Thứ Sáu, 21/10/2016 | 10:31

Thời gian gần đây, tình trạng lạm dụng hóa chất trong thức ăn chăn nuôi và thực phẩm đã trở nên phổ biến ở nước ta. Mặc dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc nhưng tình hình không có dấu hiệu giảm, thậm chí, ngày càng xuất hiện nhiều loại hóa chất, phụ gia vốn chỉ sử dụng trong ngành xây dựng, trong sản xuất máy móc công nghiệp, thì nay được dùng vào chế biến, bảo quản thực phẩm, gây nhiều bức xúc trong dư luận.

Tràn lan hóa chất trong thực phẩm

Cần siết chặt quản lý các cơ sở sản xuất và buôn bán thực phẩm để bảo đảm thực phẩm an toàn cho người dân.

Diễn biến phức tạp

Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm (ATTP), trong năm 2015, cả nước có gần 200 vụ ngộ độc thực phẩm với gần 5.000 người. Cả nước đã tiến hành thanh, kiểm tra trên 2,6 triệu lượt cơ sở thực phẩm, số cơ sở vi phạm chiếm khoảng 20%, số tiền phạt khoảng 99,6 tỷ đồng.

Báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật, khi kiểm tra tại hơn 11.000 cơ sở sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, có đến hơn 2.000 cơ sở sản xuất và buôn bán thuốc kém chất lượng; khi thanh, kiểm tra 11.000 hộ nông dân, có đến 1/5 hộ vi phạm quy trình chuẩn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Cả nước có khoảng 500.000 cơ sở chế biến thực phẩm, trong đó có 85% có quy mô vừa và nhỏ, sản xuất theo tính thời vụ và đa phần không đủ nguồn tài chính để đầu tư vào hệ thống máy móc, trang thiết bị, nhà xưởng chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế để đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.

GS Chu Phạm Ngọc Sơn-Phó Chủ tịch UBMTTQ TPHCM, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP, cho rằng, thời gian qua, nhiều hóa chất và hàng hóa, thực phẩm không rõ nguồn gốc, rất nguy hại cho con người được nhập lậu liên tục với lượng lớn qua biên giới, tạo thách thức không nhỏ đối với ATTP. Trong khi đó, việc chưa quản lý riêng phụ gia thực phẩm còn để bày bán chung với phụ gia công nghiệp khác ở một số chợ.

Ngày càng xuất hiện nhiều tình trạng tiêm chất an thần Prozil Fort (Ecepromazine) vào heo (lợn) để ngủ sau đó bơm nước vào heo để tăng trọng giả tạo nhằm kiếm lợi nhuận phi pháp.

Chất Melamine trong sữa và sản phẩm từ sữa, bột bắp rang cháy pha với bột cà phê, DEHP dùng làm chất tạo đục, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, gia súc, gia cầm, Clenbuterol, gia cầm, phẩm màu công nghiệp không phụ thuộc phụ gia thực phẩm được sử dụng nhuộm thực phẩm tạo dáng bắt mắt, hóa chất kích thích tăng trưởng, tạo giá cọng mập và không rễ, hóa chất công nghiệp Tinopal trong bún tươi và sản phẩm từ gạo, tạo sáng trắng hấp dẫn…

Theo các chuyên gia, những hóa chất hay bị lạm dụng trong thức ăn chăn nuôi và thực phẩm là hàn the, fomaldehyde, chất vàng ô, lân hữu cơ, hóa chất tăng trưởng cho giá…

Hàn the, có tính chất làm dai, được lạm dụng nhiều trong giò, chả, nem chua, bánh phở, bánh hủ tiếu, bánh ướt, bánh canh. Hàn the tích lũy ở cơ thể người tập trung ở gan và não nhiều nhất rồi đến tim, phổi, dạ dày…

Khi ăn nhiều hàn the sẽ có hiện tượng khó tiêu, chán ăn, mệt mỏi, có thể gây nôn mửa, tiêu chảy, co cứng cơ, sốc trụy tim… gây ngộ độc mãn tính, nặng hơn có còn có nguy cơ làm thoái hóa cơ quan sinh dục.

Fomaldehyde có hóa chất rất độc, có lúc dùng trong bánh phở, hủ tiếu, bún để làm dai và diệt vi khuẩn. Chất độc nguy hiểm, làm cho thực phẩm khó ôi thiu nhưng lại rất khó tiêu hóa khi vào cơ thể, gây hiện tượng đầy bụng, no giả tạo.

Trong cơ thể, formol kết hợp với các nhóm amin hình thành các dẫn xuất bền vững với các men phân hủy protein làm ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa các chất dinh dưỡng trong cơ thể. Nhiều thực nghiệm trên diện rộng vật đã chứng tỏ khi tiếp xúc lâu dài và liên tục formol có khả năng gây ung thư đường hô hấp.

Cần siết chặt quản lý

GS Chu Phạm Ngọc Sơn đánh giá: “Việc kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm trong nước còn nhiều bất cập khi mà các phương tiện kiểm nghiệm hiện có trong nước chủ yếu kiểm soát các đối tượng nhắm đến chứ chưa cho phép nhận diện thêm các chất lạ không nằm trong tầm ngắm. Trong khi đó, càng ngày, thực phẩm càng bị nhiễm các loại hóa chất với số lượng lớn và đa dạng hơn”.

Bà Phan Thị Việt Thu-Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM đề nghị, để khắc phục từng bước, lập lại sự an toàn cho người tiêu dùng cần phải thực hiện tốt những biện pháp đồng bộ từ người quản lý, người sản xuất, kinh doanh, người chăn nuôi, canh tác đến người tiêu dùng.

Có sự chỉ đạo phân công trách nhiệm rạch ròi cho chính quyền các cấp trong việc kiểm tra chất lượng vệ sinh, ATTP, đồng thời tạo cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các ngành quản lý về nông nghiệp, thủy hải sản, công nghiệp, y tế…để mau chóng kịp thời giải quyết mọi vấn đề liên quan đến việc sử dụng hóa chất trong chăn nuôi, trồng trọt, chế biến, bảo quản thực phẩm… khắc phục tình trạng chồng chéo trong quản lý, dẫn đến việc đùn đẩy trách nhiệm trong việc kiểm tra, xử lý đối với chất lượng vệ sinh ATTP.

Bà Lý Kim Chi-Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM cho rằng, cần có chính sách siết chặt quản lý việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ như các loại rượu giả, thực phẩm chức năng giả, các loại nước giải khát không truy xuất nguồn gốc,… có chế tài mạnh, đủ sức răn đe, ngăn chặn những sai phạm về ATTP.

Cần có cơ chế phát huy vai trò của người tiêu dùng trong việc phát hiện những thực phẩm, cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm không đảm bảo chất lượng vệ sinh ANTP.

Lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của người tiêu dùng về vi phạm ATVSTP. Sau khi tiếp nhận phải nhanh chóng thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.

Quốc Định

Nguồn: Đại đoàn kết

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook