Thứ Sáu, 23/09/2016 | 17:01

“Chúng ta chưa có sự thống nhất về từ ngữ, mỗi người một kiểu nên mới có mâu thuẫn trong việc xác định nguyên nhân cái chết của bệnh nhân”.

Chết do tai nạn giao thông

Mấy ngày gần đây, dư luận xôn xao về nguyên nhân dẫn đến cái chết của một bệnh nhân nam bị TNGT nhập viện Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Trong khi phía Bệnh viện xác định bệnh nhân đã chết não nhưng phía pháp y công an tỉnh Đồng Nai lại không đồng ý và cho rằng bệnh nhân chết là do bị lấy tạng.

Chiều 21/9, trao đổi với Đất Việt, Bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng đơn vị điều phối ghép tạng BV Chợ Rẫy TP.HCM đã xác nhận thông tin trên.

Theo Bác sĩ Thu, trường hợp trên đã xảy ra cách đây khá lâu chứ không phải thời gian gần đây. Sau khi bệnh nhân nhập viện, dù đã được cấp cứu và chữa trị tận tình nhưng khi kiểm tra, các bác sĩ khẳng định bệnh nhân đã chết não, không còn cơ hội cứu sống. Vì vậy theo nguyện vọng của gia đình, các bác sĩ đã liên hệ với phía đơn vị công an tỉnh Đồng Nai để tiến hành các thủ tục hiến tạng.

Tuy nhiên cơ quan pháp y thuộc công an tỉnh Đồng Nai không đồng ý và cho rằng bệnh nhân chết do bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy lấy nội tạng chứ không phải chết do TNGT. Đồng thời phía công an cũng yêu cầu gia đình làm giấy bãi nại cho người đã gây ra TNGT và không truy cứu trách nhiệm hình sự người gây ra tai nạn.

Hiến tạng sau TNGT không qua khỏi: Tranh cãi chết do đâu? Hiện nay đang xuất hiện tranh cãi xung quanh việc hiến tạng khi tim còn đập. Ảnh minh họa

Bác sĩ Thu khẳng định, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do luật không chặt chẽ và chưa có sự thống nhất về từ ngữ.

“Cái này không phải lỗi ở ai nhưng chúng ta chưa có sự thống nhất về từ ngữ, mỗi người một kiểu nên mới như vậy. Chuyện này của quốc gia, nên không thay đổi ngày một ngày hai được, cần phải có thêm thời gian. Những người đồng thuận thì khác. Còn những người áp theo Luật thì gây khó khăn cho cả bệnh viện, cho cả người nhà bệnh nhân. Tuy nhiên tôi nghĩ tương lai chắc sẽ không có những hiện tượng như trên nữa. Bộ Y tế cũng có những sự thay đổi trong luật để chỉnh đốn sao cho phù hợp”, Bác sĩ Thu nói.

Cơ quan điều tra không đồng ý

Cùng ngày, trao đổi với Đất Việt, Đại tá Nguyễn Văn Kim – Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai cho biết chưa nắm được thông tin trên.

Tuy nhiên, Đại tá Kim khẳng định, theo các quy định hiện nay, những nạn nhân trong vụ án, hoặc bệnh nhân chết do 1 số nguyên nhân nghi là có án thì việc hiến tạng khi bệnh nhân hấp hối lâm sàng thì không được phép. Bởi vì hiến tạng phải tiến hành mổ trước khi bệnh nhân chết. Còn cơ quan giám định pháp y và cơ quan điều tra thì chỉ khi chết rồi mới mổ tử thi để giám định.

“Trong trường hợp TNGT thì cũng phải khám nghiệm xem có đúng là nguyên nhân chết như vậy không hay chết do nguyên nhân khác. Nhiều trường hợp đánh nhau chết rồi đưa xác ra ngoài đường và nói chết do TNGT. Giờ để khẳng định đúng nguyên nhân như vậy thì phải khám nghiệm pháp y, khám nghiệm hiện trường.

Nếu liên quan đến vụ án mà bệnh viện vận động tiến hành hiến tạng thì bên cơ quan điều tra không thể nào đồng ý được. Đặc biệt nếu lấy nội tạng trước khi bệnh nhân chết thì cơ quan điều tra, pháp y lên mổ thì còn gì nữa đâu. Lúc đó trả lời trước cơ quan tố tụng người gây tai nạn sẽ phủ nhận thì không thể hoàn thiện hồ sơ để xử lý được”, Đại tá Kim nhấn mạnh.

Lý giải cho sự cương quyết của cơ quan điều tra, Đại tá Kim cho rằng đang có sự đối kháng giữa Luật về hiến tạng và Luật điều tra hình sự, giám định pháp y gây ra nhiều khó khăn cho các bên.

“Bác sĩ không biết là vụ án hình sự, khi không cứu được thì vận động gia đình cho hiến tạng. Nhưng theo Luật thì cơ quan điều tra không thể đồng ý trước việc này được. Tôi nghĩ Luật đó phải quy định như thế nào cho hợp lý để không xảy ra tình trạng đối kháng như thời gian qua nữa”, Đại tá Kim nhấn mạnh.

Hà Đông

Nguồn: Báo Đất Việt

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook