Thứ Sáu, 20/05/2016 | 14:30

GS.TS Nguyễn Anh Trí hiện là Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương. Ông là một trong số những người tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV khu vực Hà Nội và được sự ủng hộ cao của cử tri. Phóng viên Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với GS. TS Nguyễn Anh Trí khi cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV đang đến gần.

Ưu tiên số 1 là có đủ máu cho người dân sử dụng

GS- TS Nguyễn Anh Trí.

GS.TS Nguyễn Anh Trí: Đó là mong muốn mà tôi ấp ủ và phấn đấu không mệt mỏi để góp phần xây dựng đất nước, vì lợi ích của nhân dân.

Với tư cách là một nhà khoa học về y học, một người làm quản lý Viện đầu ngành và là một giáo sư đại học đây là cơ hội chín muồi để tôi thực hiện mong ước đó. Nếu trúng cử với quỹ thời gian sắp tới (khi được nghỉ hưu theo quy định của Nhà nước) tôi sẽ dành hết tâm sức, học vấn thực tiễn để làm việc Quốc hội.

Khi tự ứng cử đại biểu Quốc hội, ông đặt ra mục tiêu lớn nhất là gì?

– Cá nhân tôi nhận thức được rằng, y tế bao gồm những vấn đề rất “nóng”. Vì y tế, bản chất là cuộc sống, là sinh mạng. Chương trình hành động của tôi, ưu tiên số 1 là y tế và tập trung vào việc có đủ máu cho người dân sử dụng.

Đến 2015, chúng ta nhận được 1,1 triệu đơn vị máu và qui đổi ra được khoảng 1,3% dân số. Theo khuyến cáo của Tổ chức y tế Thế giới, để đảm bảo an toàn truyền máu cho một quốc gia, lượng máu tiếp nhận được hằng năm tối thiểu phải bằng 2% dân số. Chúng ta còn thiếu khoảng 40% nữa mới đạt nhu cầu tối thiểu.

Với 40% của 90 triệu dân thì tương ứng mỗi năm có hàng vạn người vẫn đang trong tình trạng không có máu để chữa bệnh. Đây là một vấn đề lớn. Kinh nghiệm cho thấy, muốn đảm bảo lượng máu an toàn thì phải có sự vào cuộc của cả xã hội chứ không phải riêng ngành y. Điều quan trọng là phải có sự cam kết của Chính phủ để đảm bảo có máu cho dân dùng.

Thứ hai là bệnh tan máu bẩm sinh, cả nước ta có khoảng hơn 10 triệu người bị ảnh hưởng, trong đó có 20.000 người bị bệnh nặng và rất nặng thường xuyên phải nằm viện. Để giữ được 20.000 người sống được, mỗi năm nhà nước phải tiêu tốn 2.000 tỷ đồng. Đây là bệnh bẩm sinh di truyền, mỗi năm nước ta có thêm 2.000 cháu bé như vậy, thoái hóa giống nòi của mình. Bệnh này chữa được và phòng được. Chính vì thế, phòng bệnh rất quan trọng.

Tuy nhiên vẫn chưa đủ, cần phải có một chiến lược dài hơi, cần có sự cam kết của Chính phủ, vào cuộc của nhiều bộ ban ngành và cần có sự tích cực của các cán bộ y tế nhiều chuyên khoa trong cả nước mới có thể hạn chế được bệnh này nhằm giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội, đồng thời cải thiện nòi giống để dân tộc Việt Nam có thể khỏe mạnh hơn, nhân dân hạnh phúc hơn.

Thứ ba là đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động về Tế bào gốc (TBG) ở Việt Nam. Có thể nói, Tế bào gốc là một loại thần dược có thể chữa được rất nhiều bệnh, đặc biệt là các bệnh ác tính và bẩm sinh, di truyền. TBG lại có rất sẵn trong máu, trong tủy xương và cả trong máu dây rốn.

Ở Việt Nam, TBG đã được ứng dụng ở một số cơ sở. Viện Huyết học truyền máu Trung ương đã ứng dụng TBG điều trị thành công hơn 200 ca bệnh ung thư máu, đã xây dựng thành công Ngân hàng TBG máu dây rốn cộng đồng – lấy từ cộng đồng và phục vụ cho cả cộng đồng.

Tuy nhiên TBG cũng là một lĩnh vực rất khó, đòi hỏi phải có những cơ sở vật chất đầy đủ, hiện đại và đồng bộ, đòi hỏi phải có những nghiên cứu công phu và nghiêm túc của nhiều trung tâm trong cả nước.

Bởi vậy cần có những cam kết và đầu tư của Chính phủ một cách dài hạn và quy củ mới có thể có những thành công. Là một nhà khoa học đã có nhiều nghiên cứu và đã có những thành công về lĩnh vực này, hy vọng bản thân tôi sẽ có những ý kiến thích hợp tại diễn đàn Quốc hội.

Hầu như kỳ họp nào của Quốc hội cũng có những vấn đề y tế được đặt lên bàn nghị sự như quá tải bệnh viện, bảo hiểm y tế, y đức, dịch bệnh… theo ông cần có những giải pháp cụ thể gì giải quyết vấn đề này?

– Vấn đề quá tải bệnh viện hiện nay cũng rất nóng. Phải thừa nhận rằng, những năm qua, đặc biệt 5 năm trở lại đây, Bộ Y tế rất nỗ lực về chuyện này nhưng tôi cho rằng chưa đủ và cần có cách làm khác.

Bên cạnh những biện pháp mà Bộ y tế đã làm như bệnh viện vệ tinh, nâng cấp cơ sở vật chất các cơ sở y tế tuyến dưới, thực hiện chương trình 1816… thì cần phải điều chỉnh, đổi mới cách làm, hoặc bổ sung thêm những nội dung khác liên quan đến bảo hiểm y tế, tổ chức lại hệ thống khám chữa bệnh, đẩy mạnh bác sỹ gia đình hoặc thúc đẩy hệ thống y tế tư nhân,… mới có thể giải quyết được hiện tượng quá tải tại các bệnh viện.

Vấn đề Y đức cũng thực sự là vấn đề lớn, đang gây ra những bức xúc trong xã hội. Đâu đó vẫn còn thái độ thờ ơ, lạnh nhạt, vô cảm của cán bộ y tế – do đó đã dẫn đến những hậu quả từ nhẹ đến nặng cho người bệnh.

Bộ Y tế đã có rất nhiều nỗ lực để ngăn chặn sự xuống cấp của Y đức. Theo tôi cần phải nỗ lực hơn nữa, thường xuyên hơn nữa và quyết tâm hơn nữa, phải có thêm những biện pháp, những cách làm mới cụ thể và hiệu quả hơn… thì mới có thể đạt được những kết quả tốt hơn, đáp ứng được lòng mong mỏi của nhân dân.

Lần đầu tự ứng cử ông có thấy áp lực không. Nếu được cử tri tín nhiệm bầu, ông làm gì để đóng góp cho Quốc hội?

– Tôi không áp lực nhiều. Tôi rất mong muốn trở thành đại biểu Quốc hội, nhưng không áp lực, vì thăng tiến mà tôi ứng cử Đại biểu Quốc hội . Khi tự ứng cử ĐBQH tôi đã chuẩn bị tinh thần và tâm thế với suy nghĩ là vận dụng thật tốt những kiến thức mình để đóng góp cho đất nước, cho nhân nhân.

GS. TS Nguyễn Anh Trí sinh năm 1957. Ông là bác sĩ cao cấp thầy thuốc nhân dân, Anh hùng Lao động, công dân thủ đô ưu tú. Hiện ông Nguyễn Anh Trí là Viện trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy của Viện Huyết học truyền máu Trung ương, Chủ tịch Hội huyết học truyền máu Việt Nam; Chủ tịch Hội tan máu bẩm sinh Việt Nam, Chủ tịch Hội rối loạn đông máu, Chủ tịch Hội Huyết học truyền máu TP Hà Nội.

Nguồn: Đại đoàn kết

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook