Viêm nha chu xảy ra khi nướu răng bị viêm nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến xương và mô liên kết giúp nâng đỡ răng.
Nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến mất răng do xương và các mô liên kết quanh chân răng bị phá hủy, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Bệnh nha chu viêm nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến mất răng do xương và các mô liên kết quanh chân răng bị phá hủy.
Theo Y học cổ truyền, nguyên nhân gây nha chu viêm là do bị kích thích kết hợp với phong nhiệt gây nên. Nếu bệnh cấp tính thuộc chứng thực, lâu ngày vị âm hư, thận âm hư, tân dịch giảm gây hư hỏa bốc lên thành bệnh mạn tính thuộc chứng hư. Sau đây là một số bài thuốc trị theo từng thể.
Thể cấp tính: Người bệnh có biểu hiện chân răng sưng đỏ, đau, ấn mạnh có thể ra mủ, trường hợp nặng có thể sốt, ăn kém, táo bón, có hạch ở dưới hàm. Phương pháp chữa là sơ phong, thanh nhiệt, tiêu thũng. Dùng bài thuốc:
Bài 1: ngưu bàng tử 12g, bạc hà 8g, hạ khô thảo 16g, kim ngân hoa 16g, bồ công anh 20g, gai bồ kết 8g. Sắc uống.
Bài 2 – Ngưu bàng giải cơ thang gia giảm: ngưu bàng tử 12g, bạc hà 6g, hạ khô thảo 8g, chi tử 12g, kim ngân 20g, liên kiều 20g, tạo giác thích 20g, xuyên sơn giáp 6g. Sắc uống.
Ngưu bàng tử (quả chín khô của cây ngưu bàng) là vị thuốc trong bài “Ngưu bàng giải cơ thang gia giảm” trị viêm nha chu cấp tính.
Bài 3 – Thanh vị thang gia giảm: thăng ma 4g, hoàng liên 8g, sinh địa 20g, đan bì 8g, thạch cao 40g, kim ngân hoa 16g, liên kiều 16g, ngưu bàng tử 12g, bạc hà 8g. Sắc uống.
Kết hợp day ấn các huyệt giáp xa, hạ quan, hợp cốc, nội đình.
Thể mạn tính: người bệnh có biểu hiện chân răng đỏ viêm ít, có mủ chân răng, đau ít, răng lung lay, miệng hôi, họng khô, đầu lưỡi đỏ, rêu lưỡi ít, mạch tế sác. Phương pháp chữa là dưỡng âm thanh nhiệt. Dùng bài Lục vị hoàn gia giảm: trạch tả, đan bì, sơn thù, phục linh, tri mẫu, hoàng bá mỗi vị 8g; ngọc trúc, thăng ma, bạch thược, thục địa, hoài sơn, kỷ tử mỗi vị 12g. Sắc uống.
Kết hợp day ấn các huyệt: giáp xa, hạ quan, hợp cốc, nội đình, túc tam lý, thận du, thái khê.
Vị trí huyệt:
Giáp xa: Cắn chặt răng lại, huyệt ở trước góc hàm và ở trên bờ dưới xương hàm dưới 1 khoát ngón tay, đè vào chỗ trũng có cảm giác ê tức.
Hạ quan: Khi ngậm miệng lại, huyệt ở chỗ lõm phía trước tai, dưới xương gò má, nơi góc phía trước của mỏm tiếp xương thái dương và lồi cầu xương hàm dưới.
Hợp cốc: Khép ngón trỏ và ngón cái sát nhau, huyệt ở điểm cao nhất của cơ bắp ngón trỏ ngón cái.
Nội đình: Nơi nối thân với đầu sau xương đốt 1 của ngón chân thứ 2, giữa kẽ ngón chân thứ 2 và thứ 3.
Thận du: Dưới gai sống thắt lưng 2, đo ngang ra 1,5 tấc.
Túc tam lý: Dưới mắt gối ngoài 3 tấc, phía ngoài xương mác khoảng 1 khoát ngón tay, nơi cơ cẳng chân trước, khe giữa xương chầy và xương mác.
Thái khê: Tại trung điểm giữa đường nối bờ sau mắt cá trong và mép trong gân gót, khe giữa gân gót chân ở phía sau.
Lương y Đình Thuấn
Nguồn: SKDS
Chưa có bình luận.