Thứ Sáu, 06/11/2015 | 07:34

Thủng màng nhĩ hay còn gọi là rách màng nhĩ sẽ gây đau nhói trong tai, ù tai, chảy máu tai, chóng mặt và điếc.

Thủng màng nhĩ hay còn gọi là rách màng nhĩ sẽ gây đau nhói trong tai, ù tai, chảy máu tai, chóng mặt và điếc. Nếu thủng màng nhĩ do viêm tai giữa cấp thì trước đó sẽ có triệu chứng sốt nóng, đau nhức trong tai, ù tai, nghe kém…

Biểu hiện của thủng màng nhĩ

Màng nhĩ có chức năng bảo vệ tai giữa và dẫn truyền âm thanh. Khi màng nhĩ bị thủng do viêm tai giữa hoặc do chấn thương sẽ làm cho sức nghe giảm và tai giữa rất dễ bị nhiễm trùng.

Thủng màng nhĩ đột ngột hay còn gọi là rách màng nhĩ sẽ gây đau nhói trong tai, ù tai, chảy máu tai, chóng mặt và điếc. Nếu chỉ rách màng nhĩ đơn thuần thì điếc nhẹ, nếu tổn thương sâu đến tai trong thì điếc nặng hơn.

Thủng màng nhĩ

Cần vệ sinh tai đúng cách để tránh thủng màng nhĩ

Nguyên nhân thủng màng nhĩ

Chấn thương trực tiếp: vật nhọn đâm vào, thường gặp trong các trường hợp này là bất cẩn trong khi lấy ráy tai để dụng cụ đâm vào màng nhĩ.

Chấn thương gián tiếp: khi áp lực quá mạnh tác động lên màng nhĩ, xảy ra khi bị người khác tát tai quá mạnh, hoặc do chấn thương bom mìn, hay lặn quá sâu…

Thủng màng nhĩ do viêm tai giữa thanh dịch: thường triệu chứng không rõ ràng và diễn biến phức tạp. Bởi biểu hiện của bệnh viêm tai giữa thanh dịch rất khó phát hiện, người bị viêm tai giữa thanh dịch thường không sốt, không đau tai, rất ít khi có ù tai, không có chảy dịch ở tai, triệu chứng duy nhất là bị nghễnh ngãng. Nếu thủng màng nhĩ do viêm tai giữa cấp thì trước đó sẽ có triệu chứng sốt nóng, đau nhức trong tai, ù tai, nghe kém. Khi màng nhĩ thủng, mủ thoát ra được ngoài ống tai thì các triệu chứng trên giảm đi.

Bệnh viêm tai giữa thanh dịch là biến chứng thường gặp nhất của viêm VA, do vậy, để phòng bị thủng màng nhĩ do viêm tai giữa thanh dịch cần điều trị căn nguyên viêm VA…

Điều trị thủng màng nhĩ

Thủng màng nhĩ, nếu không được điều trị, về lâu dài chuỗi xương truyền âm thanh trong tai giữa sẽ bị hư hại, thường gặp nhất là mất liên tục chuỗi xương này; ngoài ra có thể gây cứng khớp chuỗi xương truyền âm thanh.

Đối với thủng màng nhĩ, phương pháp điều trị tốt nhất là phẫu thuật để làm kín lỗ thủng màng nhĩ. Khi không còn lỗ thủng, vi trùng sẽ không xâm nhập vào tai giữa và như vậy tai sẽ khô hoàn toàn, không có biến chứng. Màng nhĩ liền kín, đồng nghĩa với diện tích màng nhĩ tiếp xúc với âm thanh tăng lên và người bệnh sẽ nghe rõ hơn.

Hầu hết thủng màng nhĩ sẽ lành mà không điều trị trong vòng một vài tuần. Nếu những vết rách hay thủng màng nhĩ không tự lành, các bác sĩ sẽ tiến hành làm thủ thuật để khâu lỗ thủng. Các cách điều trị có thể bao gồm:

Vá màng nhĩ

Nếu vết rách hoặc thủng màng nhĩ không tự đóng, bác sĩ tai mũi họng có thể đóng nó với một bản vá giấy. Các thủ thuật có thể cần phải được lặp lại 3 – 4 lần trước khi lỗ thủng được đóng kín.

Phẫu thuật

Nếu vá lỗ thủng không kết quả hoặc bác sĩ tai mũi xác định rằng vết rách không thể chữa lành với bản vá, bạn sẽ được đề nghị phẫu thuật. Phẫu thuật phổ biến nhất được gọi là tạo hình màng nhĩ. Bác sĩ phẫu thuật ghép một bản vá nhỏ của da vào màng nhĩ. Thủ thuật này được thực hiện trên bệnh nhân ngoại trú, nghĩa là bệnh nhân có thể về nhà ngay trong ngày làm thủ thuật.

Phòng tránh thủng màng nhĩ

Để phòng ngừa thủng màng nhĩ phải cảnh giác khi ngoáy những vật nhọn vào tai, tuyệt đối không tự ý ngoáy tai hoặc lấy ráy tai bằng các dụng cụ bằng kim loại và phải tích cực điều trị các bệnh về mũi họng vì có thể gây viêm tai giữa mủ dẫn đến thủng màng nhĩ, ảnh hưởng đến sức nghe và có thể bị những biến chứng nguy hiểm.

ThS. Thanh Tùng

Nguồn: SKĐS

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook