Chủ Nhật, 13/09/2015 | 07:58

Vài cách để mẹ dạy con biết chữ sớm

Cho dù là trẻ sơ sinh hay ở độ tuổi chập chững biết đi là mẹ có thể dạy chữ cho bé bằng một số cách đơn giản.

Bạn biết gì về sự phát triển ngôn ngữ sớm và biết chữ sớm?

Sự phát triển ngôn ngữ sớm và biết chữ sớm (đọc và viết) được bắt đầu ngay từ 3 năm đầu đời của trẻ và gắn liền với những tiếp xúc sớm như sách, truyện.

Sự tương tác mà trẻ được trải nghiệm với sách, bút, màu… cùng với người lớn một cách thường xuyên giúp xây dựng nền tảng cho việc phát triển ngôn ngữ, kỹ năng đọc và viết. Biết chữ sớm là một trong những nhân tố đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành chất lượng của não bộ.

Những nghiên cứu gần đây của Trung tâm Y khoa thuộc Đại học Boston kết hợp với Học viện Erikson đã chứng minh về sự tương tác hỗ trợ lẫn nhau giữa quá trình học nói và học ngôn ngữ viết được bắt đầu từ khi trẻ còn ẵm ngửa.

Chúng ta biết rằng trẻ hình thành ý thức về ngôn ngữ, đọc và nói từ rất sớm trước khi chúng đi học.

Trẻ học nói, đọc, viết thông qua các trải nghiệm ngôn ngữ xã hội khi người lớn hoặc trẻ lớn tuổi hơn tương tác với chúng thông qua việc sử dụng sách và các phương tiệnngôn ngữ khác như báo chí, biển hiệu…

Các nghiên cứu chỉ ra rằng:

– Ngôn ngữ, kỹ năng đọc và viết phát triển cùng lúc và liên quan mật thiết tới nhau.

– Phát triển kỹ năng biết chữ sớm là một trong các bước phát triển liên tục của não bộ được bắt đầu ngay từ những năm tháng đầu đời.

– Phát triển kỹ năng ngôn ngữ sớm thông qua các tương tác tích cực với các tài liệu ngôn ngữ và với người khác.

Biết chữ sớm không có nghĩa là dạy đọc sớm

Hiểu biết về sự phát triển ngôn ngữ sớm và biết chữ sớm mang lại những cách nhìn mới trong việc giúp trẻ học nói, đọc và viết.

Tuy nhiên điều đó không biện hộ cho việc dạy đọc đối với trẻ nhỏ. Nếu ép trẻ dưới 1 tuổi và trẻ trong độ tuổi chập chững biết đi học đọc bằng cách áp dụng hình mẫu giáo dục của người lớn (ví dụ như việc học đọc và viết thực sự) là cách làm không phù hợp.

Biết chữ sớm nhấn mạnh tới các kỹ năng hấp thu một cách tự nhiên và linh hoạt thông qua việc thưởng thức những cuốn sách, qua những tương tác tích cực giữa trẻ và người lớn, và những trải nghiệm giàu tính ngôn ngữ.

Áp dụng cách dạy ngôn ngữ máy móc, cứng nhắc đối với trẻ chưa sẵn sàng cho việc học đọc gây ra những tác động xấu và làm tổn thương sự phát triển ngôn ngữ của trẻ dẫn tới thất bại trong giáo dục ngôn ngữ sớm.

Trẻ sơ sinh và trẻ trong độ tuổi chập chững đi có thể làm gì để phát triển ngôn ngữ sớm

Biết chữ sớm là nhân tố cốt yếu trong phát triển ngôn ngữ và nên được các bậc phụ huynh quan tâm. Thông qua việc tập trung vào tầm quan trọng của việc phát triển ngôn ngữ trong những năm đầu đời, việc tương tác giữa trẻ với sách và truyện mang một ý nghĩa mới.

Việc bé khám phá và chơi với sách, hát bài hát thiếu nhi, nghe kể chuyện, nhận biết chữ, viết ra những nét bút nghuệc ngoạc… tất cả đều là hành vi xây dựng và phát triển nền tảng ngôn ngữ.

Những hành vi ngôn ngữ sớm

Hành vi đối xử với sách: Hành vi liên quan đến thao tác bằng tay của bé hoặc cách bé xử lý một quyển sách như: mở sách, lật trang và thậm chí là nhai sách.

Nhìn và nhận biết: Hành vi liên quan đến việc bé chú ý và phản ứng như thế nào với các bức tranh trong sách, ví dụ như nhìn chăm chú hoặc cười với bức tranh bé thích, các hành động cho thấy bé bắt đầu hiểu bức tranh trong sách như chỉ tay vào hình ảnh của vật thân quen.

Hiểu tranh và chuyện: Hành vi thể hiện bé hiểu hình ảnh và tình tiết câu chuyện như bắt chước hành động bé nhìn thấy trong hình hoặc nói về tình tiết của câu chuyện.

Hành vi đọc truyện: Hành vi bập bẹ như giả vờ đọc sách hoặc di chuyển ngón tay theo các chữ trong truyện.

Bé thích sách gì

Bé 0-6 tháng tuổi:

– Sách có hình ảnh lớn, đơn giản, nhiều màu sắc.

Bé 6-12 tháng tuổi:

– Sách tranh có trang dày, có thể treo lên hoặc bày trên sàn nhà.

– Sách có tranh hình em bé, hình các đồ vật, con vật quen thuộc.

– Album ảnh gia đình và bạn bè.

Bé 12-24 tháng tuổi:

– Sách tranh màu bé có thể mang theo: sách các con vật, sách có hình các em bé làm những hành động quen thuộc như chơi, ngủ…

– Sách truyện đọc trước khi đi ngủ.

– Sách có nội dung hội thoại đơn giản như chào hỏi, tạm biệt.

– Sách có chữ cỡ to trên mỗi trang, tốt nhất là chữ có vần như thơ vè.

Bé 2-3 tuổi

– Sách kể về các câu chuyện có nội dung đơn giản.

– Thơ, vè có nhịp điều, vần ngắn gọn đơn giản để bé có thể học thuộc.

– Sách đọc trước khi đi ngủ.

– Sách đếm số, chữ cái abc, nhận biết hình khối, kích cỡ.

– Sách về các con vật, phương tiện giao thông, rau củ, dụng cụ nhà bếp….

– Sách có hình các nhân vật hoạt hình yêu thích.

– Sách truyện có hội thoại đơn giản.

Những cách cùng bé đọc sách

– Cùng xem, đọc sách với bé mỗi ngày bất cứ lúc nào, ở đâu: lúc chơi, trước khi đi ngủ, trên xe bus…

– Hãy vui vẻ: Bé học bắt đầu từ thái độ yêu sách của bạn. Luôn vui vẻ khi cùng bé xem sách điều này là gia vị vô cùng quan trọng khi dạy bé đọc.

– Chỉ cần một vài phút thôi cũng tốt – Đừng lo lắng khi bạn không đọc hết câu chuyện. Khi bé lớn hơn bé sẽ tập trung thời gian lâu hơn.

– Hãy nói và hát về hình ảnh trong sách: Đôi khi bạn không nhất thiết phải đọc câu chuyện, thay vào đó bạn có thể nói hoặc hát 1 bài trong khi chỉ cho bé xem tranh.

– Hãy để cho bé tự lật trang: Bé cần những trang sách dày cứng và giúp bé lật trang, nhưng đến khi 3 tuổi bé đã có thể tự lật trang thành thạo. Hãy để cho bé tự lật trang dù bé lật nhiều trang 1 lần.

– Cho bé xem trang bìa: giải thích ngắn gọn cho bé cuốn sách kể về chuyện gì trong khi chỉ.

– Chỉ cho bé xem chữ: Di chuyển ngón tay theo từng chữ bạn đọc từ trái qua phải

– Làm cho câu chuyện sống động: đọc, kể chuyện bằng giọng điệu sáng tạo cho từng nhân vật và dùng cả ngôn ngữ cơ thể để minh họa.

– Hỏi bé vể câu chuyện đồng thời khuyến khích bé đặt câu hỏi

– Khuyến khích bé kể lại câu chuyện: trẻ từ 3 tuổi đã có khả năng ghi nhớ một câu chuyện, và nhiều bé còn thích sáng tạo khi kể chuyện nữa đấy.

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook