Thứ Tư, 28/02/2018 | 06:54

70 tuổi, PGS.TS Võ Văn Thành, một trong những bác sĩ thuộc ê-kíp thực hiện ca mổ tách cặp song sinh Việt – Đức cách đây 20 năm, vẫn chưa cho phép mình có một ngày nghỉ hưu.

Thầy thuốc ưu tú Võ Văn Thành từng làm việc tại Bệnh viện Chấn Thương chỉnh hình TP.HCM, hiện là Cố vấn cho đơn vị Cột sống Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM dù đã có quyết định nghỉ hưu được 9 năm.

Bác sĩ chuyên cầm dao mổ những ca khó

Tốt nghiệp trường Y khoa Sài Gòn năm 1974, về làm việc cho bệnh viện Bình Dân, đến năm 1983, trong khi hầu hết các bác sĩ cùng thời tìm cách ra nước ngoài, Võ Văn Thành quyết định ở lại để phát triển ngành cột sống ở Việt Nam. Năm 1987, ông được đặc cách tốt nghiệp chuyên khoa I, đồng thời tham gia ca mổ lịch sử đầu tiên ở Việt Nam tách rời cặp song sinh dính liền nhau Việt – Đức với vai trò phụ trách tách cột sống cùng với GS Trần Đông A và bác sĩ Trần Thành Trai.

Từ bàn tay vàng cứu người mắc bệnh hiếm đến ‘trưởng lão ăn mày’

Thầy thuốc ưu tú, PGS.TS Võ Văn Thành được xem là bậc thầy về ngành cột sống, ông hiện là Chủ tịch Hội cột sống TP.HCM. Người cùng GS Trần Đông A mổ ca song sinh Việt-Đức vang danh một thời. Ảnh: Hoài Nhơn

Sau đó, thầy thuốc Ưu tú Võ Văn Thành từng được tín nhiệm giao giữ nhiều trọng trách quan trọng như cố vấn Hội Chấn thương Chỉnh hình Á Châu Thái Bình Dương (APOA) và Hội Cột sống Á châu Thái Bình Dương (APSS), Chủ tịch Hội Cột sống TP.HCM, Chủ tịch danh dự Hội CTCH Việt Nam.

Gần 30 năm làm việc tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, ông đã có nhiều sáng tạo khiến đồng nghiệp nể phục.

Năm 2003, ông nghiên cứu thành công phương pháp phẫu thuật tạo hình bản sống VVT (tức Võ Văn Thành do Hội Chấn thương Chỉnh hình Á châu Thái Bình Dương đặt tên) và phẫu thuật cắt trọn gói bướu nguyên sống vùng xương thiêng.

Năm 2004, phương pháp phẫu thuật cột sống theo lối nằm ngang của ông vừa tạo điều kiện thuận lợi cho ê-kíp mổ, vừa giảm được thời gian gây mê cho bệnh nhân, hiệu quả tốt. Đặc biệt, việc đặt ốc chân cung với tư thế nằm ngang đã trở thành thường quy, cho phép sự kiểm soát đồng thời cả hai trường mổ trước và sau rất độc đáo. Phương pháp này được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao, là bước đột phá riêng của Việt Nam.

Gặp bác sĩ khó tính nhất Sài Gòn tại căn phòng nhỏ trên tầng một của một dãy nhà cổ kính bệnh viện, dường như đây là một nhà kho được sơn sửa lại bố trí cho ông làm việc. Khi chúng tôi hỏi gần 70 tuổi rồi sao bác vẫn chưa chịu về hưu, để vui thú điền viên cùng con cháu,  ông nói: “Tôi nghèo, chẳng có ruộng vườn gì cả để vui thú điền viên”.

Đó là cách ông giải thích cho việc dù nghỉ hưu đã 9 năm nhưng đều đặn 2 buổi mỗi tuần, ông vẫn đến bệnh viện làm cố vấn và hướng dẫn, cầm tay chỉ việc cho các bác sĩ.

Mảnh vườn của ông chính là sự tiến bộ, trưởng thành của những học trò hằng ngày ông dẫn dắt. Bằng quan hệ của mình, ông từng giúp nhiều bác sĩ trẻ được đi tu nghiệp ở nước như Hàn Quốc, Nhật Bản. “Nếu những bác sĩ đó phát triển tốt, trở thành những tay dao tin cậy cho bệnh nhân Việt Nam sau này thì đó là sự nảy nở cho những mảnh vườn, mảnh ruộng của riêng tôi vun đắp ươm mầm”, bác sĩ Thành tâm sự.

Năm 2017, Đơn vị Cột sống đã tự đảm nhận những ca mổ khó như Nguyễn Lê Hải Phụng – cô nữ sinh miền Tây bị cong vẹo cột sống hiếm gặp y văn thế giới; hay Lê Thanh Hùng bại liệt chân 26 năm ước mơ ngồi xe lăn bán vé số. Hai ca mổ mà bác sĩ Thành đã công bố trên Hiệp hội Chấn thương Chỉnh hình châu Á – Thái Bình Dương được đồng nghiệp ngưỡng mộ về tài đức.

Trưởng lão ăn mày chín túi

Gần 30 năm trong nghề, PGS.TS Võ Văn Thành được xem như một bậc thầy về chuyên ngành cột sống, nổi tiếng khắt khe, khó tính trong công việc. Ngoài đời, chất giọng rặt miền Nam, trầm ấm mà hài hước của ông lại khiến người đối diện cảm thấy rất gần gũi. Ông tự nhận mình là “trưởng lão ăn mày chín túi” thường xuyên đi xin tài trợ cho ngành y tế cũng như bệnh nhân nghèo.

Từ bàn tay vàng cứu người mắc bệnh hiếm đến ‘trưởng lão ăn mày’

Cầm tay chỉ việc cho học trò song những ca mổ phức tạp bác sĩ Thành cũng xắn tay tham gia làm nhạc trưởng. Ảnh: NVCC

Giai đoạn 2006-2012, ông đã kết nối với Hội vẹo Cột sống Bắc Mĩ, hợp tác với hơn 30 bác sĩ trong suốt thời gian dài mổ miễn phí mỗi năm cho 20-30 bệnh nhân mắc cong vẹo cột sống ở Việt Nam. Hàng năm, ông chủ động đi xin 1,5 tấn trang thiết bị, ốc vít viện trợ từ nước ngoài.

“Chi phí cho một ca mổ vẹo cột sống lên vài chục ngàn USD, một con ốc chân cung để nắn chỉnh cột sống giá từ 1.600-2.000 USD. Đắt như thế thì dân mình tiền đâu mà trả, họ cho con nào là mừng lắm”, bác sĩ Thành chia sẻ.

Mới đây, nhận thấy một Đơn vị cột sống cần phải có máy truyền máu hoàn hồi để phục vụ cho những ca mổ lớn, giúp bệnh nhân hồi phục nhanh hơn sau mổ, ông lại một lần “đi xin”. Sau thời gian đề xuất, vận động, chờ đợi, ông sang tận Hàn Quốc xem thiết bị trước khi đặt mua máy đem về nước.

Y đức là sự chuyên nghiệp, chuyên môn cao

Khi đề cập đến hai chữ “y đức”, bác sĩ Thành khiêm tốn, có phần nấn ná không muốn trả lời. Với ông, sống cống hiến thanh thản với bản thân là mãn nguyện. Định nghĩa về y đức của ông chính là sự chuyên nghiệp và chuyên môn cao.

“Bác sĩ chỉ thề một lần thôi, nhưng phải làm việc tốt đẹp cả đời. Y đức là phải có cái bụng tử tế đối với bệnh nhân, tận tâm tận lực, bất vụ lợi”, ông tâm sự.

Từ bàn tay vàng cứu người mắc bệnh hiếm đến ‘trưởng lão ăn mày’

PGS.TS Võ Văn Thành xem y đức người thầy thuốc là tính chuyên nghiệp, chuyên môn cao trong từng lĩnh vực. Ông được xem là vị bác sĩ khó tính, kĩ lưỡng trong công việc. Ảnh: Hoài Nhơn

Trăn trở bởi bức tranh không mấy sáng sủa của ngành y thời gian qua, ông vẫn tin yêu và biết rất nhiều tập thể bác sĩ, điều dưỡng đang ngày đêm cống hiến vì sức khỏe bệnh nhân.

“Chẳng có bác sĩ nào muốn điều không tốt đến cho bệnh nhân. Song xã hội ngày nay thiếu quá nhiều tôn trọng cho thầy thuốc. Ngành nào cũng đòi hỏi cần phải có đạo đức chứ đừng đòi hỏi riêng ngành y”, ông bày tỏ.

Sau nhiều thành công, khi được hỏi về điều đáng nhớ nhất trong cuộc đời y nghiệp, vị bác sĩ già lại trầm ngâm nhớ về những ca mổ thất bại, khiến lương tâm ông suy nghĩ, phải ray rứt. “Tôi vẫn nhớ những ca thất bại làm cho bệnh nhân thương tật, thậm chí tử vong. Đôi lúc mình không lường trước được mọi tình huống, mỗi bệnh nhân một tạng thể khác nhau, cách đáp ứng cuộc mổ, cách điều trị khác nhau…”, bác sĩ Thành nói.

“Kinh nghiệm trong ngành y là sự tổng kết các thất bại” lời chỉ dạy của người thầy năm xưa vẫn đi theo ông đến bây giờ. Bởi vậy, ông luôn tâm niệm: “Thất bại giúp mình tiến bộ đi lên. Những món nợ tình nghĩa với những bệnh nhân mình có thể đền đáp bằng cách giúp cho những bệnh nhân mới tốt hơn, cái đó mới là điều sâu sắc”.

Phú Mỹ
Nguồn: Zing

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook