽ kéo dài từ 6 đến 8 tháng trước khi đưa ra kết luận cuối cùng khẳng định loài này có hay không thể truyền vi rút Zika sang người.

Muỗi Culex là loài phổ biến rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới, đẻ trứng trong những hố chứa nước bẩn, không giống như muỗi Aedes aegypti đẻ trứng trong nước sạch và những khu vực ẩm thấp. Loài muỗi thường sinh trưởng mạnh ở các khu vực đô thị thiếu cơ sở hạ tầng vệ sinh cơ bản, một vấn đề phổ biến ở các vùng nghèo của tất cả các thành phố lớn ở Brazil.

Bộ Y tế Brazil cho biết tính nước này có tới 5.909 trường hợp trẻ sơ sinh và thai nhi nghi mắc bệnh đầu nhỏ, teo não, bị nghi là do vi rút Zika gây ra. Trong số các bệnh nhi nói trên có 641 trường hợp các kết quả xét nghiệm đã khẳng định trẻ bị bệnh.

Bộ Y tế Brazil tuyên bố gần như tin chắc chắn rằng các phụ nữ mang bầu khi bị nhiễm vi rút Zika sẽ lây nhiễm sang thai nhi, do đó số trẻ em mới sinh mắc bệnh đầu nhỏ, teo não ngày càng tăng trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục phát triển và chưa có dấu hiệu suy giảm ở nước này.

Minh Vũ

Nguồn: Đại đoàn kết

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook