Hệ thống miễn dịch với chức năng bảo vệ chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn và bệnh tật. Hoạt động của hệ thống này bị rối loạn làm bệnh dị ứng và tự miễn dịch xảy ra.
Trong cơ thể mỗi người đều có một hệ thống miễn dịch với chức năng bảo vệ chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn và bệnh tật. Hoạt động của hệ thống này diễn ra hết sức phức tạp và trải qua nhiều giai đoạn nên cũng có nhiều nguy cơ bị rối loạn ở bên trong, bệnh dị ứng và tự miễn dịch là những bệnh xảy ra do các rối loạn đó.
Phản ứng dị ứng
Hiện tượng dị ứng (hay còn gọi là quá mẫn) là một dạng phản ứng có hại của hệ thống miễn dịch đối với các tác nhân từ môi trường sống mà bình thường vốn ít gây nguy hại như bụi nhà, phấn hoa, lông súc vật, nấm mốc, thức ăn, thuốc, hoá chất, nọc côn trùng…, các tác nhân này còn được gọi là các dị nguyên. Khi tiếp xúc với cơ thể lần đầu tiên, các dị nguyên sẽ gây ra tình trạng mẫn cảm cho cơ thể bằng cách kích thích hệ thống miễn dịch sản xuất ra các kháng thể dị ứng đặc hiệu với chúng, thường gặp nhất là kháng thể IgE. Sau đó, nếu các dị nguyên này tiếp xúc trở lại với cơ thể, chúng sẽ nhanh chóng kết hợp với các kháng thể đặc hiệu đã có sẵn ở trong máu và các mô của cơ thể. Sự kết hợp này thay vì bảo vệ lại gây nguy hại cho cơ thể bằng cách gây vỡ các dưỡng bào và bạch cầu ái kiềm, làm giải phóng các hoá chất trung gian như histamin, serotonin…, từ đó khởi phát các phản ứng viêm dị ứng và dẫn đến các bệnh lý dị ứng mà chúng ta vẫn quen thuộc như hen phế quản, viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng, mày đay, sốc phản vệ, chàm… Các dị nguyên có thể xâm nhập cơ thể bằng nhiều đường khác nhau như đường thở, ăn uống, qua da, niêm mạc… Mỗi người có thể bị mẫn cảm với một hoặc nhiều loại dị nguyên, cùng một loại dị nguyên cũng có thể gây ra nhiều loại bệnh dị ứng khác nhau ở trên cùng một cá thể.
Khoảng 1/5 dân số thế giới có cơ địa dị ứng, tức là có mang các kháng thể dị ứng trong người và sẽ có nguy cơ mắc các bệnh dị ứng khi tiếp xúc với các yếu tố mà cá thể đó nhạy cảm. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 2/3 số người mang cơ địa dị ứng bị mắc các bệnh hoặc phản ứng dị ứng trong cuộc đời.
Nguyên nhân gây ra các bệnh dị ứng hiện nay còn chưa được biết chính xác nhưng có sự kết hợp của các yếu tố tuổi, giới, chủng tộc, di truyền với một số yếu tố môi trường như nhiễm giun sán, ký sinh trùng và sự thay đổi chế độ ăn trong giai đoạn đầu đời.
Phản ứng tự miễn dịch
Tự miễn dịch là một dạng rối loạn hoạt động chức năng của hệ thống miễn dịch, trong đó, hệ thống miễn dịch mất khả năng phân biệt lạ – quen và quay ra tấn công lại chính các tế bào của cơ thể đó, từ đó sinh ra các phản ứng và bệnh lý tự miễn dịch. Hiện nay, y học đã phát hiện được khoảng hơn 80 loại bệnh tự miễn dịch khác nhau, ảnh hưởng đến hầu hết các hệ cơ quan trong cơ thể, gặp nhiều nhất là hệ thống mô liên kết (như bệnh lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì hệ thống…), hệ thần kinh (như bệnh xơ cứng rải rác, viêm đa dây thần kinh, nhược cơ…), hệ nội tiết (viêm tuyến giáp tự miễn, bệnh Basedow, đái tháo đường type 1…), hệ thống cơ xương khớp (viêm da cơ, viêm đa khớp dạng thấp…), hệ tiêu hoá (viêm gan tự miễn, bệnh Crohn…), các tế bào máu (tan máu tự miễn, xuất huyết giảm tiểu cầu…), da niêm mạc (bệnh Pemphigus, vảy nến…) và hệ thống mạch máu (viêm động mạch thái dương, viêm mao mạch dị ứng…).
Cũng giống như với các bệnh dị ứng, nguyên nhân chính xác gây ra các bệnh tự miễn còn chưa được biết rõ. Các nhà khoa học cho rằng có nhiều yếu tố kết hợp dẫn đến sự phát sinh của nhóm bệnh lý này, bao gồm yếu tố di truyền, giới tính, nội tiết và các kích thích từ môi trường như nhiễm khuẩn, thuốc, hoá chất, tia cực tím… Tất cả mọi người đều có thể mắc bệnh tự miễn dịch nhưng phần lớn các trường hợp bệnh xảy ra ở những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Bệnh tự miễn ảnh hưởng đến khoảng 5-8% dân số nhiều nước trên thế giới và là một trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở phụ nữ.
Những điều cần thiết để phòng chống các bệnh dị ứng và tự miễn
Bệnh dị ứng
Một số biện pháp sau được chứng minh là có thể dự phòng được sự xuất hiện của một số bệnh dị ứng ở những người có nguy cơ cao, đặc biệt là những trẻ em được sinh ra trong các gia đình có tiền sử dị ứng:
– Nuôi con bằng sữa mẹ đến ít nhất 6 tháng tuổi.
– Dùng các loại sữa thuỷ phân cho những trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ
– Tránh hút thuốc lá.
Đối với những người mắc các bệnh dị ứng, xác định và tránh tiếp xúc với dị nguyên gây bệnh và các yếu tố làm bệnh nặng lên là biện pháp quan trọng và rất hiệu quả trong dự phòng thứ phát các bệnh dị ứng. Các biện pháp sau có thể giúp hạn chế sự tiếp xúc với một số loại dị nguyên gây bệnh thường gặp:
– Bọ nhà: nên dùng các loại vỏ gối và ga trải giường bằng chất liệu tổng hợp, không dùng các vật dụng trong nhà có khả năng bắt bụi cao như thảm, rèm treo, loại bỏ các vật dụng không cần thiết trong phòng, giặt chăn ga gối đệm hàng tuần, dùng điều hoà không khí hoặc máy hút ẩm để giảm độ ẩm trong phòng…
– Nấm mốc: tạo đủ ánh sáng, giảm độ ẩm trong nhà và luôn lau sạch các vùng ẩm thấp trong nhà để hạn chế sự phát triển của nấm mốc, mang khẩu trang khi dọn dẹp các đồ đạc cũ.
– Phấn hoa: đóng kín cửa và dùng điều hoà không khí khi phấn hoa rụng nhiều, hạn chế ra ngoài trong khoảng từ 5 -10 giờ sáng là khoảng thời gian phấn hoa rụng nhiều nhất, nếu phải ra ngoài cần mang khẩu trang.
– Biểu bì, lông súc vật: hạn chế vật nuôi trong nhà, thay thế các chất liệu từ da và lông súc vật bằng các chất liệu tổng hợp, rửa tay sau tiếp xúc với vật nuôi.
– Nọc côn trùng: khi đi ra ngoài hoặc làm những công việc có nguy cơ tiếp xúc với côn trùng, nên đi giầy, mặc áo dài tay, quần áo tối màu, tránh dùng các mỹ phẩm có mùi hương thơm quyến rũ côn trùng.
– Thuốc: những người bệnh có tiền sử dị ứng thuốc cần thông báo cho thầy thuốc hoặc dược sĩ bán thuốc những loại thuốc mình đã từng bị dị ứng mỗi khi đi khám bệnh hoặc mua thuốc để tránh dùng lại các loại thuốc đã từng bị dị ứng hoặc các thuốc có mẫn cảm chéo với những thuốc này. Trong quá trình dùng thuốc, nếu có biểu hiện dị ứng, cần ngay lập tức ngừng dùng thuốc và đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để kịp thời được xử trí.
– Đối với bệnh nhân mắc các bệnh dị ứng đường hô hấp như hen phế quản, viêm mũi dị ứng, cần tránh các yếu tố gây kích phát triệu chứng như bia rượu, gắng sức, khói bụi, thay đổi thời tiết, mùi thơm và dùng các thuốc dự phòng dài hạn theo lời khuyên của các thầy thuốc,v.v…
Bệnh tự miễn
Mặc dù các bệnh tự miễn không thể điều trị khỏi nhưng hoàn toàn có thể được khống chế. Do đó, những người mắc bệnh tự miễn nên có một cuộc sống tích cực và năng động, không nên thay đổi lối sống, công việc và mục đích sống vì bệnh.
Một điều quan trọng cần lưu ý, người bệnh nên đến khám và điều trị ở các cơ sở y tế chuyên khoa đúng với bệnh của mình. Khi có đợt cấp xảy ra, tức là các triệu chứng đột ngột nặng lên, người bệnh cần liên hệ ngay với thầy thuốc, tránh tự điều trị theo kinh nghiệm hoặc theo sự mách bảo của những người quen thân.
Ngoài ra, một số điều sau đây người mắc bệnh tự miễn nên làm hàng ngày:
– Có một chế độ ăn cân đối, hợp lý và đa dạng, tránh ăn nhiều dầu mỡ và dùng quá nhiều các loại vitamin vì các chất này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của hệ miễn dịch. Nên bổ sung vitamin từ các loại rau quả và thức ăn hơn là từ các viên vitamin tổng hợp.
– Có chế độ tập luyện, vận động thường xuyên khoảng 30 phút mỗi ngày (lưu ý tránh quá tải), tốt nhất là dưới sự hướng dẫn của thầy thuốc. Những người có đau cơ và khớp kéo dài nên tập luyện nhẹ nhàng và tăng dần cường độ.
– Có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, điều này sẽ giúp cho cơ thể có thời gian sửa chữa các tổn thương bên trong. Ngủ là cách nghỉ ngơi tốt nhất, thiếu ngủ sẽ làm cho người bệnh thấy căng thẳng và các triệu chứng bệnh có thể sẽ nặng lên. Người bệnh nên ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi đêm.
– Giảm tối đa các sang chấn và căng thẳng tinh thần trong cuộc sống. Nên tìm các hình thức giải trí phù hợp như tranh ảnh, sách báo, âm nhạc…
– Khi mắc các bệnh tự miễn, người bệnh nên đến khám tư vấn và điều trị theo lời khuyên của các thầy thuốc chuyên khoa để được dùng thuốc và biết cách phòng tránh bệnh, không tự điều trị bằng những phương pháp thiếu cơ sở khoa học.
Bên cạnh đó là những lời khuyên cụ thể dành cho từng loại bệnh tự miễn và từng trường hợp bệnh riêng lẻ, tuỳ thuộc vào biểu hiện lâm sàng của bệnh. Ví dụ, người mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống nên tránh tối đa việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, vì tia tử ngoại trong ánh nắng mặt trời thường khởi phát các đợt cấp hoặc làm nặng bệnh. Người bệnh xơ cứng bì hệ thống thường có da khô và hay bị ngứa, do đó, cần hạn chế việc làm mất lớp chất nhờn trên da bằng cách tránh tắm nhiều, dùng các loại kem dưỡng da, làm ẩm da. Những người mắc bệnh tự miễn bị chứng co thắt mạch đầu chi (hội chứng Raynaud) phải lưu ý giữ ấm cơ thể, đặc biệt hai bàn tay và bàn chân, tránh tiếp xúc với khói thuốc lá vì chất nicotine trong khói thuốc lá làm nặng tình trạng co thắt mạch đầu chi.
Cẩm nang truyền thông các bệnh thường gặp – BV Bạch Mai
Chưa có bình luận.