Trong nhiều năm gần đây, sự phát triển nhanh chóng về kinh tế xã hội đã có nhiều tác động đến tình hình sức khỏe và dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam. Hiện tại, chúng ta đang phải đối mặt với “gánh nặng kép” về dinh dưỡng – tình trạng suy dinh dưỡng vẫn còn tồn tại, đồng thời tình trạng béo phì đang có xu hướng tăng lên nhanh.
Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng và trẻ béo phì ở Việt Nam
Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia đưa ra kết quả khảo sát về tình trạng dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam trong 8 năm qua (từ 2007 đến năm 2014): tỷ lệ bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm từ 21,2% xuống còn 14,5%. Tỷ lệ thấp còi cũng giảm từ 33,9% xuống còn 24,9%. Tuy nhiên với tỷ lệ này, Việt Nam vẫn là nước có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao trên thế giới.
Tỷ lệ bị suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam đã giảm nhưng vẫn ở mức cao so với thế giới
Cũng theo kết quả nghiên cứu của Viện Dinh Dưỡng công bố vào năm 2014 trong hội thảo “Thực trạng dinh dưỡng trẻ em đô thị Việt Nam”, tỉ lệ thừa cân béo phì trên toàn quốc ở trẻ em dưới 5 tuổi là 4%. Đặc biệt tại 5 thành phố lớn (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng) tỉ lệ này lên tới 6%. Với con số trên thì tỉ lệ thừa cân béo phì tại một số thành phố ở Việt Nam đã cao hơn mức trung bình của Châu Á và các nước đang phát triển.
Nguyên nhân của “gánh nặng kép” về dinh dưỡng
Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia Lê Danh Tuyên cho biết, theo kết quả nghiên cứu sau hơn 10 năm, lượng thịt cá tiêu thụ trong bữa ăn của người Việt đã tăng gấp rưỡi nhưng rau xanh lại giảm. Khẩu phần ăn đơn điệu chủ yếu là cơm và rau chỉ còn thấy ở một số vùng nông thôn nghèo, vùng khó khăn hay xảy ra thiên tai. Còn phần lớn người dân các vùng thành phố, vùng nông thôn khá giả và ở nhiều tầng lớp có thu nhập khá thì cơ cấu bữa ăn lại quá nhiều đạm, chất béodẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ và một số bệnh mãn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng lại gia tăng.
Nguyên nhân của trẻ suy dinh dưỡng từ việc cha mẹ và người trực tiếp chăm trẻ thiếu kiến thức chăm sóc như: trẻ không được bú sữa mẹ, cho ăn dặm không đúng cách, không biết cách lựa chọnthực phẩmphù hợp với trẻ, cho trẻ ăn quá ít lần trong ngày, do trẻ biếng ăn. Và một vài nguyên nhân khác ít gặp hơn như: trẻ hoạt động quá nhiều, hoặc sống trong môi trường quá nóng, quá lạnh, làm tiêu hao năng lượng nhiều; hoặc trẻ bị bệnh nặng có nhu cầu các dưỡng chất cao mà không được cung cấp tăng cường.
Một vấn đề chung của cả hai tình trạng suy dinh dưỡng và béo phì là hai nhóm trẻ này đều bị thiếu vi chất dinh dưỡng (vitamin A, vitamin nhóm B, vitamin C, vitamin D, canxi, sắt, iod, kẽm, selen…). Thiếu vi chấtgây nên tình trạng biếng ăn, khiến trẻ không hấp thụ được các dưỡng chất cần thiết và dẫn đến bị suy dinh dưỡng. Trẻ béo phì với một chế độ ăn nghiêng về nhiều đạm và chất béo nhưng lại nghèo vi chất, trông có vẻ bụ bẫm nhưng lại dễ mắc bệnh. Vì thế cả trẻ thiếu cân và trẻ thừa cân đều có vấn đề về sức khỏe khi thiếu các vi chất quan trọng đối với cơ thể.
Hậu quả của “gánh nặng kép” về dinh dưỡng
Đề cập đến “gánh nặng kép” về vấn đề dinh dưỡng ở nước ta, nhiều chuyên gia cho rằng, tình trạng thiếu cân hay thừa cân đều rất đáng lo ngại. Dẫn chứng là suy dinh dưỡng thể thấp còi hay béo phì, thiếu dinh dưỡng và thường xuyên mắc bệnh nhiễm khuẩn không chỉ ảnh hưởng đến phát triển chiều cao mà còn gây tổn thương đến chức năng và cấu trúc của não bộ, do đó làm chậm quá trình phát triển nhận thức và trí tuệ của trẻ. Hậu quả của suy dinh dưỡng gây ra các tác động tiêu cực, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe. Hơn một phần ba trẻ em dưới 5 tuổi tử vong đều trong tình trạng suy dinh dưỡng nặng.
Giải pháp cho “gánh nặng kép” về dinh dưỡng
Để giải quyết “gánh nặng kép” về dinh dưỡng, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn đề nghị, ngành Dinh dưỡng cần tiếp tục các giải pháp mang tính chiến lược dài hạn như đảm bảo an ninh lương thực, vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là xây dựng cơ cấu bữa ăn hợp lý, nghiên cứu xây dựng mô hình điểm về phòng và chống mất cân bằng dinh dưỡng để nhân rộng ra toàn quốc, tuyên truyền rộng rãi về các kiến thức về dinh dưỡng cho toàn dân. Giúp đỡ về lương thực cho các vùng khó khăn, và tuyên truyền về cân bằng dinh dưỡng ở thành phố.
Ngoài ra còn là vấn đề nhận thức của mỗi gia đình, cá nhân. Cha mẹ nên làm gương thiết lập lối sống lành mạnh trong chính gia đình của mình. Xây dựng thực đơn phong phú, đầy đủ các nhóm thực phẩm, bổ sung vitamin (A, C, D, và nhóm B,…) và các khoáng chất (sắt, kẽm, selen, iod, canxi,…), các enzym tiêu hóa thông qua các loại thực phẩm khác nhau, hoặc một số sản phẩm chế phẩm hỗ trợ tiêu hóa cho trẻ và cả gia đình. Tăng cường các hoạt động vui chơi ngoài trời cho trẻ để trẻ có thể được phát triển một cách toàn diện. Trẻ em là tương lai của mỗi gia đình và xã hội. Chăm sóc trẻ em một cách khoa học để đảm bảo sức khỏe thể chất, sức khỏe trí tuệ cũng chính là đảm bảo tương lai cho cả cộng đồng.
Nguồn: Afamily
Chưa có bình luận.