Mấy ngày qua, trong các buổi thảo luận tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV không ít đại biểu nêu quan điểm góp ý cho thảo luận các quy định về tội vi phạm an toàn thực phẩm cho Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015.
Nhiều ý kiến cho rằng, chưa có một mức án cao nhất cho hành vi buôn bán thực phẩm bẩn. Hình thức phạt cao nhất hiện nay chỉ dừng lại ở mức 20 năm tù. Đại biểu Quốc hội khẳng định, tội phạm về sinh an toàn thực phẩm rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Theo nhiều đại biểu Quốc hội, phải nâng mức án chung thân cho tội này, thậm chí là có thể xét mức án cao nhất là tử hình.
Nhận thức mức độ nguy hại của thực phẩm bẩn đến sức khỏe người dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, phải xử lý người bán thực phẩm bẩn một cách nghiêm minh vì đây là hành động “giết người gián tiếp”.
Từ trước đến nay, xử lý nghiêm tội vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm bẩn không chỉ là mong muốn của đại biểu Quốc hội mà chính là mong muốn chung của tất cả người dân. Lý do tình trạng thực phẩm bẩn đang bủa vây người tiêu dùng, không trừ bất kỳ sản phẩm nào. Người dân từng giật mình sợ hãi khi thịt heo có chất tạo nạc, măng chua chứa chất vàng ô, rau muống bào ngâm hóa chất tạo màu xanh, thủy sản được bơm tạp chất kháng sinh, cà phê pha trộn nhiều tạp chất, hóa chất khác nhau…
Trước tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường, Luật An toàn thực phẩm – từng được xem là liều thuốc “đặc trị” ra đời từ năm 2010. Trong đó, luật này phân công trách nhiệm cho từng ngành và định rõ từng bước đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm thực hiện tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn chưa tiến triển theo chiều hướng giảm dần. Số vụ ngộ độc không thay đổi trong mấy năm qua, năm nào số người mắc cũng ở mức trên 5.000, số người tử vong cũng tương tượng như nhau.
Luật An toàn thực phẩm ra đời nhằm bảo vệ tốt người tiêu dùng, thế nhưng khi áp dụng vào thực tiễn vẫn thấy thiếu cơ chế và hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm một cách hiệu quả. Trong khi đó hình thức xử phạm vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm có phần hời hợt và thiếu tính răn đe. Đơn cử, Bộ luật Hình sự 2015 có quy định xử phạt nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức cao nhất 20 năm tù.
Mặc dù luật quy định xử lý vi phạm thực phẩm là vậy song từ trước đến nay chưa có trường hợp nào bị áp dụng mức phạt cao nhất như luật hiện hành. Có chăng cũng chỉ là những quy định xử phạt hành chính không bõ bèn gì so với mức độ thiệt hại mà người tiêu dùng phải hứng chịu.
Hồ Luân
Nguồn: Đại đoàn kết
Chưa có bình luận.