Virus viêm gan C lây truyền qua đường máu, quan hệ tình dục không an toàn với người bị nhiễm bệnh và lây truyền từ mẹ sang con, qua tiêm chích ma tuý.
Virus viêm gan C (Hepatitis C virus: HCV) là căn nguyên gây viêm gan. Trên thế giới ước tính 160 – 180 triệu người mắc bệnh. Tỷ lệ nhiễm virus viêm gan C thay đổi tuỳ theo quốc gia, trung bình 0,1% đến 5%.
Virus viêm gan C lây truyền qua đường máu (như sử dụng ma tuý, chạy thận nhân tạo chu kỳ), quan hệ tình dục không an toàn với người bị nhiễm bệnh và lây truyền từ mẹ sang con. Nguy cơ lây nhiễm qua tiêm chích ma tuý khoảng 70 đến 90%.
Nhiễm virus viêm gan C cấp có thể tự khỏi 10 – 25% trường hợp, như vậy tỷ lệ chuyển thành viêm gan mạn tính của virus viêm gan C là rất cao. Diễn biến của viêm gan virus C âm thầm trong nhiều năm, cuối cùng dẫn đến xơ gan và ung thư gan., Hầu hết bệnh nhân nhiễm virus viêm gan C không có triệu chứng ngay cả khi có xơ gan nhất là trong những năm đầu sau khi bị nhiễm. Diễn biến của nhiễm virus viêm gan C thay đổi, 20 – 30% xuất hiện xơ gan trong 20 đến 30 năm.
Virus viêm gan C thuộc họ Flaviridae, bộ gen của virus là một chuỗi đơn ARN nằm bên trong phần nucleocapsid hình đa diện. Hiện nay virus viêm gan C có 6 kiểu gen từ 1 đến 6, tại Việt Nam chủ yếu là kiểu gen 1 và 6.
Triệu chứng lâm sàng bệnh viêm gan virus C mạn tính
Viêm gan virus C sẽ tiến triển đến xơ gan, suy gan và ung thư tế bào gan (khoảng 2 – 4% mỗi năm). Tiến triển của bệnh sẽ thay đổi và chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như con người, virus và các yếu tố khác như uống rượu bia, béo phì, đồng nhiễm với HIV….
Nhiều người mắc bệnh viêm gan virus C mạn tính nhưng không có triệu chứng. Điều này khiến mọi người khó tin rằng mình đang bị nhiễm bệnh. Nếu như có triệu chứng thì các biểu hiện lâm sàng thường âm ỉ kín đáo và dễ bỏ qua. Dấu hiệu hay gặp nhất là mệt mỏi toàn thân. Người bệnh có cảm giác đau tức hạ sườn phải, đau tăng lên khi vận động. Nước tiểu sẫm màu, số lượng ít, chán ăn. Tuy nhiên các biểu hiện này thường không đặc hiệu. Có 2 thể lâm sàng:
– Viêm gan virus C mạn tính có ALT tăng.
– Viêm gan virus C mạn tính có ALT bình thường.
Chẩn đoán bệnh viêm gan virus C mạn tính
Chẩn đoán nhiễm virus viêm gan C cần tiến hành những xét nghiệm sau:
– Anti-HCV dương tính.
– Men gan (AST, ALT) tăng lên khi gan bị tổn thương.
– Đo tải lượng virus HCV-RNA và xác định kiểu gen của HCV.
Điều trị bệnh viêm gan virus C mạn tính
Viêm gan virus C mạn tính được điều trị bằng các loại thuốc, giúp cho cơ thể chống lại HCV.
Điều trị thuốc kháng virus trong giai đoạn cấp làm giảm nguy cơ tiến triển thành mạn tính. Tỷ lệ đáp ứng điều trị của thuốc kháng virus ở những bệnh nhân nhiễm HCV cấp cao hơn so với mạn tính với bất kỳ kiểu gen nào.
Mục tiêu điều trị viêm gan virus C là làm sạch virus trong máu, ngăn cản bệnh tiến triển và hiện tượng xơ hoá, ngăn chặn các biến chứng của gan do virus viêm gan C như xơ gan, ung thư gan và tử vong.
Các thuốc điều trị viêm gan C thay đổi từ điều trị đơn thuần interferon (IFN) đến điều trị phối hợp IFN với ribavirin. Hiện nay peginterferon (Peg-IFN) có độ an toàn và hiệu quả cao nên phối hợp Peg-IFN và ribavirin là phác đồ điều trị chuẩn viêm gan C từ năm 2002 đến nay. Trong những năm gần đây, nhiều loại thuốc mới đang được phát triển, thử nghiệm và nghiên cứu lâm sàng làm tăng hiệu quả điều trị viêm gan C đặc biệt là kiểu gen 1. Từ năm 2011, hai loại thuốc ức chế protease được FDA công nhận có hiệu quả điều trị kiểu gen 1 là boceprevir và telaprevir.
Thời gian điều trị: Trước năm 2011 kết hợp Peg-IFN + ribavirin là phác đồ điều trị chuẩn cho tất cả các kiểu gen, kiểu gen 1 và 6 thời gian điều trị 48 tuần, kiểu gen 2 và 3 thời gian điều trị 24 tuần. Từ năm 2011, kiểu gen 2, 3 và 4 tiếp tục điều trị phối hợp Peg-IFN + ribavirin nhưng kiểu gen 1 điều trị phối hợp Peg-IFN + ribavirin + boceprevir hoặc telaprevir.
Các yếu tố dự đoán khả năng đáp ứng tốt với điều trị dựa vào tải lượng virus thấp, kiểu gen 2 và 3, bệnh nhân nữ trẻ tuổi, không uống rượu, không bị béo phì, không đồng nhiễm HIV….
Thuốc Interferon không được sử dụng cho những bệnh nhân đang bị hoặc có tiền sử bị bệnh tâm thần hoặc trầm cảm nặng, phụ nữ mang thai, bệnh động kinh không kiểm soát. Thuốc ribavirin không được sử dụng cho bệnh nhân có suy thận, mang thai hoặc không dùng các biện pháp tránh thai đáng tin cậy, bệnh tim nặng.
Các thuốc điều trị viêm gan C có nhiều tác dụng phụ với mức độ nặng nhẹ khác nhau, một số trường hợp phải giảm liều hay ngừng thuốc làm cho hiệu quả điều trị giảm, do đó chúng ta cần phát hiện và điều trị các tác dụng phụ này: Các rối loạn tâm thần, hội chứng giống cúm (sốt, mệt mỏi, khó chịu, ớn lạnh, chán ăn, đau đầu, đau cơ khớp), rối loạn chức năng sinh dục nam, thiếu máu, giảm bạch cầu máu ngoại vi, giảm tiểu cầu là một trong những biến chứng thường gặp ở bệnh nhân viêm gan C điều trị IFN và RBV.
Để hạn chế các tác dụng phụ, người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ như trước điều trị giải thích tác dụng không mong muốn của thuốc kháng virus và lợi ích của việc điều trị thuốc kháng virus, hỏi bệnh và khám lâm sàng kỹ lưỡng, xét nghiệm HCV-RNA: định lượng và định kiểu gen để quyết định thời gian điều trị, làm các xét nghiệm chức năng gan, thận, công thức máu, đường máu lúc đói, chức năng tuyến giáp (TSH), kháng thể kháng giáp, kháng thể kháng nhân (ANA), đánh giá tình trạng tâm – thần kinh nếu có tiền sử gợi ý, đặc biệt là trầm cảm, xét nghiệm về thai.
Trong thời gian điều trị xét nghiệm công thức máu ở tuần thứ 2, tuần thứ 4 sau đó 1 tháng/1 lần, ALT 1 tháng/lần, đánh giá tâm thần kinh nếu bệnh nhân xuất hiện triệu chứng tâm thần, chụp XQ phổi, khám mắt và đo thị lực nếu có triệu chứng nghi ngờ, khuyến khích và theo dõi việc ngừa thai.
Bệnh nhân cần tránh uống rượu bia, tránh các hoạt động gắng sức và dinh dưỡng đầy đủ
Phòng bệnh viêm gan virus C mạn tính
Hiện nay virus viêm gan C chưa có vacxin, do đó việc phòng bệnh chủ yếu dựa vào các biện pháp không đặc hiệu bao gồm:
– Kiểm tra máu và chế phẩm máu an toàn trước khi sử dụng.
– Sử dụng bơm kim tiêm một lần, khử khuẩn tốt các dụng cụ y khoa, không chích ma tuý.
– Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục với người nhiễm virus viêm gan C.
CNTTCBTG – BV Bạch Mai
Chưa có bình luận.