Thứ Sáu, 16/10/2015 | 07:30

Hội chứng tiền đình có thể được cải thiện bằng phương pháp đông y

Theo y học cổ truyền, hội chứng tiền đình thuộc phạm vi chứng huyễn vựng. Người bệnh có biểu hiện chóng mặt, ù tai, hoa mắt, đau đầu, ngủ kém… Xoa bóp bấm huyệt là một trong các biện pháp giúp cải thiện hội chứng tiền đình.

Trước khi xoa bóp bấm huyệt, cần để người bệnh nằm ở tư thế thoải mái, thả lỏng người, tư thế nằm ngửa. Người xoa bót vệ sinh tay sạch sẽ, tinh thần thoải mái để bước vào những bước trị liệu đầu tiên với các bài xoa bóp, bấm, day các huyệt:

Huyệt bách hội:

Nằm ở đỉnh đầu, để hai ngón tay cái vào trong hai lỗ tai, các ngón còn lại xòe ra, ngón tay giữa của hai bàn tay vươn thẳng về phía đỉnh đầu. Sau đó, các ngón ôm chặt lấy đầu, hai đầu ngón tay giữa của hai bàn tay chạm nhau ở đâu thì đó chính là vị trí của huyệt bách hội.

Huyệt bách hội

Huyệt thượng tinh:

Là huyệt chính nằm ở trên trán. Để xác định huyệt, lấy một ngón tay đặt dọc theo sống mũi và đi dọc lên phía trên, luôn luôn giữ đúng đường trung tuyến, đến chân tóc gặp một chỗ trũng, đó là huyệt cần tìm, ấn và chà xát mạnh vào đó.

Huyệt phong trì:

Nằm phía hõm sau gáy ở cả hai bên, để xác định đầu tiên, xòe hai bàn tay, đặt hõm giữa lòng bàn tay vào đỉnh hai tai, các ngón tay ôm chặt lấy đầu, hướng ngón cái về phía sau gáy. Sau đó miết hai ngón tay cái từ trên xuống dưới, vượt qua một ụ xương rồi rơi xuống một chỗ hõm ở hai bên khối cơ nổi sau gáy, đó chính là vị trí của huyệt phong trì.

Huyệt phong phủ:

Cách xác định, khi cúi đầu, gân cơ thang nổi lên ở chỗ bám vào hộp sọ, chỗ lõm giữa gáy, ở trên chân tóc gáy.

Huyệt thái dương:

Phía sau điểm giữa đoạn nối đuôi lông mày và đuôi mắt, nơi chỗ hõm sát cạnh ngoài.

Huyệt hợp cốc:

Xòe rộng ngón tay cái và ngón tay trỏ. Lấy nếp gấp giữa đốt 1 và đốt 2 của ngón tay cái bên kia đặt vào mép da nối giữa ngón cái và ngón trỏ tay này; đầu ngón áp lên mu bàn tay này (giữa hai xương bàn tay 1 và 2). Đầu ngón cái áp vào đâu thì chỗ đó là huyệt, khi ấn có cảm giác rất ê tức.

Huyệt giác tôn:

Gấp vành tai về phía trước, huyệt ở bờ bên loa tai.

Huyệt nội quan

Huyệt nội quan nằm ở mặt trước cẳng tay, giữa hai gân cơ gan tay lớn và gan tay bé (gấp bàn tay vào cẳng tay và nghiêng bàn tay vào phía trong cho nổi rõ khe cơ), trên nếp gấp khớp cổ tay hai thốn, mỗi bên một huyệt.

“Nội” có nghĩa là bên trong, “quan” có nghĩa là cửa ải, huyệt này là cửa ải quan trọng phía trong nơi kinh khí vào ra, cho nên gọi là nội quan (trái với huyệt ngoại quan).

Nội quan là một huyệt vị rất thông dụng trong châm cứu, ngoài việc điều trị bệnh tiền đình thì huyệt này thường được dùng để chữa các chứng bệnh như đau cẳng tay, viêm khớp cổ tay, viêm cơ tim, thiểu năng tuần hoàn động mạch vành tim, suy nhược thần kinh…, xuát tinh sớm.

Lưu ý:

Một liệu trình điều trị từ 15 – 30 ngày, xoa bóp 30 phút/lần/ngày. Tùy theo mức độ và diễn biến của bệnh, có thể điều trị nhiều liệu trình. Trong qua trình xoa bóp, người bệnh hoa mắt, chóng mặt, vã mồ hôi, mạch nhanh, sắc mặt nhợt nhạt… phải dừng xoa bóp bấm huyệt, lau mồ hôi, ủ ấm, uống nước chè đường nóng, nằm nghỉ tại chỗ.

Không xoa bóp cho bệnh nhân đang có khối u, người bệnh đang mắc bệnh ngoài da vùng đầu mặt, người bệnh mắc bệnh ưa chảy máu, người bệnh đang sốt cao, người bệnh đang mắc bệnh truyền nhiễm cấp tính.

Yhocvn.net (Theo Ths.Bs.Nguyễn Sơn)

Bài cùng chủ đề:

+ Những điều cần biết về rối loạn tiền đình

+ Triệu chứng chóng mặt, hội chứng tiền đình

+ Những bài tập cải thiện chứng chóng mặt do rối loạn tiền đình

+ Phân biệt rối loạn tiền đình với thiểu năng tuần hoàn não

+ Chọn thuốc trị bệnh rối loạn tiền đình

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook