Cung Lê đã từng tham dự không ít bộ phim nổi tiếng, trong đó phải kể tới Dragon Eyes, Bodyguards and Assassins hay The Grandmaster.
Hồi cuối tháng 4, Cung Lê có bài phỏng vấn với trang chuyên về võ thuật Kungfu Kingdom, qua đó cung cấp những thông tin vô cùng thú vị về bản thân, như quá trình đế với võ thuật, cái duyên với phim trường và cảnh quay đáng nhớ với ngôi sao Chung Tử Đơn.
Chúng tôi xin lược dịch bài viết để quý độc giả có thể hiểu rõ hơn về con người của một trong những võ sĩ MMA gốc Việt tên tuổi nhất trong lịch sử.
Ít ai biết Cung Lê trở nên vĩ đại nhờ việc bị… bắt nạt hồi nhỏ.
– Xin chào Cung, rất vui vì anh đã giành thời gian cho chúng tôi. Giờ hãy bắt đầu bằng những câu hỏi cơ bản. Anh sinh ra khi nào và ở đâu?
Tôi được sinh ra tại Sài Gòn, Việt Nam vào ngày 25/5/1972…
– Cận nặng và chiều cao của anh là bao nhiêu?
Tôi cao 1m78 và nặng 89,8 kg.
Cung Lê từng nắm chiếc đai vô địch Strikeforce.
– Anh đã học và rèn luyện những môn võ nào?
Tôi bắt đầu học Taekwondo khi lên 10 vì thường xuyên bị bạn bè bắt nạt. Giáo viên của tôi dạy cả Taekwondo và Kung Fu tại trường. Tôi bắt đầu đấu vật từ thời học trung học và luyện tập Tán thủ vào năm 1993. Hai năm sau, tôi đã tham gia đội tuyển Mỹ dự giải Vô địch Kung Fu thế giới.
– Ai là là người đã truyền cảm hứng võ thuật cho anh?
Lý Tiểu Long chính là thần tượng lớn nhất của tôi. Sau đó là Lưu Gia Huy, Jackie Chan và Lý Liên Kiệt.
Cung Lê tung cú đá xoay quen thuộc về phía Scott Smith.
– Điều gì khiến anh muốn trở thành một võ sĩ chuyên nghiệp?
Ban đầu tôi phải trả tiền để tham dự các những giải đấu. Tại giải Vô địch Kung-fu thế giới, tôi đã gặp rất nhiều những võ sĩ nổi tiếng thế giới và họ nói rằng họ được trả tiền để tham dự giải đấu. Tôi chột dạ: “Ái chà, hình như có gì không đúng ở đây”. (Cười). Tôi nỗ lực để trở nên giỏi hơn và muốn tham dự các giải đấu để nhận được tiền.
Tôi vẫn nhớ rõ trận đấu với Shawn Liu như một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp với giải thưởng 1.000 USD, một con số rất lớn đối với tôi lúc đó. Sau khi giành chiến thắng, tôi tiếp tục tham dự một giải đấu khác có tên là Shidokan với giải thưởng trị giá 5.000 USD.
Trong lần đầu tham dự, tôi thua Tony Otero nhưng khi trở lại vào năm sau, tôi đã đánh bại tất cả.
Chiến thắng này giúp tôi nhận được cú điện thoại của tổ chức Draka, tôi nhận lời đánh cho họ và đánh giải tiếp theo, giành được 10.000 USD.
Scott Coker, người đang là Chủ tịch của Bellator MMA đã chứng kiến trận đó và liên hệ với tôi. Chúng tôi sớm đạt thỏa thuận chung và tôi đầu quân cho anh ấy vào năm 1998. Phần còn lại đã thuộc về lịch sử! (Bất bại tại giải Strikeforce với 19 chiến thắng liên tiếp).
– Một trong những trận đánh nổi tiếng nhất của anh là với Na Thuận – “ông vua” làng vật Trung Quốc. Anh có thể chia sẻ thêm những câu chuyện thú vị xung quanh trận đánh này không?
Chúng tôi dự định sẽ có một trận đánh để giành danh hiệu cấp thế giới ở Hawaii, tuy nhiên người tổ chức lại không thông qua.
Khi đó anh ta (Na Thuận) là võ sĩ số 1 Trung Quốc và chúng tôi vẫn quyết tổ chức trận đấu. Na Thuận là ông vua Tán thủ và có rất nhiều chiến thắng knock-out.
Tôi đã xem rất nhiều trận đánh trước đó của anh ta để chuẩn bị tốt nhất. Tôi phát hiện Na Thuật thuận tay trái và dựa vào đó đưa ra chiến thuật.
Ngày trước khi lên sàn đấu, tôi thấy ĐT bóng đá nữ Mỹ đánh bại ĐT bóng đá nữ Trung Quốc. Điều này đã truyền cảm hứng cho tôi giành chiến thắng ngay tại quê hương của Kung Fu.
Tôi thầm nghĩ: “Tôi biết mà, tôi sẽ tập trung vào mặt anh ta và luôn luôn gây áp lực”.
– Ai là đối thủ khó nhằn nhất trong sự nghiệp MMA của anh?
Michael Bisping và Cung Lê trước trận đấu.
Michael Bisping thực sự khiến tôi choáng váng. Tôi chẳng nhìn thấy anh ta trong phần lớn trận đánh, điều đó nghĩa là mọi kế hoạch đều đã đổ bể. Thế nên tôi thử giữ anh ta trước mặt và cố hạ knock-out. Đáng tiếc là tôi đã thua.
Cũng không thể không nhắc tới Frank Shamrock, một huyền thoại MMA và là đối thủ nặng ký nhất trong sự nghiệp của tôi ở thời điểm đó. Tôi đánh bằng tất cả những gì tôi có, liên tục ra đòn nhưng anh ấy vẫn đứng vững.
Khi tôi thấy anh ấy thường đỡ cú đá của tôi bằng một tay, tôi cứ tiếp tục đá vì tin rằng sớm muộn cánh tay của đối thủ cũng sẽ bị thương. Cuối cùng tay anh ấy bị gãy ở hiệp ba. Các bạn biết không? Với lợi thế, tôi cố gắng kết thúc trận đấu nhưng anh ấy vẫn cố đấm tôi bằng cánh tay đã gãy.
Shamrock là một võ sĩ tuyệt vời, thua trận như một chiến binh đích thực.
– Anh cũng rất có duyên với điện ảnh phải không?
Cung Lê (trái) trong bộ phim Dragon Eyes.
Cái cách tôi đồng ý tham dự bộ phim đầu tiên thật sự rất hài hước. Khi đó tôi đang là HLV của đội tuyển Tán thủ Mỹ đang thi đấu ở vòng bán kết.
Mẹ đã gọi điện thoại cho tôi rồi nói: “Có người muốn con đóng bộ phim này”. “Mẹ à, điều này không thích hợp đâu. Con đang là HLV của đội tuyển Tán thủ Mỹ đấy”, tôi trả lời. Thế nhưng bà ấy cứ bắt tôi gọi điện thoại cho nhà sản xuất bằng được.
Bà ấy biết ý định tham gia vào MMA của tôi và không muốn tôi đánh đấm thêm nữa. Sau đó tôi gọi cho nhà sản xuất, anh ta gật đầu và bắt tôi tới gặp càng sớm càng tốt. Tôi bảo với anh ta rằng tôi đang bận với đội tuyển Tán thủ Mỹ. Anh ấy vẫn kiên trì và nói: “Tôi muốn cùng cậu tạo ra bộ phim võ thuật đỉnh nhất và sẽ trả cậu 20.000 USD”. Con số nghe rất đã tai và tôi liền cất chuyến bay sau đó ba ngày. Đó là cách tôi trở thành ngôi sao màn bạc (cười lớn)!
– Một trong những bộ phim đầu tiên của anh – “Blizhniy Boy: The Ultimate Fighter” lại không được công chiều. Anh có biết nguyên nhân không?
Tôi không nắm rõ hoàn toàn câu chuyện, tuy nhiên đạo diễn đầu tiên đã bị sa thải khi mới hoàn thành được 1/4 bộ phim. Sau đó hai năm thì nhà sản xuất đã hoàn tất nhưng không được công chiếu. Có vẻ họ có sự tranh chấp pháp lý.
– Trận tay đôi với Chân Tử Đơn trong Bodyguards and Assassins thực sự rất ấn tượng. Anh có thể chia sẻ một câu chuyện trong quá trình làm phim với huyền thoại phim võ thuật người Trung Quốc được không?
Đó là một thời điểm tuyệt vời khi tôi đang nổi tiếng trên sàn đấu còn anh ấy vừa bùng nổ với Diệp Vấn. Khi chúng tôi bắt đầu, theo kịch bản có tới 80% trận đánh ở chợ cá và tôi nói với Chung Tử Đơn rằng: “Chúng ta có hai chướng ngại vật ở phân cảnh 1905 Hông Kông, hãy thực hiện vài pha parkour và hoàn tất cảnh quay (Chung Tử Đơn đánh bại Cung Lê) tại đây”.
Đạo diễn Trần Khả Tân gọi tôi đến và tôi cứ nghĩ mình đã bị đuổi. Hóa ra không phải vậy, anh ây hỏi có gợi ý nào không và tôi nói hết suy nghĩ của mình. Anh ấy tỏ ra rất thích thú, sau đó cảnh đánh đấm này hầu hết dựa vào ý tưởng của tôi.
– Bộ phim mới nhất sắp ra mắt có sự góp mặt của anh là Savage Dog. Anh hợp tác cùng các võ sĩ nổi tiếng như Scott Adkins, Marko Zaror. Điều đó tuyệt chứ?
Tôi làm việc cùng Scott Adkins được một khoảng thời gian. Anh ấy thật sự là một võ sĩ khó tin. Tôi nghĩ anh ấy có thể trở thành “Người dơi” mới. Bộ phim nay thật sự khác biệt, đầy cảm xúc mà không kém phần kịch tính. Tất nhiên chúng tôi đều là các võ sĩ đẳng cấp cao nên những cảnh hành động cũng tuyệt vời không kém.
– Trong tương lai anh có dự án đặc biệt nào không?
Tôi sắp tham gia một chương trình thực tế có tên gọi Fight or Flight. Mục đích của chương trình là hướng dẫn người xem kỹ năng để thoát khỏi những mục tiêu đáng sợ. Thế giới hiện nay rất nguy hiểm, từ khủng bố IS tới những tay súng ngoài đường phố, do vậy chương trình muốn mọi người chuẩn bị cho những tình huống tối tệ nhất. Ngoài ra, tôi cũng sẽ xuất hiện trong bộ phim Code Name: Dragon và Security.
– Chấn thương nguy hiểm nhất mà anh từng gặp phải là gì?
Michael Bisping gây nên chấn thương đáng sợ nhất sự nghiệp võ đài của Cung Lê.
Trên võ đài, chấn thương nguy hiểm nhất là khi Michael Bisping làm gẫy xương trên mặt tôi, phía sau mắt. Chiếc xương hoàn toàn có thể làm vỡ nhãn cầu. Còn với màn ảnh, đó là vết thương khi đóng phim Tekken khiến tôi phải khâu 20 mũi.
– Những pha hành động trên phim nguy hiểm nhất anh từng thực hiện là gì?
Ví dụ như trong bộ phim Into the Badlands, tôi là diễn viên duy nhất không sử dụng diễn viên đóng thế. Tôi luôn muốn làm tất cả những cảnh nguy hiểm của mình.
– Những bộ phim nào anh thích nhất?
Hai bộ phim tuyệt nhất với tôi là Enter the Dragon và The 36th Chamber of Shaolin. Tôi cũng rất ấn tượng với The Five Deadly Venoms, Drunken Master, Fist of Legend.
– Anh thường làm gì để giảm bớt căng thẳng sau các bài tập vất vả?
Tôi chỉ thích đi spa và chơi với vợ con thôi.
– Ngoài võ thuật, anh có sở thích nào khác không?
Tôi rất thích bắn súng và từng tập luyện cùng những binh sĩ Special Ops và Navy SEAL.
Cung Lê ghét những người mờ ám, không minh bạch.
– Anh ghét loại người nào nhất?
Tôi thích những người chính trực và ghét những ai sống mờ ám, không minh bạch.
– Điều gì khiến anh tự hào nhất?
Chiến thắng giải Strikeforce và đại diện cho các võ sĩ MMA khác kiện UFC.
– Câu châm ngôn nào là “kim chỉ nam” hình thành con người Cung Lê hiện nay?
“You must be the change you want to see in the world” của Gandhi. (Tạm dịch: Bạn phải thay đổi theo cách mà bạn muốn thế giới thay đổi).
Cảm ơn anh về bài phỏng vấn thú vị!
Chưa có bình luận.