Chủ Nhật, 18/09/2016 | 09:00

Ở tuổi xưa nay hiếm, nữ điều dưỡng Ngô Thị Hai vẫn khỏe mạnh, minh mẫn và miệt mài đóng góp với ngành y.

Ngôi nhà nhỏ nép mình trong khu đất nhà thờ nhiều cây cối xanh mát tại quận 5, TP HCM. Các vật dụng nhỏ gọn, đơn giản với cuộc sống neo đơn của cụ bà 100 tuổi. Đều đặn 4h30, bà Hai dậy đi lễ, thỉnh thoảng tham gia hướng dẫn, tập luyện với hội đoàn ca hát của nhà thờ. Các hoạt động mỗi ngày tiếp nối với việc đọc sách, ghi chép tài liệu, chia sẻ cùng học trò. Những cuốn sách quý về ngành điều dưỡng bằng tiếng Pháp, tiếng Anh vẫn được “Cô Hai vô khuẩn” gìn giữ cẩn thận.

Pha ly nước khoáng chanh đào mời khách, nữ điều dưỡng đầu tiên Việt Nam hiền hậu, từ tốn nhắc chuyện đời mình. May mắn tai mắt vẫn còn tường tận, không đãng trí nên những chuyện xưa bà vẫn hồi tưởng vẹn nguyên.

Sinh năm 1916, học xong chương trình trung học tại quê Mỏ Cày Nam, Bến Tre, bà Hai được bố đưa lên Sài Gòn học Tây y. Thời ấy, Việt Nam chưa có trường điều dưỡng, chỉ có người Pháp mới mở lớp dạy. Tâm niệm “ngành y có thể giúp đời”, bố xin cho bà vào học cùng với người Pháp. Lớp có thêm 3 bạn nữ người Việt Nam, họ trở thành bộ tứ nữ điều dưỡng đầu tiên cả nước. Ba năm theo học Trường Hồng thập tự Pháp, năm 1941 bà ra trường và về nước làm việc tại Bệnh viện Lalung Bonnaire, nay là Bệnh viện Chợ Rẫy. Sau đó bà dạy tại Trường Cán sự Điều dưỡng Sài Gòn. Từ đây nhiều thế hệ học trò của bà lần lượt ra trường, nắm giữ những vị trí chủ chốt tại các bệnh viện lớn của thành phố.

Tuổi 100 của nữ điều dưỡng đầu tiên Việt Nam

Học trò đến mừng thọ tuổi 100 của điều dưỡng Ngô Thị Hai. Căn nhà nhỏ của bà vẫn luôn là nơi các học trò thường xuyên đến thăm hỏi, trò chuyện. Ảnh: T.H

Năm 1960, với chuyên môn giỏi và ngoại ngữ tốt, bà được chọn đi tu nghiệp tại Canada. Lên phi cơ rời quê hương, hành trang là những bộ áo dài truyền thống mà bà vốn luôn tự hào mặc khi ở đất khách quê người. Chỉ nặng 37kg, các cơ quan xét duyệt an ninh kiểm tra rất kỹ vì thấy bà ốm quá. “Trước đó có người ốm yếu chịu không nổi khí hậu lạnh giá, ho lao rồi chết. Bệnh lao lúc bấy giờ người Đông Dương mắc rất nhiều và khó trị nên người ta sợ”, bà Hai nhớ lại. 

Bên cạnh việc học, bà đi sâu tìm hiểu cải thiện chế độ dinh dưỡng của người bản xứ. Sau vài tháng, bà tăng 10 kg và giữ những tiêu chuẩn ăn uống, vận động hợp lý cho đến giờ. Lúc về nước bà cũng truyền lại cho học trò cách chế biến món ăn, hướng dẫn tiết chế dinh dưỡng cho người bệnh, điều vốn rất lạ lẫm thời bấy giờ.

Những tháng ngày miệt mài nơi đất khách, điều quý giá là bà Hai đã học kỹ thuật vô khuẩn rồi về ứng dụng vào thực tiễn Việt Nam. Khi ấy vấn đề vô khuẩn bệnh viện, nhiễm khuẩn chéo… gần như bỏ ngỏ. Quy trình này đòi hỏi tính trung thực, tự giác với đạo đức và lương tâm của nhân viên y tế, không được qua loa cẩu thả, nhất là khi thường làm việc một mình. Nghiêm túc thực hiện và chỉ dạy trong các công đoạn vô khuẩn, bà được các học trò yêu thương gọi bằng biệt danh là “Cô Hai vô khuẩn”.

Khắc sâu trong nhiều thế hệ học trò là hình ảnh cô giáo tỉ mỉ, nhẹ nhàng chỉ dạy các động tác tắm, xoay trở, chăm sóc vết thương bệnh nhân, thay drap, vô trùng kỹ lưỡng dụng cụ… Bà cũng thường xuyên đưa học trò đi giao lưu, học hỏi với các tổ chức, y bác sĩ nước ngoài đến Việt Nam.

Đến tuổi về hưu, Y viện Quảng Đông, nay là Bệnh viện Nguyễn Tri Phương chuyển sang Tây y nên bà về huấn luyện các điều dưỡng. Sau ngày đất nước thống nhất, bà tiếp tục làm việc hợp đồng với bệnh viện cho đến khi gần 80 tuổi. 

Không chỉ vững chuyên môn, bà còn được học trò nể trọng về nhân cách. Đảm đương vai trò hướng dẫn ở lĩnh vực ngoại khoa và đạo đức điều dưỡng, bà luôn giữ hình ảnh mực thước trong mắt học trò. Nhiều học trò ban đầu e dè việc tắm rửa bệnh nhân, khi hàng ngày chứng kiến cô giáo tận tụy tắm rửa cho cả những người ăn xin, người bệnh nặng lở loét… đã tự giác làm theo. 

Tuổi 100 của nữ điều dưỡng đầu tiên Việt Nam

Bà Hai vẫn vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, ngày ngày đọc sách. Ảnh: Lê Phương.

Điều dưỡng Trịnh Thị Huệ ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết dù đã ra trường nhiều năm, mỗi tuần chị vẫn tranh thủ vài lần tới lui với cô giáo cũ. Những lúc gặp rắc rối hay có mệt mỏi áp lực gì trong công việc, cuộc sống, chính bà Hai là người luôn lắng nghe tâm sự, đưa ra những lời khuyên hợp lý. Cô giáo cũ như người mẹ đáng kính, để lại nhiều dấu ấn sâu sắc trong cuộc đời chị. “Lúc nào cô cũng dặn dò mình gặp bệnh nhân, đồng nghiệp phải luôn giữ thái độ niềm nở, lịch sự, không được phân biệt đối xử”, chị Huệ chia sẻ.

Làm công việc gần gũi với bệnh nhân, đôi khi sự sống chết của người bệnh hoàn toàn nằm trong tay các điều dưỡng. Chỉ cần điều dưỡng xao nhãng theo dõi dấu hiệu sinh tồn, thay băng, khử khuẩn không đúng cách… đã để lại hậu quả nghiêm trọng. Với bà Hai, điều tiên quyết của nghề điều dưỡng là tính bác ái, cái tâm yêu thương bệnh nhân. Nghề y không phải như các nghề khác. “Bệnh nhân mắng chửi thì phải nhịn, đánh thì phải chạy chứ không được cãi tay đôi, chuyện phải quấy thì sau đó có ban giám đốc xử lý. Lúc vào viện người ta đau đớn nên khó chịu, mình phải hiểu”, bà tâm niệm. 

Thỉnh thoảng, tiếng vĩ cầm từ đôi bàn tay bà Hai vẫn ngân vang những giai điệu tha thiết, dịu dàng, như cái cách mà người phụ nữ không lập gia đình này đã đi hết trọn vẹn một đời cho nghề.

Lê Phương

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook