Chủ Nhật, 05/08/2018 | 14:31

Với bệnh nhược thị, việc phát hiện và điều trị sớm sẽ mang lại hiệu quả. Nếu không được điều trị sớm, khả năng làm việc của mắt có thể bị suy nhược. Nếu phát hiện quá muộn, nhất là khi trẻ sau 13 tuổi, sẽ không thể thay đổi tình trạng suy giảm thị lực, thậm chí mù lòa.

Nghỉ hè là lúc trẻ có nhiều thời  gian vui chơi, không phải học bài. Đúng ra thời gian này, mắt được nghỉ ngơi nhiều nhất. Nhưng thực tế, khi không phải học bài, trẻ lại tiếp xúc nhiều với máy tính, điện thoại, xem tivi trong nhiều giờ… là nguyên nhân gây bệnh nhược thị ở trẻ em.

Bệnh nhược thị là hiện tượng suy giảm khả năng hoạt động và sự kém phát triển về chức năng của cơ quan thị giác. Nhược thị hầu như chỉ xảy ra ở một mắt nhưng đôi khi nó có thể làm giảm thị lực ở cả hai mắt, dẫn đến thị lực bị giảm sút mà không thể điều trị bằng cách chỉnh độ kính. Thị lực chỉ đạt dưới 7/10 và không thể đạt được 10/10 sau khi đã chỉnh kính tối ưu.

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị nhược thị

Biểu hiện duy nhất của nhược thị là nhìn mờ, được biểu hiện khi: Trẻ tự phát hiện nhìn mờ; trẻ xem tivi, đọc sách, viết ở khoảng cách gần; nheo mắt, dụi mắt khi xem tivi; viết bị sai hàng; nghiêng đầu khi nhìn; khó khăn khi nhìn bảng, kêu ca là bị mỏi mắt…

Nhược thị có thể đưa đến nhiều tác hại đối với trẻ, làm ảnh hưởng đến học tập (đọc viết chậm, học mau mệt, tiếp thu chậm, viết bài sai, hay nhức mắt…); ảnh hưởng đến sinh hoạt (hay bị va chạm, làm vỡ, đổ vật dụng, dễ bị té ngã, khó hòa nhập, không tự tin…) và gây ảnh hưởng lâu dài làm cho mắt, thị lực bị giảm sút, thậm chí mù lòa nếu không được điều trị.

Phát hiện và chữa trị kịp thời nhược thị ở trẻ em

Khám phát hiện các bệnh về mắt cho trẻ.

Thủ phạm nào gây nhược thị?

Mắt lác (mắt lé): Là tình trạng mắt không di chuyển vào cùng một hướng khi nhìn vào một vật. Tình trạng này là do não không bắt kịp hình ảnh mờ của mắt, dần dẫn đến thị giác gần như bị mất.

Loạn thị: Loạn thị có thể đi kèm với cận thị và viễn thị. Tật viễn thị hay cận thị đều có thể dẫn đến sự lệch tâm của mắt. Khi trẻ bị tật cận thị và viễn thị, não bộ sẽ bỏ qua những hình ảnh bị mờ dẫn đến nhược thị.

Sụp mí: Các vấn đề về biến dạng như giải phẫu và dị dạng cấu trúc mắt có thể dẫn đến nhược thị. Nếu một trong hai mắt bị sụp mí, điều này làm cho thị giác bị chắn gây nhược thị.

Đục thủy tinh thể: Sự hình thành đục thủy tinh thể có thể gây ra tình trạng không nhìn thấy. Não từ chối hiểu những hình ảnh bị mờ và không rõ nét do bị thủy tinh thể dẫn đến tình trạng mắt nhược thị.

Bất đồng khúc xạ: Khúc xạ của 2 mắt trẻ không đều dẫn đến giảm sức nhìn ở trẻ.

Di truyền: Tiền sử gia đình và gene đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển nhược thị ở trẻ. Nếu trẻ có người thân trong gia đình mắc chứng nhược thị thì trẻ cũng có nguy cơ phát triển bệnh này.

Phương pháp điều trị nhược thị cho trẻ em

Những bài tập dành cho mắt bị nhược thị:

Che mắt: Dùng lòng bàn tay che một bên mắt nhìn rõ hơn và cố gắng tập trung nhìn mọi thứ xung quanh và diễn tả chúng. Thực hiện bài tập này mỗi ngày duy trì trong vòng 6 tháng đến 1 năm. Thị lực bên mắt bị nhược thị sẽ được cải thiện đáng kể.

Tập trung: Dùng lòng bàn tay che một bên mắt nhìn rõ hơn, sử dụng ngón tay trỏ của bàn tay còn lại đưa ra trước mắt rồi từ từ di chuyển ngón tay ra xa. Tập trung vào sự di chuyển từ gần đến xa của ngón tay trong một thời gian. Sau đó, nghỉ ngơi 5 phút và làm lại lần nữa. Lặp lại bài tập 3 lần một ngày để cải thiện tình trạng mắt nhược thị.

Liệu pháp thị lực: Là một trong những liệu pháp vật lý tăng hiệu quả của mắt cũng như não bộ. Đây là một phương pháp điều trị mang lại hiệu quả cao cho bệnh nhân không sẵn sàng thực hiện phẫu thuật. Những vấn đề thị giác như nhược thị, lác mắt, cận thị và các vấn đề về cơ mắt yếu đều có thể điều trị.

Thời gian điều trị phụ thuộc vào tuổi của trẻ, cha mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để có quá trình điều trị hiệu quả cho con. Các yếu tố quyết định thành công của quá trình điều trị là xác định chính xác nguyên nhân, mức độ bệnh, tuổi của trẻ, sự phối hợp giữa gia đình và bệnh viện. Thời gian luyện tập thường là vài tuần đến vài tháng. Tuy nhiên có trường hợp phải tập luyện rất lâu dài, thậm chí hằng năm, nhất là khi phát hiện muộn ở lứa tuổi 10 – 12. Sau khi đã điều trị bệnh ổn định, tùy từng trường hợp vẫn phải được điều trị duy trì hoặc có quá trình theo dõi lâu dài để tránh tái phát.

Trong quá trình điều trị cho trẻ, ngoài việc khuyến khích và nhắc cần chú ý nhắc nhở trẻ điều chỉnh thói quen sinh hoạt. Đặc biệt lưu ý thời gian trẻ tiếp xúc với các thiết bị công nghệ như tivi, điện thoại, máy tính,… Bởi ánh sáng đèn LED từ các thiết bị này là tác nhân gây ra và làm các căn bệnh về mắt có chiều hướng trầm trọng hơn.

Với đặc tính của bệnh, cách điều trị hiệu quả nhất chính là phát hiện bệnh sớm, nhất là giai đoạn trẻ dưới 8 tuổi. Để được xác định đúng bệnh, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám mắt thường xuyên 2lần/năm để phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh ở mắt và điều trị kịp thời.

BS. Hà Trang


Nguồn: SKĐS

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook