Đinh lăng là một loại cây vô cùng quen thuộc xung quanh cuộc sống của chúng ta. Ngoài tác dụng trang trí thì đinh lăng còn được dùng rất nhiều trong việc chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe. Hãy cùng đọc bài viết dưới đây để khám phá những tác dụng tuyệt vời mà cây đinh lăng mang lại nhé.
Mô tả cơ bản về cây đinh lăng
Đinh lăng là một loài cây nhỏ thuộc chi đinh lăng, còn được gọi là cây gỏi cá hay nam dương sâm. Đây là một loại cây nhỏ, thân nhẵn, không có gai, thường cao 0,8 đến 1,5 mét có những nơi đất tốt cây cao 1,8 – 2 mét.
Lá kép 3 lần xẻ lông chim dài 20 – 40cm, không có lá kèm rõ. Lá chét có cuống gầy dài phiến lá chét có răng cưa không đều, lá có mùi thơm đặc trưng khi được phơi hoặc sấy khô.
Cụm hoa hình chùy ngắn 7 – 18 mm gồm nhiều tán, mang nhiều hoa nhỏ. Tràng 5, nhị 5 với chỉ nhị gầy, bầu hạ 2 ngăn có dìa trắng nhạt. Quả dẹt dài 3 – 4 mm, dày 1 mm có vòi tồn tại.
Dược tính đặc trưng của cây đinh lăng
Theo Lương y Nghiêm Xuân Đồng (Hội Đông Y Hiệp Hòa, Bắc Giang), tất cả các bộ phận của cây đinh lăng đều có thể được sử dụng làm thuốc chữa bệnh, rất tốt cho sức khỏe.
Đặc biệt, qua nghiên cứu và thử nghiệm, Viện Y học quân sự đã tìm được từ cây đinh lăng những tính chất của nhân sâm.
Theo y học cổ truyền, rễ đinh lăng có vị ngọt, hơi đắng, tính mát có tác dụng thông huyết mạch, bồi bổ khí huyết, lá có vị đắng, tính mát có tác dụng giải độc thức ăn, chống dị ứng, chữa ho ra máu, kiết lỵ…
Trong rễ đinh lăng có glucozit, alcaloit, saponin triterpen, flavonoit tanin và 13 loại axit amin trong đó có lyzin, xystein, methionin là những axit amin không thể thay thế được. Vitamin B1 trong thân và lá cũng có nhưng ít hơn.
Tác dụng tuyệt vời của cây đinh lăng đối với sức khỏe
– Bồi bổ cơ thể, ngừa dị ứng: Lá đinh lăng tươi từ 150-200g, nấu sôi khoảng 200ml nước (có thể dùng nước sôi có sẵn ở ấm). Cho tất cả lá đinh lăng vào nồi, đậy nắp lại, sau vài phút, mở nắp và đảo qua đảo lại vài lần. Sau 5-7 phút, chắt ra để uống nước đầu tiên, đổ tiếp thêm khoảng 200ml nước vào để nấu sôi lại nước thứ hai.
– Chữa ho lâu ngày : Rễ đinh lăng, bách bộ, đậu săn, rễ cây dâu, nghệ vàng, rau tần dày lá tất cả đều 8g, củ xương bồ 6g, gừng khô 4g, đổ 600ml sắc còn 250ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày. Uống lúc thuốc còn nóng.
– Chữa sưng đau cơ khớp, vết thương : Lấy 40gam lá tươi giã nhuyễn, đắp vết thương hay chỗ sưng đau.
– Chữa bị tắc tia sữa : Rễ đinh lăng 30 – 40g, sắc với 500ml nước còn 250ml chia 2 – 3 lần uống nóng trong ngày, uống liền 2 – 3 ngày.
– Chữa co giật ở trẻ em : Lấy lá đinh lăng non, lá già cùng phơi khô rồi lót vào gối hay trải xuống giường cho trẻ nằm.
– Chữa liệt dương : Rễ đinh lăng, hoài sơn, ý dĩ, hoàng tinh, hà thủ ô, kỷ tử, long nhãn, cám nếp, mỗi vị 12g; trâu cổ, cao ban long, mỗi vị 8g, sa nhân 6g. Sắc uống ngày 1 thang.
– Chữa thiếu máu : Rễ đinh lăng, hà thủ ô, thục địa, hoàng tinh, mỗi vị 100g, tam thất 20g, tán bột, sắc uống ngày 100g bột hỗn hợp.
Một số lưu ý khi sử dụng đinh lăng làm thuốc
Khuyến cáo không được dùng rễ đinh lăng với liều cao, sẽ bị say, có hiện tượng mệt mỏi đối với cơ thể.
Khi ngâm rượu với củ đinh lăng thì mọi người nhất thiết phải nâng tỷ lệ đó lên ít nhất là 8-10 lít rượu với 1kg đinh lăng. Cứ theo đó để chia tỷ lệ cho hợp lý, vì trong đinh lăng có chứa một hợp chất gọi là Saponin, chất này có tác dụng phá huyết vỡ hồng cầu khi dùng với liều lượng cao. Khi đó cảm giác mệt mỏi, nôn, tiêu chảy cực dễ xảy ra.
Trên đây là những thông tin bổ ích về tác dụng chữa bệnh của cây đinh lăng mà chúng tôi muốn chia sẻ dến với mọi người. Hãy tận dụng những vị thuốc quý quanh ta để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình nhé.
Nguồn: Một nửa thế giới
Chưa có bình luận.