Nhờ kỹ thuật chỉnh sửa gene CRISPR, nhóm nhà khoa học Bệnh viện Đại học Quảng Châu (Trung Quốc) loại bỏ được khỏi phôi thai các yếu tố di truyền gây bệnh.
“Kết quả thật đáng khích lệ”, Robin Lovell-Badge, chuyên gia về gene tại Viện Francis Crick (London) nói với New Scientist về công trình của các nhà khoa học Trung Quốc. Dù mới đạt thành công khiêm tốn trong lĩnh vực chỉnh sửa gene, Trung Quốc đã tiến gần thêm một bước tới mục tiêu tất cả trẻ em sinh ra đều hoàn hảo hoặc ít nhất không mang một số gene bệnh.
Ảnh: NYP.
Theo Fox News, CRISPR vô hiệu hóa các gene gây bệnh sau khi được “làm quen” với một đoạn đột biến nhỏ phá vỡ mã di truyền. Trước công trình tại Trung Quốc, các nghiên cứu liên quan đến CRISPR chỉ tập trung vào phôi bất thường không bao giờ phát triển hoàn toàn. Vì lý do đạo đức, nó không được ứng dụng trên phôi khỏe mạnh bình thường.
Ban đầu, các nhà khoa học thuộc Bệnh viện Đại học Quảng Châu tiến hành CRISPR trên các phôi bất thường nhưng kết quả không mấy khả quan. Đến khi thử chỉnh sửa đột biến trên phôi bình thường từ trứng chưa trưởng thành do người đang thụ tinh trong ống nghiệm cung cấp, nhóm tác giả tạo nên bước đột phá.
Nhóm tác giả thụ tinh trứng bằng cách tiêm vào tinh trùng của đàn ông mắc bệnh di truyền rồi sử dụng kỹ thuật CRISPR trên từng phôi trước thời điểm phân chia. Ở một trong 6 phôi thử nghiệm, CRISPR tiêu diệt đột biến gây bệnh favism hủy hoại tế bào hồng cầu khi cơ thể hấp thụ đậu tằm (đậu fava). Trên phôi khác, kỹ thuật trên chỉnh sửa đột biến gây ra bệnh thiếu máu huyết tán beta. Bệnh viện Đại học Quảng Châu khẳng định số trứng sử dụng vốn bị cơ sở thụ tinh nhân tạo bỏ đi nên không vi phạm đạo đức.
Nhiều chuyên gia cho rằng công trình trên có thể mở rộng việc sử dụng CRISPR chỉnh sửa gene cho phôi người bình thường. Tuy nhiên, vài ý kiến lo ngại còn quá sớm để chắc chắn kỹ thuật này an toàn.
Minh Nguyên
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.