Dưa hành trong mâm cỗ Tết không chỉ có tác dụng chống ngán như nhiều người nghĩ.
Dưa hành là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết, bên cạnh bánh chưng, giò, canh măng. Lý giải về sự có mặt của món ăn này, nhiều người cho rằng là để giảm ngán cho mâm cỗ Tết, đặc biệt là bánh chưng.
Lợi ích của dưa hành
Theo TS.BSTrương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, dưa hành, dưa cà muối có nhiều lợi ích nhiều người không biết.
Chuyên gia cho biết ngâm muối (hay muối) là biện pháp được sử dụng cách đây hàng ngàn năm để bảo quản các thực phẩm ngoài mùa sinh trưởng của chúng.
Dưa hành muối nói riêng và của thực phẩm ngâm muối nói chung chứa rất nhiều các lợi khuẩn probiotic đồng thời có thể tăng cường các lợi khuẩn cho các bữa ăn.
“Ngâm muối là một hình thức của quá trình lên men. Khi các loại rau và trái cây lên men, vi khuẩn có lợi giúp phá vỡ cellulose khó tiêu hóa trong thực phẩm, cũng như một số loại đường tự nhiên. Những lợi khuẩn giúp giữ cho thực phẩm lên men ít có khả năng bị hư hỏng và làm tăng vi khuẩn tốt trong đường ruột của người ăn”, tiến sĩ Sơn cho hay.
Dưa chua cũng là một món ăn được lên men chứa nhiều lợi khuẩn. Ảnh: Anh Thơ.
Bên cạnh đó, dưa hành còn có các chất chống oxy hóa, có tác dụng chống lại các gốc tự do. Theo tiến sĩ Sơn, các gốc tự do là những hóa chất không ổn định được hình thành tự nhiên trong cơ thể, có thể làm tổn thương tế bào và dẫn đến các vấn đề về bệnh tim mạch, ung thư và lão hóa cơ thể.
“Bất kỳ thực phẩm nào khi nấu lên đều có thể phá vỡ một số các chất dinh dưỡng nhạy cảm với nhiệt, bảo quản rau bằng cách ngâm muối có thể giữ lại các chất chống oxy hóa gần như nguyên vẹn”, tiến sĩ Sơn nói.
Ai cần kiêng ăn dưa hành?
Tiến sĩ Sơn cho biết do dưa hành muối là một loại thực phẩm lên men và có nhiều muối nên những đối tượng dưới đây cần tránh hoặc hạn chế ăn loại thực phẩm này:
Những người bị đau dạ dày: Dưa hành muối chua chứa nhiều muối, tính axit và có thể cay hoặc rất cay (như món kim chi). Do vậy, người đau dạ dày nên hạn chế ăn món này. Ngay cả khi chưa từng bị đau dạ dày, bạn cũng không nên ăn dưa hành muối lúc đói hoặc ngay đầu bữa ăn vì có thể làm cho dạ dày cồn cào hoặc lấn át vị giác của các món ăn tiếp theo.
Người mắc bệnh tim mạch, huyết áp, bệnh gan: Dưa hành muối thường có nhiều muối và vị mặn, cay đặc trưng. Đó đều là những thứ mà người bệnh tim, tăng huyết áp hoặc bệnh gan, thận nên tránh vì muối và các gia vị kích thích có thể tăng những nguy cơ bất lợi cho sức khỏe.
Người có bệnh về đường tiêu hóa: Về bản chất dưa hành muối có nhiều lợi khuẩn có thể rất tốt cho hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, các loại dưa muối, nhất là dưa muối xổi, ngâm dấm nhanh có thể không đảm bảo loại trừ hoàn toàn được các loại vi sinh vật gây bệnh có sẵn trong thực phẩm, do vậy có thể gây rối loạn tiêu hóa.
Phụ nữ mang thai: Khi mang thai, dưa hành muối chua có thể trở thành một thực phẩm kích thích, làm tăng cảm giác đầy bụng, buồn nôn của phụ nữ có thai. Hơn nữa, nếu mua dưa hành muối ngoài hàng, rất khó có thể biết được ngoài dưa hành và muối, người bán hàng đã cho thêm những gì và những chất này có ảnh hưởng như thế nào đến thai kỳ. Do vậy, tốt nhất nên hạn chế món dưa muối khi đang mang thai.
Trẻ em: Nên hạn chế cho trẻ ăn dưa hành muối chua vì hệ tiêu hóa của trẻ còn chưa hoàn chỉnh.
Bên cạnh đó, người trưởng thành khỏe mạnh cũng không nên ăn quá nhiều dưa hành muối, chỉ nên ăn khoảng 50 g mỗi lần, 2-3 lần/tuần.
Hà Quyên
Nguồn: Zing
Chưa có bình luận.