Trầm cảm là một nhóm bệnh chiếm tới 25% dân số, đặc biệt phổ biến ở nhóm người trong độ tuổi lao động với gánh nặng cơm áo gạo tiền.
Hai tháng nay,chị Hoài Thu (30 tuổi, nhân viên truyền thông tại Hà Nội) mất ngủ triền miên, luôn cảm thấy mệt mỏi, chán ăn. Chị rất hay cáu gắt vô cớ với chồng con và các đồng nghiệp. Chị không tiếp tục duy trì các hoạt động giải trí theo sở thích cá nhân như trước đây.
Nghiêm trọng hơn, nhiều lần, chị đã nghĩ đến cái chết. Ban đầu ý nghĩ này chỉ xuất hiện lẻ tẻ, nhưng càng ngày càng xuất hiện thường trực trong đầu chị. Chị Thu đã hai lần mua thuốc ngủ để tự tử, nhưng gia đình phát hiện kịp thời. Sau đó, họ đưa chị đến khám chuyên khoa tâm thần theo lời khuyên của một giáo sư thần kinh. Kết quả, chị Thu bị trầm cảm nặng.
Ảnh: Roisinbyrne.
Thượng tá, phó giáo sư, bác sĩ chuyên khoa II (PGS.BSCKII) Bùi Quang Huy, Chủ nhiệm khoa Tâm thần, Bệnh viện 103 (Hà Nội) cho hay, chị Thu không phải là trường hợp nữ trí thức duy nhất bị bệnh tâm thần vì không chịu nổi những áp lực trong cuộc sống.
Trong quá trình khám chữa cho các bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm, bác sĩ này từng gặp trường hợp bệnh nhân nữ 32 tuổi, làm nhân viên bưu điện luôn than phiền đau vùng thượng vị. Chị bị đau âm ỉ, cả lúc no lẫn lúc đói. Bệnh nhân đã làm rất nhiều xét nghiệm như soi dạ dày, siêu âm ổ bụng, nhưng không tìm thấy bất cứ tổn thương nào.
Bệnh nhân ngày càng lo lắng, bi quan, chán nản. Khi chị đến khám tại khoa tâm thần, bác sĩ chỉ rõ các triệu chứng trầm cảm, mặc dù mức độ của bệnh chưa mạnh mẽ. Sau hai tháng điều trị, bệnh nhân ổn định, không còn đau và lo lắng bệnh tật. Để bệnh hoàn toàn khỏi, bác sĩ đã yêu cầu bệnh nhân tiếp tục điều trị củng cố thêm 9 tháng.
Bệnh trầm cảm ngày càng phổ biến
PGS Huy cho hay: “Không ít người giỏi giang, có bằng cấp, địa vị trong xã hội tìm đến chúng tôi để điều trị tâm thần. Do sức ép của công việc, họ làm việc đến mức mê muội, dẹp bỏ các nhu cầu sức khỏe của bản thân và trở thành người nghiện việc”.
Việc phải gồng mình lên chống chọi với áp lực công việc, cuộc sống lâu ngày khiến họ kiệt sức, chán ăn, mệt mỏi, mất ngủ và thờ ơ với đời sống xã hội xung quanh. Nhiều người mải mê làm ăn, ôm mộng đổi đời, bị phá sản, phải xin đi học nghề, làm công nhân để trang trải cuộc sống. Không chấp nhận được thực trạng, họ rơi vào trạng thái buồn bã, ủ dột và mất niềm tin vào bản thân, dẫn tới trầm cảm.
Bị bệnh nhưng người bệnh không nhận ra. Khi gặp phải những tác động từ bên ngoài mà vượt ngưỡng chịu đựng của họ, bệnh sẽ phát tác.
Theo PGS Huy, không thể phủ nhận cuộc sống hiện đại đem đến con người tác phong làm việc công nghiệp, nhanh nhẹn. Thế nhưng cùng với đó, nhịp sống hiện đại cũng khiến con người phải chịu nhiều sức ép trong lao động và sinh hoạt, nhất là trong thời buổi kinh tế khó khăn.
Chỉ tiêu doanh số, đe dọa sa thải, cắt giảm thu nhập, sự căng thẳng… luôn đè nặng mỗi ngày, khiến bệnh trầm cảm ngày một gia tăng, với những biểu hiện ban đầu như mệt mỏi, đau đầu hoặc đau bụng âm ỉ, chán nản, bi quan, trí nhớ giảm sút, cáu gắt vô cớ… Nhiều người còn mất hứng thú trong quan hệ vợ chồng. Nguy hiểm nhất là khi người bệnh có ý nghĩ tự sát, tự gây thương tích cho bản thân.
Tuy nhiên, ít người nghĩ tới việc mình bị bệnh trầm cảm khi thấy các biểu hiện trên. Khi được khuyên đến chuyên khoa tâm thần, người bệnh thường phản ứng rất mãnh liệt. Chỉ cho đến khi nào bệnh đã rất trầm trọng, có những hành vi gây rối, không tự chủ được bản thân, họ mới chịu để người nhà đưa đến bác sĩ tâm thần.
Bạn có bị trầm cảm hay không?
Theo PGS Bùi Quang Huy, trầm cảm là một nhóm bệnh rất phổ biến, chiếm tới 25% dân số. Bệnh này gặp ở mọi lứa tuổi, từ thiếu niên cho đến người già. Đặc biệt, số phụ nữ bị trầm cảm cao hơn nam giới từ 2-3 lần, do nội tiết tố và việc sinh nở.
Cách phòng bệnh tốt nhất là cần sự tách bạch giữa công việc và thời gian nghỉ ngơi, để cơ thể không bị kiệt sức, thần kinh không bị quá tải. Ngủ đủ giấc, chơi thể thao, tham gia sinh hoạt cùng gia đình, bạn bè là một cách để xả tress tốt, lấy lại niềm hứng khởi trong công việc là những biện pháp cần áp dụng.
Để biết mình hoặc người thân có các dấu hiệu trầm cảm hay không, bạn có thể kiểm tra, trong hai tuần liên tiếp, triệu chứng nào dưới đây thường xuyên xuất hiện?
1. Khó ngủ, ngủ ít, thức dậy sớm hoặc ngủ nhiều
2. Cảm giác mệt mỏi, mất sinh lực, uể oải
3. Ăn mất ngon, ăn ít hoặc ăn quá nhiều
4. Mất hứng thú hoặc mất quan tâm trong sinh hoạt, công việc, giải trí
5. Cảm giác buồn bã, bực bội, khó chịu
6. Ý nghĩ chán nản, buông xuôi, bỏ mặc bản thân hoặc gia đình, hoặc tự buộc tội bản thân
7. Khó khăn khi tập trung vào một việc, chẳng hạn như tập trung đọc báo, xem ti vi
8. Cảm giác bứt rứt, bồn chồn, đứng ngồi không yên, lo lắng nhiều hơn bình thường, hoặc bạn nói, cử động chậm chạp hơn bình thường
9. Trong hai tuần lễ đó, bạn đã từng có ý nghĩ chán sống, muốn chết hoặc muốn tự gây thương tích cho mình không
10. Thường xuyên lo lắng về rối loạn trong cơ thể mình không (nhức đầu, đau bụng, đau ngực, đánh trống ngực, đau cơ, đổ mồ hôi)?
Nếu có từ 5 triệu chứng trở lên, có thể bạn đã có những dấu hiệu của trầm cảm. Bạn nên mang bảng kết quả này tới bác sĩ tâm thần để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Hà Quyên
Nguồn: Zing
Chưa có bình luận.