Các vụ án mẹ tự đầu độc mình cùng các con hoặc ép con tự vẫn cùng xảy ra trong thời gian qua thật đáng sợ. Một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi tự tử là do đã mắc chứng trầm cảm mà không được phát hiện chữa trị kịp thời. Những con số thống kê cho thấy số người tự tử do trầm cảm ở Việt Nam lên đến 36.000-40.000 người/năm. Hiện có khoảng 30% dân số bị rối loạn tâm thần, trong đó trầm cảm chiếm tới 15-25%.
Theo các chuyên gia y tế hầu hết các trường hợp tự tử đều do rối loạn tâm thần, trong đó 75% trầm cảm, 22% nghiện rượu, nghiện ma túy, cờ bạc, chỉ 3% còn lại do tâm thần phân liệt, động kinh. Một con số khác cho thấy khoảng 85% bệnh nhân ung thư hiện nay bị trầm cảm (trường hợp người mẹ ở Hải Dương vừa tự đầu độc mình và 2 con vừa qua đang mắc ung thư cổ tử cung).
Trầm cảm là chứng bệnh của hệ thần kinh, chịu nhiều tác động của môi trường sống, điều kiện làm việc, yếu tố tâm lý. Tỷ lệ mắc cả đời là 15% trong dân chúng và có thể lên đến 25% ở giới nữ, hay gặp ở lứa tuổi từ 18-45. Đây chính là nguyên nhân gây suy giảm các chức năng nghề nghiệp, xã hội thứ hai sau các bệnh lý tim mạch. Nguyên nhân dẫn đến mắc bệnh trầm cảm đa phần do sang chấn tâm lý khi bị chấn động bởi một “cú sốc” nào đó ở trong cuộc sống hoặc do phải làm việc, sống trong một môi trường áp lực kéo dài quá sức chịu đựng. Trong đó, một số áp lực tâm lý hay gặp như mất người thân, ly hôn, con cái bỏ nhà, bị người yêu cự tuyệt, áp lực cơm áo gạo tiền… Những sang chấn này dần dần tác động khiến người bệnh rơi vào trạng thái thất vọng, chán nản và đau khổ. Tương tự, khi lý tưởng bị tiêu tan, mất hy vọng, thành công hay thất bại trong sự nghiệp, phạm lỗi, bị xử phạt, bị hiểu lầm làm giảm tính tự tôn cũng dễ dẫn tới trầm cảm…
Có nhiều dấu hiệu nhận biết bệnh trầm cảm, tuy nhiên nó thường lẫn lộn với nhiều biểu hiện khác và dễ bị bỏ qua.
Biểu hiện đầu tiên là người bị trầm cảm thường rất khó đi vào giấc ngủ, ngủ được rất ít, hay bị tỉnh giấc giữa đêm và không thể ngủ tiếp được nữa. Đôi khi người bệnh cảm thấy rất thèm ngủ lại không ngủ được hay ngủ được nhưng lại cảm thấy không khỏe, khó chịu. Cũng có trường hợp người bệnh lại có hiện tượng ngược lại đó là ngủ nhiều quá mức.
Về biểu hiện ăn uống thì người có dấu hiệu trầm cảm không muốn ăn, ăn ít, ăn không ngon dẫn đến sụt cân hoặc ngược lại là ăn liên tục không ngừng lại được, tăng cân không kìm hãm được trong thời gian dài.
Một biểu hiện nữa của bệnh trầm cảm là người bị trầm cảm rất ngại giao tiếp kể cả với người thân, họ nói rất ít và lười vận động.Họ thích ở một mình im lặng trong một góc.Vì thế, nhìn người bị trầm cảm bạn sẽ có cảm giác buồn, chán nản, cô độc và lẻ loi. Theo các chuyên gia y tế, đây là dấu hiệu rõ nhất, quan trọng nhất của bệnh trầm cảm.
Ngoài ra họ còn có các biểu hiện như suy kiệt sức khỏe, mệt mỏi, suy nghĩ và hành động luôn chậm hơn so với bình thường, cảm thấy xung quanh ảm đạm, buồn tẻ, không có hứng thú với công việc, vui chơi giải trí hay thậm chí là cả trong việc sinh hoạt vợ chồng. Đầu óc của họ khó có thể tập trung, luôn do dự trước các quyết định, không đối phó được các tình huống cần xử lý. Vì thế, ta có thể cảm nhận được xung quanh người bệnh trầm cảm thời gian như đứng lại, không gian lắng đọng, mọi thứ đều chậm chạp, nặng nề và thảm đạm. Họ cũng bi quan về bản thân và gia đình, họ luôn tự tưởng tượng ra những tình huống xấu nhất xảy ra cho bản thân và người quanh mình. Vì thế, họ lại càng trở nên bất an, căng thẳng thần kinh, xúc động và đôi khi làm cho mọi việc trở nên thái quá.
Khi bệnh trầm cảm ở mức trầm trọng, người bệnh sẽ cảm thấy chán sống, muốn bỏ tất cả và có ý định tự tử.
Điều trị bệnh trầm cảm là quá trình lâu dài, kết hợp giữa thuốc và những giải toả tâm lý. Tuy nhiên, ở Việt Nam, những người mắc chứng trầm cảm hầu như không tự ý thức được bệnh của mình, còn những người thân xung quanh thì không để ý. Điều nguy hiểm của bệnh trầm cảm ở mức độ nặng là không chỉ bản thân người bệnh muốn chết, họ còn muốn kéo theo người thân tự tử cùng.
Con số 36.000 đến 40.000 trường hợp tự tử trong một năm là rất lớn, tuy nhiên hiện nay việc này ít được chú ý tới và chưa được coi như một vấn đề xã hội nghiêm trọng cần có biện pháp ngăn ngừa.
Đăng Bình (tổng hợp)
Nguồn: Đại đoàn kết
Chưa có bình luận.