Do hormone và cơ thể phát triển khác nhau lúc dậy thì mà nam giới thường cao hơn phụ nữ.
Dù ở thời đại nào, đất nước nào thì chiều cao trung bình của nam giới cũng luôn cao hơn phụ nữ. Nguyên nhân là gì?
Theo BBC, con trai và con gái có chiều cao trung bình tương tự nhau cho đến khi cả hai đạt đến tuổi 12 hoặc 13. Sau đó, mỗi người có sự phát triển khác nhau. Các bé gái dậy thì sớm hơn nam giới khoảng một năm và cũng kết thúc tuổi dậy thì sớm hơn con trai. Đặc biệt sự bùng nổ tăng trưởng của con trai vào cuối giai đoạn dậy thì đã thúc đẩy chiều cao vượt trội. Sự khác biệt trong giai đoạn dậy thì, tốc độ phát triển và thời gian dậy thì chính là lý do khiến chiều cao trung bình của nam giới vượt hơn các cô gái khoảng 13 cm.
Một lý do khác khiến chiều cao của con trai vượt hơn các bé gái là do lượng hormone nam testosterone cao. Tinh hoàn phóng thích testosterone nhiều hơn khi chúng trưởng thành. Trong thời kỳ dậy thì, sản xuất testosterone của một cậu bé trung bình tăng gấp 10 lần.
Nam giới thường cao hơn phụ nữ. Ảnh: PA.
Testosterone kích hoạt các tế bào trên toàn cơ thể để phát triển. Bộ xương nam giới phát triển theo cùng một cách giống như ở các cô gái nhưng xương trở nên dày đặc và nặng hơn. Ở giai đoạn sau, quá trình phát triển ở nam giới tập trung mở rộng xương ngực, vai và kết thúc ở tuổi 20.
Cơ bắp của nam giới sẽ trải qua giai đoạn phát triển nhanh chóng mà ở nữ giới thì không. Cơ được tạo thành từ sợi. Trẻ trai tuổi dậy thì, những sợi này không tăng về số lượng nhưng chiều dài và chiều rộng của các sợi cơ tăng lên. Ngoài ra, testosterone làm tăng lượng hemoglobin trong hồng cầu. Mức độ cao hemoglobin cho phép các tế bào hồng cầu cung cấp nhiều oxy cho cơ. Oxy này được cơ thể nam giới sử dụng để tạo ra năng lượng cho cơ, giúp cơ bắp phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.