Theo các chuyên gia Y tế, bệnh do vi rút Zika không phải là bệnh lây truyền trực tiếp từ người sang người mà do muỗi mang vi rút Zika đốt, truyền vi rút sang người lành. Muỗi truyền bệnh là (muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết). Thời gian ủ bệnh từ 3 đến 12 ngày, người mắc bệnh thường có biểu hiện sốt, phát ban và một số triệu chứng khác như: đau cơ, nhức đầu, đau mắt. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều có khả năng hồi phục hoàn toàn, tuy vậy khoảng 80% trường hợp nhiễm vi rút không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Vì vậy, công tác phòng chống bệnh do vi rút Zika tại Việt Nam đang là nhiệm vụ ngành Y tế quyết liệt triển khai trong thời gian qua.
Bệnh do vi rút Zika đang lây lan mạnh tại một số nước trên thế giới
Trên thế giới, theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trước năm 2007, không có ổ dịch lớn nào do vi rút Zika gây ra. Năm 2007, vụ dịch đầu tiên xảy ra tại đảo Yap (Micronesia) với 185 trường hợp mắc bệnh trong vòng 13 tuần. Tháng 10/2013, ghi nhận vụ dịch lớn tại Polynesia của Pháp với khoảng 10.000 ca bệnh, sau đó dịch bệnh lây lan ra các đảo khu vực Thái Bình Dương. Năm 2013, Thái Lan cũng đã ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh do vi rút Zika tại một số tỉnh, thành phố. Năm 2015, các vụ dịch lan rộng ở khu vực trung và nam Mỹ, nhất là tại Brazil; đồng thời ghi nhận rải rác các ca xâm nhập được báo cáo tại một số nước khu vực khác.
Tính đến ngày 1/2/2016, có 31 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo các trường hợp nhiễm vi rút Zika, trong đó tại 25 quốc gia và vùng lãnh thổ đang lây lan mạnh, đáng chú ý là Brazil, Colombia và Mexico.
Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh do vi rút Zika
Tại Việt Nam, qua hệ thống báo cáo giám sát, đến ngày 2/2/2016, nước ta chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh do vi rút Zika. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia trong nước, căn cứ vào tình hình, đặc điểm dịch tễ của bệnh, nguy cơ dịch có thể ghi nhận, xâm nhập vào Việt Nam cũng như có khả năng bùng phát thành dịch lớn tại cộng đồng nếu chúng ta không chủ động triển khai các biện pháp phòng chống vì hiện nay, vi rút Zika đã được ghi nhận tại một số nước trong khu vực Đông Nam Á, trong khi đó nước ta có sự giao lưu, thương mại, du lịch với các quốc gia có dịch là rất lớn. Bên cạnh đó, người dân không có miễn dịch đối với vi rút Zika. Nước ta lưu hành bệnh sốt xuất huyết cùng với sự lưu hành của loại muỗi Aedes cùng với đó, nhiều trường hợp bệnh không có biểu hiện triệu chứng do vậy rất khó phát hiện, chẩn đoán khống chế dịch. Đặc biệt hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và cũng chưa có các biện pháp phòng bệnh và phương pháp xét nghiệm chẩn đoán nhanh dịch bệnh do vi rút Zika.
Y tế Việt Nam chủ động, sẵn sàng trong công tác phòng chống dịch bệnh
Với kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi tại Việt Nam, trong thời gian qua, Việt Nam đã ngăn chặn thành công và rút ra được nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh ở người và hỗ trợ tích cực của các tổ chức quốc tế; sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành và đoàn thể; sự chủ động của ngành Y tế trong việc chuẩn bị các hoạt động phòng chống đại dịch từ trung ương đến địa phương như: giám sát, thu dung, điều trị, dự trữ thuốc, vật tư và trang thiết bị y tế… xây dựng kế hoạch phòng chống dịch theo các tình huống dịch để có các biện pháp ứng phó phù hợp; chuẩn bị chu đáo các phòng xét nghiệm, xác định kịp thời chủng vi rút gây bệnh và các biến đổi của vi rút để có các biện pháp đáp ứng phù hợp.
Ngành Y tế xác định mục tiêu chung, phát hiện sớm trường hợp nhiễm vi rút Zika, xử ký kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất biến chứng. Ngoài ra, với mục tiêu cụ thể, Bộ Y tế đã xây dựng kịch bản cho 3 tình huống trong trường hợp khi có dịch bệnh do vi rút Zika vào Việt Nam như: tình huống 1: chưa ghi nhận ca bệnh tại Việt Nam; tình huống 2: ghi nhận ca bệnh rải rác tại Việt Nam và tình huống 3: dịch lây lan trong cộng đồng. Với mỗi tình huống, việc phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận đều được nêu rõ. Các giải pháp về tổ chức, chỉ đạo; đầu tư nguồn lực, tài chính; chuyên môn kỹ thuật; truyền thông giáo dục sức khỏe; phối hợp liên ngành; hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học cũng được Bộ Y tế chuẩn bị sẵn sàng nhằm đối phó với dịch bệnh.
Bài: Hoàng Hiền
Nguồn: TTTT – GD Sức khỏe TW
Chưa có bình luận.