Thứ Sáu, 20/11/2015 | 01:32

Polyp túi mật chủ yếu gặp ở người trưởng thành, nữ giới bị nhiều hơn nam giới, thường gặp ở phụ nữ độ tuổi 30 – 50.

Polyp túi mật chủ yếu gặp ở người trưởng thành, nữ giới bị nhiều hơn nam giới, thường gặp ở phụ nữ độ tuổi 30 – 50. Tỷ lệ gặp polyp túi mật khoảng từ 0,3 – 9% trong cộng đồng dân cư. Polyp túi mật là tổn thương dạng u hoặc giả u phát triển trên bề mặt niêm mạc túi mật. Đa số polyp túi mật thuộc dạng lành tính, tuy vậy, một tỷ lệ thấp có thể trở thành ác tính.

Đặc điểm của polyp túi mật

Có nhiều yếu tố thuận lợi đối với việc hình thành polyp túi mật như rối loạn chức năng gan – mật; rối loạn đường máu, mỡ máu; thừa cân, béo phì; chế độ dinh dưỡng ăn uống không phù hợp (ăn nhiều mỡ, phủ tạng động vật,…); gan nhiễm mỡ, nhiễm virut viêm gan. Các dạng polyp túi mật loại lành tính thường là u giả. Polyp giả thường là polyp cholesterol do những tinh thể cholesterol bám dính trên thành túi mật. Polyp cholesterol thường nhỏ dưới 10mm, có cuống nhỏ dễ rời ra khỏi niêm mạc. Các loại polyp cholesterol gần như không có khả năng trở thành ác tính (ung thư). Số lượng và kích thước của polyp túi mật cũng khá đa dạng, nhưng thường gặp nhất là có một polyp. Một số người có thể có nhiều polyp trong túi mật và có thể có kích thước khá lớn (trên 10-40mm). Một số trường hợp vừa có polyp túi mật vừa có sỏi túi mật.

Giải pháp khi bị polyp túi mật

Polyp túi mật có biểu hiện gì?

Hầu hết các trường hợp polyp túi mật không có biểu hiện triệu chứng gì, vì vậy, polyp túi mật thường được phát hiện một cách tình cờ qua khám tổng thể hoặc khám một bệnh nào đó có siêu âm ổ bụng.

Tỷ lệ polyp túi mật có triệu chứng thường chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp khoảng từ 6-7% và thường gặp ở người có polyp kích thước lớn hoặc có nhiều polyp túi mật. Triệu chứng hay gặp nhất là đau tức, co cứng nhẹ vùng dưới sườn phải hay đau vùng thượng vị, kèm theo có biểu hiện buồn nôn hoặc nôn, một số ít có biểu hiện đầy hơi, chướng bụng, chậm tiêu. Tuy vậy, polyp túi mật ít khi có triệu chứng cấp tính như sỏi mật hoặc viêm đường mật (đau, sốt, vàng da), trừ trường hợp polyp túi mật có kèm theo sỏi túi mật nhiễm trùng. Vì vậy, các triệu chứng của polyp túi mật khá giống với sỏi đường mật, túi mật mạn tính hoặc bệnh lý dạ dày – tá tràng.

Để chẩn đoán polyp túi mật cần có các xét nghiệm và các cận lâm sàng hỗ trợ (xét nghiệm chức năng gan mật, sinh thiết, siêu âm, nội soi, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ…). Trong đó siêu âm là một kỹ thuật có giá trị rất lớn trong chẩn đoán polyp túi mật. Tuy vậy, siêu âm không thể phân biệt được là polyp lành tính hay ác tính, vì vậy, cần dựa vào nhiều kỹ thuật khác nhau để hỗ trợ cho chẩn đoán.

Lời khuyên của thầy thuốc

Đa số polyp túi mật có kích thước nhỏ dưới 10mm, ở dạng này ít khi trở thành ác tính. Vì vậy, với kích thước này và không có biểu hiện gì khác thường (đau bụng, đau dưới hạ sườn phải, rối loạn tiêu hóa hoặc có sốt kèm theo), người bệnh không nên quá lo lắng, chưa cần dùng một biện pháp gì chữa trị và nên xác định là chung sống hòa bình với nó. Tuy nhiên cần khám định kỳ 3- 6 tháng/lần. Nếu siêu âm thấy polyp lớn nhanh, chân lan rộng, có hiện tượng xâm lấn, hình dạng không đều, kèm theo đau bụng vùng hạ sườn phải, thượng vị, rối loạn tiêu hóa (đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn, nôn) và kết quả xét nghiệm chức năng gan mật có những thay đổi đáng kể, bác sĩ khám bệnh sẽ có hướng xử trí thích hợp (hội chẩn để có thể đề xuất can thiệp phẫu thuật cắt bỏ polyp túi mật).

Với loại polyp giả, chỉ cần áp dụng chế độ ăn giảm chất béo, hạn chế ăn mỡ, lòng động vật, tôm, thịt đỏ (thịt chó, bò, trâu). Trường hợp đã cắt bỏ túi mật cần lưu ý thực hiện chế độ ăn uống dễ tiêu hóa và nên khám bệnh định kỳ để được theo dõi cẩn thận..

BS. Đặng Bảo Linh

Nguồn: SKĐS

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook