Thứ Tư, 10/05/2017 | 10:00

Thuốc dạng viên thông thường cần phải uống thuốc sau khi ăn no để tránh kích ứng dạ dày và uống thêm thuốc chống loét.

– Tôi bị bệnh về khớp, có dùng thuốc chống viêm, giảm đau aspirin. Nhưng khi đọc thông tin sử dụng, tôi thấy thuốc này gây loét dạ dày – tá tràng… Vậy tại sao thuốc lại gây loét? Có cách nào để hạn chế hoặc khắc phục tác dụng phụ này không? Ong Văn Tùng (Bắc Kạn)

Dược sĩ Hoàng Thu Thủy tư vấn:

Đối với người bị bệnh về xương khớp, một trong nhóm thuốc hay sử dụng là nhóm NSAID (thuốc chống viêm giảm đau không steroid), trong đó có aspirin. Aspirin và các thuốc trong nhóm có tác dụng giảm đau viêm, tốt làm cho người bệnh dễ chịu, nhưng cũng làm giảm việc tạo thành chất nhày của niêm mạc dạ dày – tá tràng.

Dùng thuốc thế nào để hạn chế loét dạ dày?

Uống thuốc đúng cách để không ảnh hưởng đến dạ dày.

Chất nhày này có tác dụng bảo vệ dạ dày – tá tràng khỏi sự tấn công của acid dạ dày. Khi chất nhày bảo vệ bị suy giảm, acid sẵn có trong dạ dày sẽ tấn công niêm mạc của dạ dày và gây loét. Đây cũng là một nhược điểm lớn khi dùng các thuốc này.

Hơn nữa, các NSAID đều có đặc tính chung là các dẫn chất acid có độ tan kém. Các dẫn chất này khi ở trong môi trường acid của dạ dày lại rất khó tan, sẽ kết tụ thành từng đám. Tinh thể acid trong dạ dày sẽ kích thích trực tiếp gây loét. Vì thế, nếu như dùng đường uống thuốc sẽ gây loét theo hai cơ chế: kích ứng trực tiếp, và làm giảm chất nhày bảo vệ.

Để khắc phục bất lợi này, đối với dạng viên thông thường, bệnh nhân cần phải uống thuốc sau khi ăn no để tránh kích ứng dạ dày và uống thêm thuốc chống loét (nhất là đối với những người có nguy cơ cao, có tiền sử viêm loét dạ dày tá tràng). Các thuốc dự phòng loét thường dùng như nhóm ức chế bơm proton, các thuốc bao niêm mạc (các antacid: maalox, kavet), prostasglandin tổng hợp…

Dùng viên bao tan trong ruột: Đối với loại viên này, khi dùng phải nuốt nguyên viên thuốc, không được nhai, cắn, bẻ trước khi uống. Với dạng bào chế này, thuốc không tan trong dạ dày mà tan ở ruột, bớt làm loét. Khi uống dạng viên này, phải cho thuốc xuống ruột thật nhanh, vì thế nên uống thuốc vào lúc đói hoặc xa bữa ăn, như trước khi ăn 30 phút hoặc sau khi ăn 2 giờ.

Ngoài ra, dạng viên sủi hay gói bọt hòa tan sẽ giúp thuốc được phân tán đều mà không tích tụ thành đám trong dạ dày, giúp hạn chế cơ chế loét trực tiếp.

Theo DS.Hoàng Thu Thủy / Sức Khỏe Đời Sống
Nguồn: Zing

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook