Chủ Nhật, 06/09/2015 | 14:18

Đái tháo đường là tình trạng tăng đường máu mạn tính đặc trưng bởi những rối loạn chuyển hoá carbonhydrat, có kèm theo rối loạn chuyển hoá lipid và protein do giảm tuyệt đối hoặc tương đối tác dụng sinh học của insulin và/hoặc tiết insulin.

Phân loại

– Đái tháo đường týp 1: tế bào β tuỵ bị phá hủy do các nguyên nhân miễn dịch dẫn đến thiếu hụt insulin tuyệt đối. Điều trị bắt buộc phải dùng insulin.

– Đái tháo đường týp 2: là tình trạng kháng insulin đi kèm với thiếu hụt insulin tương đối. Có thể điều trị bằng chế độ ăn, tập luyện, thuốc uống hoặc insulin.

– Đái tháo đường thai kỳ: Là tình trạng rối loạn dung nạp đường máu khởi phát hoặc  phát hiện lần đầu tiên trong thời kỳ mang thai. Điều trị có thể chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn và tập luyện hoặc phối hợp với tiêm insulin.

– Đái tháo đường khác: ĐTĐ thứ phát: ĐTĐ xuất hiện sau viêm tuỵ, xơ sỏi tuỵ, các bệnh nội tiết khác… ĐTĐ do thuốc: glucocorticoid… ĐTĐ phối hợp với các hội chứng miễn dịch khác: Hội chứng Down, Hội chứng Klinefelter…

Những bệnh nhân nào có nguy cơ mắc ĐTĐ týp 2

Người có tiền căn trực hệ trong gia đình mắc ĐTĐ (bố, mẹ, anh, chị, em ruột).

Béo phì (BMI ≥ 25), đặc biệt là béo bụng.

Ít vận động thể lực: vận động thể lực < 3 lần/tuần, mỗi lần ít nhất 30 phút.

Phụ nữ có tiền sử được chẩn đoán ĐTĐ thai kỳ hoặc đẻ con ≥ 4kg.

Nữ có hội chứng buồng trứng đa nang.

Đã được chẩn đoán là rối loạn đường máu đói hoặc rối loạn dung nạp đường.

Có rối loạn mỡ máu và/hoặc tăng huyết áp (huyết áp ≥ 140/90 mmHg).

Nhận biết dấu hiệu bệnh

Các triệu chứng lâm sàng xuất hiện rầm rộ thường gặp ở các bệnh nhân ĐTĐ týp 1. ĐTĐ týp 2 triệu chứng thường không rõ ràng, bệnh nhân được phát hiện tình cờ khi đi khám bệnh hoặc khi nhập viện đã có các biến chứng cấp hoặc mạn tính của ĐTĐ.

Cần nghĩ ngay đến khả năng mắc ĐTĐ khi có các biểu hiện sau:

– Mệt mỏi, gầy sút 2 – 15 kg có thể kéo dài trong nhiều tháng.

– Đái nhiều 3-10 lít/ngày, khát nhiều và uống nhiều. Có thể có dấu hiệu mất nước: lưỡi khô, da khô, nhăn nheo, mắt trũng, môi đỏ.

– Cảm giác đói nhiều, ăn nhiều.

– Da hay bị ngứa và dễ bị nhiễm trùng, lâu liền vết thương.

– Giảm thị lực.

– Chuột rút cẳng chân vào ban đêm, tê bì chân tay.

– Giảm tình dục, liệt dương, rối loạn kinh nguyệt.

-Ở người già có tình trạng lú lẫn, chóng mặt, ngã (do mất nước).

Chẩn đoán bệnh đái tháo đường

Theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ năm 2012, chẩn đoán ĐTĐ khi có một trong các tiêu chuẩn sau:

– Đường máu lúc đói ≥ 7 mmol/L. ( xét nghiệm được làm 2 lần khác nhau, sau nhịn ăn 8-14 giờ ).

– Đường huyết bất kỳ thời điểm nào ≥ 11 mmol/L kèm theo các triệu chứng kinh điển của ĐTĐ (mệt nhiều, uống nhiều, đái nhiều, gầy nhiều).

– Đường huyết 2 giờ sau nghiệm pháp dung nạp glucose với 75g glucose ≥ 11 mmol/L.

– Chỉ số HbA1C ≥ 6,5 % ( xét nghiệm được làm bằng phương pháp sắc ký lỏng cao áp).

Những xét nghiệm cần làm thêm khi đã được chẩn đoán ĐTĐ

Đái tháo đường thường đi kèm với các rối loạn chuyển hoá khác hoặc thường được phát hiện khi đã có các biến chứng, do vậy nếu đã được chẩn đoán ĐTĐ nên kiểm tra thêm một số xét nghiệm sau:

-Mỡ máu, acid uric máu.

– Xét nghiệm protein niệu, chức năng thận.

-Điệm tâm đồ. Siêu âm mạch máu.

– Khám mắt kiểm tra thị lực, đáy mắt, nhãn áp…

Điều trị bệnh đái tháo đường

Điều trị ĐTĐ cần phối hợp nhiều phương pháp: chế độ ăn, tập luyện và thuốc hạ đường máu dạng uống hoặc tiêm. Tuy nhiên, tuỳ loại ĐTĐ và các biến chứng đi kèm của bệnh mà  sẽ có các phương pháp điều trị khác nhau.

Mục tiêu điều trị chung

– Đường máu đói (lúc sáng sớm ngủ dậy sau khi đã nhịn ăn 8 – 14 giờ): < 7,2 mmol/L.

– Đường máu sau ăn 2 giờ: < 10 mmol/L.

– HbA1C < 7%.

Mục tiêu điều trị khác nhau tùy thuộc vào từng đối tượng cụ thể: người trẻ tuổi, người nhiều tuổi, người đang bị các bệnh cấp tính, suy gan, suy thận, viêm tuỵ mạn… do đó cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên ngành nội tiết để có mục tiêu phù hợp từng đối tượng.

Theo dõi điều trị bệnh

Bệnh nhân nên được khám theo dõi định kỳ hằng tháng bởi các bác sĩ chuyên ngành nội tiết nhằm kiểm tra mức độ tuân thủ điều trị, mức độ kiểm soát đường máu và phát hiện sớm các biến chứng. Nếu có thể mỗi người bệnh nên trang bị máy thử đường máu cá nhân để kiểm tra đường máu tại nhà nhằm điều chỉnh chế độ ăn cũng như tập luyện phù hợp.

Đối với những người kiểm soát đường máu đạt mục tiêu ổn định thì nên thử đường máu mao mạch 1-2 lần/tuần. Với bệnh nhân đang trong quá trình chỉnh liều nên thử 1 – 2 lần/ngày. Hoặc thử đường máu bấy kỳ lúc nào nghi ngờ có hạ đường máu, ghi lại nhật ký đo đường máu để phối hợp với các bác sĩ trong kiểm soát đường máu.

Làm gì để phòng bệnh đái tháo đường cũng như phòng các biến chứng ở bệnh nhân ĐTĐ

Phòng bệnh ĐTĐ: Với những người có nguy cơ cao đối với bệnh ĐTĐ cần khám kiểm tra định kỳ nhằm phát hiện kịp thời ngay từ giai đoạn tiền đái tháo đường để có chế độ ăn và tập luyện phù hợp.

Phòng các biến chứng của ĐTĐ: Với những người đã được chẩn đoán ĐTĐ cần điều trị tích cực phối hợp chế độ ăn, tập luyện và thuốc hạ đường máu để kiểm soát tốt đường máu. Thường xuyên khám định kỳ để được tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa Nội tiết về cách phòng cũng như phát hiện sớm các biến chứng có thể có từ đó có biện pháp điều trị phù hợp.

Cẩm nang truyền thông các bệnh thường gặp – BV Bạch Mai

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook