Thứ Sáu, 06/11/2015 | 07:33

Suốt từ năm 12- 24 tuổi, tôi thường xuyên than thở, phiền não về vóc dáng của mình. Điều này dẫn đến hậu quả là tôi rơi vào trầm cảm trầm trọng.

Dưới đây là bài viết của Carly Alaim về câu chuyện của một người phụ nữ 27 tuổi đã phải chật vật như thế nào để qua những mặc cảm về thân hình mình và biết yêu thương bản thân, sức khỏe của mình hơn.
Lần đầu tiên tôi để ý tới rạn da năm tôi 11 tuổi. Đó là một sáng khi tôi đang ngồi trên giường và thực hiện động tác kẹp đầu giữa hai chân để máu dồn xuống mặt. Tôi phát hiện thấy những đường vạch mờ chằng chịt phía sau đùi. Lúc đầu, tôi nghĩ những vết đó là sẹo hoặc một dạng phát ban trên da. Tôi cảm thấy mình sắp chết. Tôi chạy ào đến bên mẹ, vừa khóc nức nở vừa kể về những gì tôi phát hiện. Mẹ giơ chân lên và chỉ cho tôi thấy, phía sau đầu gối mẹ cũng rất nhiều vạch dài màu trắng đục giống tôi. Tôi nhìn lên mẹ với ánh mắt kinh hoàng. “Đó là hiện tượng rạn da và con sẽ mang nó theo suốt đời. Con chẳng thể làm gì được đâu”, mẹ dịu dàng nói. Tôi không hiểu rõ ý mẹ là gì nhưng tôi cảm thấy, từ lúc đó, tôi đã chịu một lời nguyền và chính thức muốn che giấu đôi chân để người khác không bao giờ nhìn thấy những vết rạn đó. Và mọi chuyện bắt đầu từ đấy.
Rắc rối liên quan tới cơ thể tôi bắt đầu bằng những vết rạn da và cứ thế nhiều thêm, nặng hơn khi tôi trưởng thành. Lên lớp 7, không chỉ là những khối mỡ dày ở chân làm tôi thấy tự ti mà hình dáng cặp đùi, rồi mái tóc cứ xoăn tít lên, cũng trở thành thứ khiến tôi chán ngán bản thân.
Tôi để ý chân mình trông rất khác so với các bạn trong câu lạc bộ khiêu vũ hay bóng đá: chúng không thẳng tắp, lại đầy vết rạn và quá nhiều lông. Tôi đã học cách cạo lông trong bồn tắm rồi chọn chiếc quần jeans cũ của mẹ để che giấu đôi chân. Tôi không thường xuyên tập thể dục thể thao và chẳng thèm tìm hiểu gì về việc nên chấp nhận cơ thể vốn có, sức khỏe thể chất và tinh thần vốn có của tôi.
Cô gái 27 tuổi trầm cảm và hành hạ bản thân vì không chấp nhận được cơ thể mình
Tôi đã đọc được trong các tờ tạp chí rằng tập luyện sẽ giúp bạn cảm thấy tốt hơn và rốt cuộc, cơ thể cũng sẽ cân đối hơn, đẹp đẽ hơn. Nhưng tôi cũng học được rằng luôn có một thân hình “lý tưởng” mà tôi nên nỗ lực để được như thế. Thực tế thì thân hình của cô nữ sinh 12 tuổi là tôi lúc đó chẳng phải mẫu “lý tưởng” và tôi thì đau khổ, lo lắng, stress vì cái sự không lý tưởng ấy.
Tôi bị ám ảnh với những khiếm khuyết cơ thể tới nỗi tôi dần cảm thấy ghét chính mình. Tôi nghĩ về cơ thể tôi nhiều hơn về bất cứ thứ gì khác. Tôi thường tự nhủ trông tôi thật ục ịch, thật vô dụng, thật xấu xí. Tôi viết đầy nhật ký của mình bằng những kế hoạch, danh sách, những phác thảo mà tôi muốn sửa chữa cơ thể mình để trông thon gọn hơn, trông khác biệt hơn.
Những suy nghĩ tiêu cực đó trở thành lối suy nghĩ tiêu cực mà suốt một thời gian rất dài tôi đắm chìm vào. Hơn nữa, vào đầu những năm 2000, việc nhìn nhận cơ thể một cách tích cực không được nhắc đến nhiều. Tôi cũng không được tiếp xúc với những người biết cách yêu bản thân mình sau khi trải qua vô số những sai lầm liên quan tới ngoại hình. Dựa trên những điều tôi đã đọc và nghe từ những những phụ nữ khác, tôi chỉ mặc định rằng những suy nghĩ như thế về ngoại hình là một phần bản chất của phụ nữ.
Suốt từ năm 12- 24 tuổi, tôi không hề làm gì để cải thiện tình hình mà cứ ngồi đó than thở, phiền não về vóc dáng của mình. Điều này dẫn đến hậu quả là tôi rơi vào trầm cảm trầm trọng. Có nhiều ngày, nhiều tuần, tôi không rời khỏi nhà. Tôi giận dữ, ghen tỵ với tất cả mọi người. Tôi bỏ qua những bữa tiệc, những kỳ nghỉ. Công việc cũng bị ảnh hưởng.
Chứng trầm cảm của tôi có sức hủy hoại khủng khiếp, nó khiến tôi đau đớn, kiệt sức và suy nhược. Nghe có vẻ lạ lùng, nhưng hậu quả nghiêm trọng nhất là vì quá lo lắng chuyện làm sao chọn quần áo cho vừa vặn với thân hình “bất thường” của mình mà tôi quên cả cách đi lại tự nhiên. Tôi dần đánh mất mình, thậm chí hành hạ bản thân.
Cho tới tận khi bắt đầu gặp chuyên gia trị liệu, tôi mới sẵn sàng để thay đổi. Bạn trai tôi lúc đó động viên tôi nên nói ra rắc rối của mình với ai đó và tôi chỉ làm thế để cứu vãn mối quan hệ giữa chúng tôi. Tôi gặp một sinh viên khoa tâm lý vào thứ 4 hàng tuần trong suốt 1 năm. Kết thúc đợt trị liệu, tôi cảm thấy khá hơn, tự tin hơn. Nhưng sau đó, tôi lại rơi vào thói quen cũ: mặc cảm ngoại hình, chỉ trích bản thân. Tuy nhiên, lần này, tôi đã có trong tay những công cụ và kỹ năng để điều chỉnh cảm xúc của mình.
Năm nay tôi 27 tuổi, hàng ngày vẫn lượn lờ trên Instagram và cảm thấy ám ảnh thì thân hình của những phụ nữ khác. Lòng tôi vẫn ao ước giá mà tôi trông giống họ. Đó là sự thật. Đó là một thói quen tồi tệ và tôi vẫn đang nỗ lực để thay đổi nó bởi nó chẳng giúp ích gì cho cuộc sống của tôi. Cho tới bây giờ, chỉ riêng việc hiểu rằng những suy nghĩ như thế là tiêu cực, thói quen chán ghét bản thân là xấu xa cũng đủ giúp tôi lớn hơn nhiều.
Thi thoảng, tôi tập thể dục nhưng không có một lịch trình nhất định. Đôi khi tôi cảm thấy tộ lỗi vì điều đó và muốn thay đổi nhưng tôi cố gắng để mình không vướng vào vòng luẩn quẩn của stress, mặc cảm như vậy nữa. Cơ thể tôi đã thay đổi trong vài năm qua, hông nở hơn, mặt đầy hơn nhưng tôi không để những việc đó làm phiền tôi như trước.
Mối quan hệ riêng tư của tôi rất tuyệt, tôi làm việc một cách chuyên nghiệp, tôi sống ở một thành phố tuyệt vời, tôi chuẩn bị kết hôn. Mọi chuyện đâu có tệ. Đó là một cảm giác mới. Tôi chắc chắn nó gần với sự bình an, dù đôi khi tâm hồn tôi vẫn dậy sóng. Tôi vẫn đang vật lộn đấu tranh với chính mình để chấp nhận cơ thể tôi nhưng không phải theo cái cách tôi đã làm. Lần đầu tiên tôi biết, những vết rạn da kia, chúng chẳng có ý nghĩa gì với tôi, điều quan trọng là tôi phải khỏe mạnh.

Nguồn: Afamily

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook