Nướng mực là nguyên nhân gây nên tình trạng bỏng nếu không cẩn thận, khi đi du lịch thì cả người lớn và trẻ em đều phải chú ý đảm bảo an toàn.
Mới đây, một cháu bé bị bỏng nặng do đứng cạnh người đang nướng mực khiến nhiều người không khỏi xót xa. Được biết, cháu bé đang trong chuyến du lịch với gia đình. Lúc bố mẹ không để ý, bé đứng xem một nhân viên nhà hàng nướng mực bằng cồn.
Sự việc sẽ không gây ra chuyện gì nếu như không có tình huống nhân viên nói trên cố gắng cho thêm cồn vào để nướng tiếp. Khi nhân viên này cho cồn vào thì lửa táp quá mạnh và vung chai đựng cồn văng xungq uanh lên cả người em bé. Lửa bén sang khiến bé bỏng nặng. Hiện nay bé đã được điều trị, không có nguy hiểm gì tính mạng nhưng vẫn là lời cảnh tỉnh cho phụ huynh.
Trước đây từng có video clip, 2 vị khách ngồi ăn lẩu bằng bếp cồn. Khi nhân viên đưa cốn ra đổ thêm vào bếp thì bất ngờ nóng quá, tung chai đựng cồn đổ khắp nơi. Lửa bắt lên người, hai nạn nhân bị bỏng nặng.
Có thể thấy hiểm họa từ cồn không bao giờ là vấn đề cũ nhất là khi ăn lẩu. Hiện nay, đã có cồn dạng cục, khối thay thế được cồn bằng chất lỏng như khi ăn lẩu trước đây. Nhưng vẫn có hiện tượng mọi người dùng cồn dạng lỏng để nướng mực, cá ngay tại văn phòng, các địa điểm du lịch hoặc ngay tại nhà.
Chỉ một chút sơ sẩy cũng có thể xảy ra tai nạn gây bỏng. Theo các bác sĩ, bỏng cồn thường gây ra tổn thương sâu, không ít trường hợp bị bỏng tới 50% cơ thể rất xót xa. Bỏng không chỉ bên ngoài da mà còn bỏng cả đường hô hấp, tổn thương đến các giác quan.
Không để trẻ lại gần
Anh Huy Anh (Nhân viên một nhà hàng hải sản ở Hà Nội) cho hay, dùng cồn nướng mực, cá, hải sản khô hiện nay rất ít và giảm hẳn so với những năm trước. Nhưng nếu dùng tại nhà hoặc quán hàng vẫn phải cẩn thận.
“Như trường hợp ở trên, gia đình có trẻ nhỏ, tuyệt đối không cho các bé đứng gần chỗ nướng mực dùng cồn hoặc cầm nắm bất cứ dụng cụ gì đựng cồn. Phụ huynh phải giám sát để chỉ rõ cho bé sự nguy hiểm. Bản thân những nhân viên chịu trách nhiệm nướng mực bằng cồn cũng phải thấy được sự nguy hiểm này yêu cầu trẻ em cũng như du khách đứng xa”, anh Huy Anh nói.
Bên cạnh đó, khi dùng cồn nướng mực, cá nếu đổ liên tục, đổ dồn dập hay đổ quá mạnh tay sẽ khiến ngọn lửa bùng lên dữ dội và gây bỏng. Đó là nguyên nhân khiến cho lửa táp vào da tay dẫn đến nhân viên của nhà hàng có thể vung chai cồn ra vì phản ứng nóng. Cồn sẽ vương vãi ra nền nhà, đồ dùng xung quanh và cơ thể.
“Lúc đó, lửa sẽ táp mạnh vào nơi có cồn kể cả quần áo, cơ thể gây nên những hậu quả khôn lường. Do đó, nguyên tắc là đợi lửa cạn kiệt hẳn mới đổ cồn từng chút vào, không đổ một lần quá tay mà phải chia thành các lần nhỏ để lửa không bùng lên”, anh nói.
Ngoài ra, nơi nướng mực, cá, hải sản khô phải là khu vực kín gió. Tuyệt đối tránh nơi có gió lùa, tắt quạt. Do các yếu tố này có thể hỗ trợ ngọn lửa bùng lên. Chai đựng cồn phải đặt xa vị trí nướng và không đặt sát ngọn lửa tránh bị đổ khiến lửa lan ra sàn nhà hoặc cả phòng.
Khi ngồi nướng mực, nên giữ khoảng cách xa, tuyệt đối không ngồi quá gần và úp mặt sát trên ngọn lửa dễ bị táp gây bỏng mặt.
Với trẻ em, không chỉ là nguy cơ bỏng từ nướng mực mà việc để cồn trong các chai lọ không rõ nhãn mạc hay bố mẹ đặt ở nơi không đúng quy định dễ dẫn đến nhầm lẫn. Không ít trường hợp thương tâm khi trẻ khát nước cầm chai đựng cồn hay chai đựng dầu hỏa uống nhầm phải đi cấp cứu, gây ảnh hưởng sức khỏe.
Cũng có trường hợp phụ huynh đã nhầm chai cồn với chai đựng nước muối rồi nhỏ vào mũi trẻ. Trước khi dùng nếu không tin tưởng chất lỏng bên trong nện xác minh, có thể bằng cách đưa lên mũi ở khoảng cách xa kiểm tra xem có chính xác là nước muối sinh lý hay không.
Phương Hà
Nguồn: Emdep
Chưa có bình luận.