Thứ Tư, 10/08/2016 | 17:30

Phù hoàng điểm do đái tháo đường

Phù hoàng điểm là một trong những biến chứng của bệnh tiểu đường lên mắt, có thể dẫn đến mù lòa không hồi phục nếu không kịp thời phát hiện và điều trị.

Khái niệm phù hoàng điểm

Võng mạc là lớp thần kinh mạch máu nằm bên trong mắt. Đây là nơi ánh sáng được các tế bào thần kinh chuyển thành tín hiệu thần kinh và truyền về não bộ. Nhờ vậy, chúng ta nhận biết được hình ảnh. Hoàng điểm là vùng trung tâm của võng mạc, đảm nhiệm chức năng thị giác rõ nét và quan trọng nhất của võng mạc.

Tiểu đường làm tổn thương hệ mạch võng mạc, gây tắc nghẽn vi mạch, rò rỉ dịch. Hậu quả là làm tích tụ dịch tại hoàng điểm, dẫn đến phù hoàng điểm.

Phù hoàng điểm là nguyên nhân chính gây giảm thị lực ở bệnh nhân bị võng mạc tiểu đường. Khoảng gần 50% bệnh nhân bị võng mạc tiểu đường có biến chứng phù hoàng điểm. Nguy cơ phù hoàng điểm tăng khi bệnh võng mạc tiểu đường càng nặng thêm. Nhưng biến chứng này có thể gặp ở bất cứ giai đoạn nào của bệnh võng mạc tiểu đường.

Triệu chứng chẩn đoán

Người bị tiểu đường nên đi khám tầm soát mắt định kỳ

theo lịch của bác sĩ.

Bệnh võng mạc tiểu đường diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng báo hiệu sớm. Bệnh nhân thường chỉ đến khám và được chẩn đoán khi bệnh đã có biến chứng giảm thị lực. Vì vậy, cách giúp chẩn đoán sớm hiệu quả là khám tầm soát mắt.

Theo khuyến cáo của AAO (Hiệp hội hàn lâm Nhãn khoa Mỹ), bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 nên bắt đầu khám tầm soát hàng năm võng mạc tiểu đường ngay khi có chẩn đoán bệnh võng mạc tiểu đường. Bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1 nên bắt đầu khám tầm soát hàng năm võng mạc tiểu đường sau chẩn đoán bệnh 5 năm.

Điều trị

Trước đây, laser hoàng điểm là phương thức điều trị duy nhất và là tiêu chuẩn vàng của điều trị phù hoàng điểm đái tháo đường. Tuy nhiên, phương pháp này để lại sẹo trên võng mạc và không giúp cải thiện được thị lực. Hiện nay, với sự ra đời của các loại thuốc chích nội nhãn, thị lực của bệnh nhân phù hoàng điểm có thể được cải thiện và duy trì tốt hơn.

Yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (VEGF) là một trong những chất đóng vai trò quan trọng trong bệnh sinh của võng mạc tiểu đường và phù hoàng điểm. Các thuốc chích nội nhãn hiện nay tập trung vào ức chế chất này, được gọi là chất kháng VEGF. Các nghiên cứu khoa học tại Mỹ và nhiều nước trên thế giới đã chứng minh được hiệu quả của thuốc.

Thuốc được chích vào nội nhãn và thường được chích hàng tháng. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân được theo dõi bằng thị lực và hình ảnh chụp OCT. Hiện nay, điều trị phù hoàng điểm đái tháo đường bằng thuốc kháng VEGF là lựa chọn hàng đầu trong phác đồ điều trị trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Ngoài ra, những phương pháp điều trị hỗ trợ khác như thuốc nội nhãn corticoid phóng thích chậm, laser vi xung, phẫu thuật cắt dịch kính cũng được áp dụng. Các phương pháp này được lựa chọn tùy theo từng trường hợp bệnh nhân cụ thể.

Phòng ngừa

Cách phòng ngừa tốt nhất là kiểm soát tốt đường huyết và các yếu tố nguy cơ khác đi kèm như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, hút thuốc lá, lối sống ít vận động, thừa cân béo phì.

Phát hiện sớm biến chứng võng mạc đái tháo đường tại mắt giúp can thiệp điều trị tốt hơn. Vì vậy, bệnh nhân đái tháo đường cần được khám tầm soát đầy đủ theo khuyến cáo của AAO. Khám tầm soát bệnh võng mạc tiểu đường được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa đáy mắt. Đồng tử được nhỏ dãn để khám đáy mắt. Thời gian tái khám theo dõi, can thiệp điều trị sau đó tùy thuộc vào mức độ tổn thương võng mạc.

Yhocvn.net (Trích lược theo Zing)

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook