Chủ Nhật, 15/11/2015 | 14:32

Chưa nói tới hệ quả lớn về mặt chính trị, an ninh, kinh tế của phương Tây nói chung, nước Pháp nói riêng, sự chấn động tâm lý đối với những người tận mắt chứng kiến và chịu hậu quả của cuộc khủng bố ở Parisrất nghiêm trọng, không thể xem thường.

Các địa điểm bị tấn công gồm nhà hát Bataclan, nhà hàng Le Petit Cambodge, nhà hàng La Casa Nostra, các địa điểm gần sân vận động Stade de France,… đều là những nơi đông người nhất. Những kẻ khủng bố bắn thẳng vào khán giả, khiến nhiều người gục ngay tại chỗ. Sự hoảng loạn, sợ hãi chạy trốn hay việc tận mắt chứng kiến cảnh bắn giết, máu chảy, cáng người chết đi qua trước mắt, nhất là nỗi đau khi người thân tử nạn oan uống,… đều có thể để lại một di chứng tâm lý rất nặng nề.

Khủng bố ở Paris - di chứng tâm lý nặng nề
Cô Polina Volkova, bạn của anh Nick Alexander – thành viên ban nhạc Eagles Of Death Metal – thiệt mạng trong vụ tấn công ở Paris, òa khóc khi ngồi cầu nguyện trước Lãnh sự quán Pháp ở New York đêm 14/11. Ảnh: Reuters

Về điều này, PGS.TS.BS cao cấp Cao Tiến Đức, Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần và Tâm lý y học, khoa Tâm thần, Học viện Quân y 103 cho hay, di chứng về tâm lý, tâm thần chắc chắn xảy ra sau vụ tấn công tại Paris, thậm chí, nó cũng tương tự như sự kiện 11/9 tại Mỹ.

Hơn nữa, di chứng này không chỉ xảy ra với những người trực tiếp bị tấn công, chứng kiến mà còn đối với toàn bộ công dân Pháp. Và giờ đây, nước Pháp đối với họ không còn yên bình.

Giải thích dưới góc độ chuyên môn, chuyên gia cho hay, rối loạn tâm thần ít xảy ra do có căn nguyên từ sang chấn tâm lý, song trong trường hợp này, ám ảnh ở mức độ cực mạnh, đủ gây nên rối loạn phản ứng stress. Đó chính bởi sự tàn khốc, bất ngờ, số người chết quá lớn hay việc tính mạng bị đe dọa.

Ở phản ứng tức thời, cá nhân sẽ gặp phản ứng stress cấp – một rối loạn nhất thời, rất trầm trọng, mất đi trong vòng vài giờ hoặc vài ngày. Tuy nhiên, nếu vượt quá ngưỡng chịu đựng, người bệnh sẽ có hành vi không thể kiểm soát, luôn nhớ đi nhớ lại chi tiết khủng khiếp đã chứng kiến và dễ dẫn đến hành động tự sát vì quá hoảng loạn và đau đớn.

Người bệnh có biểu hiện tách rời khỏi với những người khác, sống cô lập, không đáp ứng với môi trường xung quanh. Họ mất đi sự thích thú, thường tránh né dai dẳng các hoạt động và các hoàn cảnh gợi lại sang chấn. Đôi khi, họ có cảm giác tê cứng, cùn mòn cảm xúc, xảy ra cơn sợ hãi cấp tính, bi quan, có cơn hoảng sợ do bị kích thích làm đột ngột nhớ lại hoặc diễn lại sang chấn. Ngoài ra, họ có thể bị rối loạn thần kinh thực vật, thường có trạng thái tăng động quá mức, tăng cảm giác, tăng phản ứng giật mình và mất ngủ.

Sự hoảng loạn quá mức từ vụ tấn công liên hoàn tại Paris còn là tác nhân gây nên chứng rối loạn sự thích ứng cũng khiến người bệnh luôn có triệu chứng như khí sắc trầm, lo âu, phiền muộn. Họ có cảm giác không thể đối phó với hoàn cảnh, đôi khi tự thấy mình lâm vào tình trạng bi đát và các cơn bùng nổ thô bạo.

PGS Cao Tiến Đức cho hay, trong trường hợp nước Pháp hiện nay, các rối loạn stress tiến triển dao động nhưng cũng có khả năng bình phục nếu chính quyền có thể lấy lại cho họ sự an toàn và tin tưởng, đồng thời các biện pháp tâm lý lúc này cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, trong trường hợp vẫn tiếp tục sống trong sự căng thẳng kéo dài, bệnh có thể tiến triển thành mạn tính qua nhiều năm và gây nên sự biến đổi nhân cách về sau.

Nguồn: kienthuc.net.vn

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook