Thứ Hai, 10/02/2025 | 14:44

Đại dịch covid 19 đã đi qua, tháng 8 năm 2010 cúm A H1N1 đã trở thành một trong những chủng gây bệnh cúm theo mùa cần chủ động phòng ngừa. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến động không ngừng của dịch bệnh, sự xuất hiện của các biến thể mới và những thông tin cơ bản về cúm A H1N1 cần được người dân hiểu rõ để bảo vệ sức khoẻ bản thân, gia đình và cộng đồng.

Cúm A H1N1 còn được gọi là cúm H1N1 là một bệnh về hô hấp do virus cúm A H1N1 (tên khoa học là virus pdm09 (A)) gây nhiễm trùng đường hô hấp trên và dưới (trong một số trường hợp) ở vật chủ. Cúm A H1N1 từng được gọi là cúm lợn vì trước đây những người mắc bệnh đều tiếp xúc trực tiếp với lợn sau đó bệnh bắt đầu lây lan trong cộng đồng.

Cúm A H1N1 là bệnh hô hấp lây truyền virus cúm A H1N1 từ động vật sang người là không phổ biến. Tuy nhiên, virus có thể lây truyền sang người qua tiếp xúc với lợn bị nhiễm bệnh hoặc từ người sang người thông qua tiếp xúc, môi trường/vật thể nhiễm virus. Thời gian ủ bệnh cúm A H1N1 từ 1 đến 4 ngày, trung bình khoảng 2 ngày ở hầu hết người bệnh. Tuy nhiên, một số trường hợp có thời gian ủ bệnh kéo dài 7 ngày. Thời kỳ lây nhiễm ở người trưởng thành bắt đầu khoảng 1 ngày trước khi các triệu chứng phát triển và kéo dài khoảng 5 đến 7 ngày sau khi xuất hiện các triệu chứng. Thời gian nhiễm bệnh dài hơn ở người có hệ miễn dịch yếu, trẻ em từ 10 đến 14 ngày.

Y khoa ghi nhận năm 1977 bắt đầu xuất hiện virus cúm H1N1 tuy nhiên loại virus này là virus cúm động vật chỉ lây từ lợn sang lợn hoặc sang các loài động vật khác. Tháng 3, 4 năm 2009 cộng đồng xuất hiện những trường hợp nhiễm cúm A H1N1 đầu tiên sau đó phát tán nhanh trở thành một loại dịch bệnh trên toàn cầu, phát triển mạnh tại khu vực Bắc Mỹ sau đó lan rộng sang nhiều quốc gia khác trên thế giới. Việt Nam ghi nhận ca nhiễm virus cúm A H1N1 đầu tiên vào tháng 5 năm 2009 và lây lan nhanh tại hơn 30 tỉnh, thành trên cả nước. Số ca nhiễm lên đến 800 ca và có trường hợp tử vong.

Virus cúm A H1N1 là một loại virus orthomyxovirus và tạo ra các virion (hạt virus truyền nhiễm) có đường kính từ 80 đến 120 nm, với kích thước bộ gen RNA khoảng 13,5 kb.  Điều quan trọng là virus cúm A H1N1 không phải là một dạng mới của virus cúm thông thường mà là sự kết hợp của các đặc điểm gen từ virus cúm lợn, chim và người. Sự kết hợp này dẫn đến sự xuất hiện của một chủng virus mới có khả năng lây nhiễm giữa người và nhanh chóng lan truyền trong cộng đồng.

Năm 2009, đại dịch bắt đầu ở Mexico với chủng H1N1 cho thấy sự kết hợp các phân đoạn của 4 loại virus cúm khác nhau (tái tổ hợp bốn gen) gồm cúm gia cầm có nguồn gốc từ lợn (chiếm 34,4%), cúm có nguồn gốc từ gia cầm của cúm người (chiếm 17,5%), cúm lợn Bắc Mỹ (chiếm 30,6%), cúm lợn Âu Á (chiếm 17,5%). Do sự đồng nhiễm với virus cúm từ nhiều loài động vật khác nhau, virus có thể tương tác, biến đổi và hình thành các chủng mới có khả năng miễn dịch khác nhau.

Virus cúm A H1N1 có nguồn gốc từ lợn nhưng có thể lây từ người sang người. Khi bệnh cúm lây từ người sang người có thể gây ra những đột biến tiếp theo khiến việc điều trị khó khăn hơn vì con người không có khả năng miễn dịch tự nhiên. Đường lây truyền của virus cúm A H1N1 từ người bệnh sang người lành thông qua giọt bắt có chứa virus. Bất cứ ai cũng có thể hít phải không khí có chứa virus do người bệnh ho hoặc hắt hơi, nói chuyện hoặc chạm vào bề mặt có chứa virus như quần áo, bàn ghế, tay nắm cửa… sau đó chạm vào miệng, mũi hoặc mắt mình. Không chỉ vậy, virus cúm A H1N1 còn có khả năng tồn tại trong môi trường một khoảng thời gian nhất định tùy thuộc vào điều kiện môi trường cụ thể. Thời gian trung bình virus cúm A H1N1 có thể tồn tại trên các bề mặt môi trường và lây nhiễm cho một người lên đến 2-8 giờ sau khi lắng đọng trên bề mặt.

Virus cúm A H1N1 có thể sinh sống và phát triển trên da tay và các bề mặt da khác trong một khoảng thời gian ngắn khoảng 5-10 phút. Thời gian virus tồn tại trong không khí thường ngắn hơn và phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ ẩm và nhiệt độ. Với môi trường nước, virus cúm A H1N1 có thể tồn tại lên đến 4 ngày (trường hợp nhiệt độ nước khoảng 22 độ C) hoặc vài tuần ở (trường hợp nhiệt độ nước ở mức 0-4 độ C) thậm chí tồn tại cả năm nếu nước đông lại và có nhiệt độ -20 độ C.

Một số nghiên cứu về khả năng tồn tại của virus cúm A H1N1 cho thấy, các hạt virus cúm A H1N1 có khả năng lây nhiễm trong 48 giờ trên bề mặt gỗ, trong 24 giờ trên bề mặt thép không gỉ và nhựa, trong 8 giờ trên bề mặt vải. Kết quả trên cho thấy virus cúm A H1N1 có thể tồn tại trên đồ vật thông thường trong gia đình trong thời gian dài vì vậy mỗi thành viên trong gia đình cần thực hiện việc vệ sinh thật tốt để phòng tránh bệnh.

Nguyên nhân gây bệnh cúm A H1N1 do một loại virus gây bệnh cúm gây ra. Virus cúm lây nhiễm vào các tế bào ở mũi, họng và phổi của con người. Loại virus lây lan qua không khí dưới dạng các giọt bắn khi người nhiễm virus ho, hắt hơi, thở hoặc nói chuyện sau đó xâm nhập vào cơ thể khi người đó tiếp xúc gần hoặc hôn, quan hệ nam nữ với người đang mắc bệnh và hít phải những giọt bắn này. Ngoài ra, virus cũng có thể xâm nhập vào cơ thể bạn nếu bạn chạm vào bề mặt vật thể có chứa virus và sau đó chạm vào mắt, mũi hoặc miệng.

Triệu chứng nhận biết bệnh cúm A H1N1 là thay đổi bệnh lý ở đường hô hấp, những trường hợp nặng có thể gây viêm phổi sau khi tiếp xúc với virus. Các triệu chứng thường bắt đầu bằng biểu hiện sốt, đau cơ bắp, ớn lạnh và đổ mồ hôi, ho, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, nhức mỏi cơ thể, tiêu chảy, khó thở, phát ban…Trong các nguyên nhân trên ho và sốt là triệu chứng phổ biến ở người nhiễm virus cúm A H1N1.

Biến chứng của cúm A H1N1

Hầu hết những trường hợp nhiễm cúm đều tự khỏi nhưng một số trường hợp có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm đối với sức khỏe như làm tăng nặng các bệnh mạn tính như bệnh tim, hen suyễn, viêm phổi gây suy hô hấp, viêm phế quản…Tuy nhiên không phải ai khi vô tình hít phải virus cúm A H1N1 đều mắc bệnh và không phải ai nhiễm virus cúm A H1N1 đều có diễn tiến sức khỏe xấu đi và gặp phải biến chứng nghiêm trọng. Điều này còn thuộc vào cơ thể có các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển của virus cúm hay không.

Một số yếu tố nguy cơ khiến việc nhiễm cúm A H1N1 trở nên nghiêm trọng hơn bao gồm những người trên 65 tuổi và trẻ em dưới 2 tuổi, những người sống hoặc làm việc trong các khu vực đông cư dân có nhiều khả năng mắc bệnh cúm hơn. Người có hệ miễn dịch suy yếu do đang điều trị ung thư, sử dụng thuốc chống thải ghép, sử dụng steroid lâu dài, ghép tạng, ung thư máu hoặc mắc HIV/AIDS có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch….

Bệnh đôi khi chỉ xuất hiện triệu chứng cúm nhẹ gồm ho, chảy mũi, mệt mỏi … tuy nhiên cũng có những trường hợp suy hô hấp nặng có thể tử vong. Thời gian khỏi bệnh sau khi mắc cúm có thể thay đổi tùy thuộc vào từng người và điều kiện sức khỏe cá nhân. Thông thường người mắc cúm A H1N1 sẽ phục hồi hoàn toàn sau khoảng một đến hai tuần tính từ thời điểm có dấu hiệu bệnh mà không cần điều trị bằng phương pháp đặc biệt. Tuy nhiên một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến thời gian phục hồi chậm hơn ở người nhiễm virus cúm A như người mắc bệnh nền, người đang điều trị ung thư, người cao tuổi, trẻ em và phụ nữ mang thai. Ngược lại những người trẻ tuổi áp dụng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, uống nhiều nước và nghỉ ngơi khoa học cơ thể sẽ phục hồi nhanh hơn.

Các triệu chứng nhiễm tương tự như nhiễm các loại virus cúm khác do đó khi nghi ngờ nhiễm cúm H1N1 như ho, sốt cấp tính trong vòng 7 ngày kể từ ngày tiếp xúc gần gũi với người đã xác nhận nhiễm virus cúm A H1N1 cần đi thăm khám, thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán nhiễm bệnh & điều trị triệt để, tránh lây nhiễm trong cộng đồng.

Khuyến cáo người dân tiêm phòng cúm hàng năm để tăng sự miễn dịch cho cơ thể. Vắc xin cúm bảo vệ cơ thể bằng cách kích thích hệ thống miễn dịch tạo ra kháng thể đặc hiệu để tiêu diệt các chủng virus cúm (trung hòa virus) nếu cơ thể có tiếp xúc nhằm giảm khả năng mắc bệnh và các biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra như viêm tai, viêm phổi, viêm phế quản, viêm não, thậm chí tử vong.

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ

5 sai lầm khi bị cúm khiến bệnh trở nặng, nguy hiểm sức khỏe

Biến chứng cúm B nguy hiểm như nào, triệu chứng cúm B

Virus bệnh cúm chớ xem thường

Yhocvn.net

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook