Quan niệm của đa số người dân hiện nay là đã mắc ung thư khó thoát cái chết, hay ung thư thì thường phải hóa hoặc xạ trị. Nhưng Tiến sĩ Laura Esserman đã chứng minh điều ngược lại.
2 chữ luôn làm các bệnh nhân hoảng loạn và lo lắng đi tìm kiếm những biện pháp chữa không cần thiết và có thể gây hại như phẫu thuật cắt bỏ ngực, Tiến sĩ Laura Esserman cho biết.
Ung thư vú là căn bệnh dễ gặp nhất với phụ nữ. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm, có khoảng 508.000 phụ nữ tử vong vì căn bệnh này.
Trong khi với nhiều người, chỉ cần nghe chẩn đoán bị ung thư vú, sẽ gục ngã và mất hết hi vọng vào cuộc sống thì ngày càng có nhiều bệnh nhân ung thư vú chiến thắng căn bệnh quái ác này một cách “dễ dàng”.
Tiến sĩ Laura Esserman, một chuyên gia phẫu thuật ung thư vú hàng đầu thế giới đến từ Trường Đại học California đã đưa ra nhiều khuyến cáo mà mọi phụ nữ đều nên biết về ung thư vú.
Sau đây là 4 điều mà mọi phụ nữ nên biết để vững tin hơn vào khả năng chiến thắng ung thư vú của mình – nếu không may mắc phải.
1. Ung thư vú có nhiều dạng
Trên thực tế, ung thư vú có nhiều dạng khác nhau. Một số có thể không gây đau đớn, nhưng số khác lại rất “hung hãn”. Vì thế, cách chữa trị có thể cũng khác nhau.
Hai bệnh nhân ở độ tuổi 50 cùng bước vào phòng khám. Cả 2 đều được chẩn đoán có một khối u tương đương nhau. Tuy nhiên, phương pháp điều trị cho 2 bệnh nhân này lại khác nhau.
Trong khi một người điều trị bằng xạ trị, một người lại không cần.
Tiến sĩ Esserman cho biết các bác sĩ phải đảm bảo bệnh nhân hiểu được tất cả các phương pháp điều trị có thể thực hiện, nhằm giúp họ thấy thoải mái với các quyết định của mình vì họ có nhiều sự lựa chọn.
2. Không phải cứ bị ung thư vú là đe dọa đến tính mạng
Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, khoảng hơn 20% trường hợp chẩn đoán ung thư vú ở Mỹ là dạng ung thư ống dẫn sữa có giới hạn (DCIS).
“DCIS không phải là ung thư mà tại sao chúng ta gọi là ung thư?”, Tiến sĩ Esserman lên tiếng.
Bà cho biết, căn bệnh này có thể chữa khỏi, thậm chí, nhiều bằng chứng cho thấy một số bệnh nhân không cần phải điều trị, chẳng hạn người mắc DCIS cấp chỉ cần theo dõi sức khỏe là được.
3. Chụp X-quang tuyến vú định kỳ không có lợi cho mọi phụ nữ
Khuyến nghị chụp nhũ ảnh (chụp X-quang tuyến vú) hàng năm nhằm hỗ trợ chẩn đoán các bệnh lý tuyến vú ở phụ nữ được đưa ra từ cách đây 30 năm.
Nhưng giờ cần phải có một xét nghiệm hiện đại, qua đó các bác sĩ nhận biết ai có nguy cơ mắc các loại ung thư vú khác nhau.
Hiện Tiến sĩ Esserman đang quản lý Hệ thống sức khoẻ vú Athena, một chương trình hợp tác giữa các trung tâm y tế của 5 trường đại học ở California và các đối tác.
Tổ chức này đang thực hiện nghiên cứu WISDOM, nhằm điều tra liệu một cá nhân tiếp cận với việc sàng lọc ung thư có an toàn và hiệu quả hơn so với việc chụp nhũ ảnh hàng năm hay không.
Tổ chức của Tiến sĩ Esserman đã phối hợp với Công ty Color Genomics – chuyên cung cấp dịch vụ xét nghiệm gen gây ung thư, để xác định về mặt di truyền, điều gì ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh.
Sau đó, họ kiểm tra xem nó có cải thiện việc tầm soát hay không.
Theo thời gian, các chuyên gia sẽ biết được ai có nguy cơ mắc ung thư vú và ai có nguy cơ mắc loại ung thư khác. Nếu cách tầm soát này hoạt động hiệu quả, nó có thể trở thành một mô hình tốt để ứng dụng cho bất kỳ bệnh nào.
4. Cân nhắc việc thử nghiệm lâm sàng
Trong y học, những tiến bộ trong chăm sóc bệnh nhân phụ thuộc vào những thử nghiệm lâm sàng.
Hiện chỉ có 3-5% phụ nữ tham gia vào các cuộc thử nghiệm lâm sàng.
Trong nghiên cứu WISDOM, Tiến sĩ Esserman cho biết sẽ vận động 100.000 phụ nữ tham gia, yêu cầu người tham gia sẽ chia sẻ với bác sĩ câu chuyện và kinh nghiệm của họ.
Khi kết thúc nghiên cứu, các chuyên gia hy vọng sẽ tìm ra một mô hình tốt hơn để đánh giá nguy cơ mắc bệnh.
Nguồn: Afamily
Chưa có bình luận.