Thứ Bảy, 21/05/2016 | 16:19

Người thông minh thường là những người có chỉ số IQ cao. Họ có khả năng nghiên cứu chuyên sâu và trở thành chuyên gia giỏi ở một lĩnh vực nhất định. Họ thường nhận được sự ngưỡng mộ của mọi người. Nhưng trong môi trường làm việc nhóm, liệu sự thông minh có đem lại sự thành công cho họ? Liệu những người thông minh có phải là những nhà quản lý tài năng? Thực tế cuộc sống đã cho thấy không hẳn như vậy. Trong một số trường hợp, thông minh quá lại là một điểm yếu, vậy chúng ta hãy cùng tìm hiểu những vấn đề của người thông minh là gì.

Suy nghĩ “Tôi hiểu biết hơn tất cả mọi người” là một rào cản

Vấn đề của những người cực kỳ thông minh, đó là họ thường xuyên cho rằng mình hiểu biết hơn những người khác. Họ thông minh nhưng điều đó không có nghĩa là họ có thể thuyết phục người khác tin vào mình.

Ví dụ trong môi trường học tập, khi làm các bài tập nhóm, những người thông minh nhất và tài năng nhất thường quyết định sẽ đảm nhận hầu hết công việc. Họ không muốn mạo hiểm điểm số trên lớp bằng cách phân chia nhiệm vụ và hy vọng những bạn học kém hơn hay lười học có thể hoàn thành tốt phần việc của họ. Vì thế họ sẽ muốn làm hết việc của cả nhóm.

Và từ đó, chu trình làm việc của người thông minh bắt đầu. Những người thông minh làm mọi việc tốt hơn hết thảy những người khác. Họ viết tốt hơn, lên kế hoạch tốt hơn, đánh giá mọi việc tốt hơn. Họ giỏi hơn ở tất cả mọi việc, cho đến khi họ trở thành chủ doanh nghiệp hay nhà lãnh đạo, thì thực tế chứng minh họ không còn giỏi hơn nữa, mà mọi việc bắt đầu trở nên tồi tệ hơn.

Trường hợp này hoàn toàn đúng với nhóm quản lý tập đoàn Enron, vốn nổi tiếng là “những người thông minh nhất trong ngành”. Nhưng hãy nhìn hậu quả mà tập đoàn này phải hứng chịu.

Tập đoàn năng lượng này đã bổ nhiệm nhiều cá nhân tài giỏi để quản lý các đơn vị kinh doanh thành công nhất mà không phải chịu sự giám sát. Những người quản lý này rất thông minh, nhưng lại kiêu ngạo, không kiên định, khinh suất, khiến hàng tỉ USD bị thất thoát. Công ty này sau đó đã phải giải thể vào năm 2001.

Thông minh không đồng nghĩa với quản lý giỏi

Những người thông minh có thể có năng lực tốt hơn khi làm việc trong môi trường độc lập như nghiên cứu, phân tích, lập trình, nhưng để đạt được sự thành công trong môi trường làm việc tập thể thì họ cần có sự thấu hiểu hay kĩ năng giao tiếp với những người xung quanh.

Ví dụ, đối với một quản lý cao cấp, họ luôn cho rằng mình khôn ngoan hơn tất cả những người còn lại trong nhóm. Tuy nhiên thách thức lớn nhất mà người quản lý này phải đối mặt là có thể có nhiều người khác không đồng quan điểm với mình.

Do vậy, người quản lý này phải đầu tư thời gian để thuyết phục những người còn lại nếu muốn thúc đẩy dự án của mình.

Đáng tiếc là một tổ chức lại không vận hành như vậy, đặc biệt trong trường hợp bạn không có chút quyền hành nào đối với các đồng nghiệp của mình. Giải pháp duy nhất trong những trường hợp như vậy là tìm cách thuyết phục người khác, thay vì chứng tỏ bạn khôn ngoan hơn họ.

Trong thực tế, đôi khi người tài năng nhất lại nằm trong số những người quản lý kém hiệu quả nhất. Có thể thấy điều này trong lĩnh vực thể thao, các siêu sao đã giải nghệ thường khó đảm nhận thành công công việc huấn luyện hoặc quản lý vì họ phải giám sát những người “bình thường” không được trời ban cho khả năng thiên bẩm như họ.

Wayne Gretzky, huyền thoại khúc côn cầu người Canada đã giải nghệ cùng với một kỉ lục ghi điểm cá nhân hơn bất kì một vận động viên chuyên nghiệp nào khác, nhưng lại được biết đến là một huấn luyện viên không thành công. Trường hợp tương tự có thể nói đến Michael Jordan, anh là vận động viên bóng rổ xuất sắc nhất mọi thời đại nhưng lại chưa bao giờ đủ khả năng để lãnh đạo một đội bóng thành công, dù là trên cương vị là Tổng giám đốc, Chủ tịch hay người sở hữu đội bóng.

Tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn nếu để những người tự cho mình là thông minh ấy đi bán những sản phẩm mà họ xem là tốt nhất. Ví dụ như trường hợp của tập đoàn Creative Technology của Singapore. Mặc dù Creative có trong tay chiếc máy MP3 được chế tạo với công nghệ ưu việt hơn nhưng khách hàng lại ưa chuộng iPod hơn sau khi Apple tung sản phẩm này ra thị trường. Nhóm quản lý của Creative đã vô cùng thất vọng và họ không thể hiểu tại sao khách hàng lại vô lý đến vậy!

Điều đó cho thấy công nghệ ưu việt không phải lúc nào cũng mang lại chiến thắng, và cũng giống như người thông minh nhất không phải lúc nào cũng thành công.

Phát huy hiệu quả người thông minh

Một vài doanh nghiệp lớn nhất và thành công nhất trên thế giới thường không bố trí những người thông minh nhất vào vị trí lãnh đạo các bộ phận chính. Thực tế họ thường chọn những người có năng lực bình thường, trung bình. Những tổ chức này chỉ có một vài người thông minh để chuẩn hoá, tự động hoá và biết giao công việc cho những bộ phận chính theo cách mà những nhân viên bình thường không thể làm được.

Một người thông minh và có năng lực làm việc vượt trội sẽ không giúp ích được nhiều cho tổ chức của bạn trừ khi anh ta hoặc cô ta biết hoàn thiện các kỹ năng xã hội khác như giao tiếp, thấu hiểu và gắn kết. Tuy nhiên việc tự tin thái quá vào khả năng năng của mình lại chính là trở ngại của người thông minh để thành thục được các kỹ năng này. Đây cũng là lý do tại sao nói người chỉ thông minh và có tài sẽ khó trở thành một nhà quản lý thành công.

Tìm kiếm người thông minh có thể là đặc điểm nổi bật của thời đại chúng ta đang sống, thế nhưng không phải lúc nào người có chỉ số IQ cao cũng mang lại thành công. Trông đợi những người thông minh nhất, tài năng nhất lãnh đạo và quản lý nhân sự về mặt lý thuyết có vẻ hay ho nhưng trên thực tế thì cần phải xem xét lại.

Ánh Sao, Tâm Minh tổng hợp

Nguồn: ĐKN

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook