Bên cạnh sự gia tăng về chiều cao, môi trường không trọng lực cũng tạo ra nhiều ảnh hưởng đối với cơ thể con người.
Cách đây 2 ngày, giới khoa học thế giới đã chào đón sự trở lại của các phi hành gia Scott Kelly, Mikhail Borisovich Kornienko và kỹ sư Sergey Volkov sau khi làm việc trên Trạm vũ tụ quốc tế ISS trong vòng 340 ngày liên tiếp. Trước đó, hai phi hành gia này là những người được chọn để tham gia vào dự án “Nhiệm vụ một năm”.
Dự án này nhằm mục đích nghiên cứu những ảnh hưởng về thể chất và tinh thần của việc sinh sống lâu dài trong môi trường không trọng lực. Đồng thời, nó cũng được coi là một bước đệm quan trọng trong dự án khám phá sao Hỏa của loài người.
Sau gần một năm sống trong môi trường không trọng lực, cả 3 người đã trở lại Trái Đất sau 3 giờ kể từ khi rời khỏi ISS và hạ cánh xuống một khu đất trống tại Kazakhstan. Điều đầu tiên mà những chuyên gia mặt đất của NASA nhận thấy sự khác biệt ở Kelly Scott là ông đã cao thêm khoảng 5cm so với thời điểm trước khi tham gia nhiệm vụ này.
Lý giải cho sự thay đổi này, NASA cho biết trong môi trường không trọng lực đã giải phóng áp lực đối với cột sống khiến chúng có thể dãn thêm khoảng 3%, đối với trường hợp của Scott Kelly thì con số tăng thêm là khoảng 5cm vì chiều cao trước khi bay vào vũ trụ của ông là 1,8m. Mặc dù vậy, sự gia tăng này chỉ là tạm thời và mọi thứ sẽ trở về trạng thái bình thường sau vài tháng. Bên cạnh sự gia tăng về chiều cao, môi trường không trọng lực cũng tạo ra nhiều ảnh hưởng đối với cơ thể con người.
Cụ thể, chúng ta sẽ mất đi khoảng 1-2% mô xương mỗi tháng. Với khoảng thời gian dài 1 năm như vậy, 2 phi hành gia sẽ hụt đi 20% mô xương – đặc biệt là ở tứ chi và hông. Ngoài ra, khối lượng cơ bắp của các phi hành gia cũng giảm mạnh cho dù họ vẫn tập thể dục đều đặn 2,5 tiếng mỗi ngày. Trung bình trong khoảng 5 tháng Scott Kelly và Mikhail Borisovich Kornienko sẽ mất khoảng 40% khối lượng cơ bắp của cơ thể.
Chưa hết, các phi hành gia sẽ bị mất đi khoảng 22% thể tích máu của họ và điều này dẫn tới việc tim có dấu hiệu bị teo. Hệ quả là 2 người trở nên nhát gan và chóng mặt ngay sau khi gặp mặt những người tham gia nhiệm vụ đón họ trở lại Trái Đất. Bên cạnh đó, phần mu bàn chân sẽ trở nên đau đớn vô cùng và các vết chai ở các ngón chân cũng biến mất.
Mặc dù vậy, vấn đề nghiêm trọng nhất chính là việc phơi nhiễm phóng xạ trong thời gian làm việc bên ngoài trạm ISS. Kể cả khi được từ quyển của Trái Đất bảo vệ, 2 phi hành gia vẫn phải chịu đựng mức bức xạ từ gió Mặt Trời cao gấp 40 lần so với một người sống tại mặt đất, để lại một số tác động tới tủy xương, máu, hệ miễn dịch. Thêm vào đó, nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn thì nguy cơ mắc ung thư và bệnh Alzheimer sẽ tăng lên một chút cho dù đây vẫn chỉ là giả thuyết.
Việc nghiên cứu kỹ càng sự thay đổi về thể chất ở các phi hành gia sẽ tạo ra cơ sở đối với những nhiệm vụ khám phá không gian sau này của nhân loại, ví dụ như chương trình đổ bộ lên Sao Hỏa trong tương lai. Được biết, nếu con người muốn bay tới Sao Hỏa thì các phi hành gia sẽ phải chịu đựng mức bức xạ phơi nhiễm cao gấp 100 lần so với Trái Đất.
Tham khảo Iflscience
Nguồn: GenK
Chưa có bình luận.