Chiều 6/10, TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã làm việc với Sở Y tế TP HCM về tình hình sốt xuất huyết trên địa bàn và công tác phòng chống.
Sốt xuất huyết đang ở ngưỡng cảnh báo
BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết, dịch sốt xuất huyết đang có chiều hướng tăng và lan rộng. Tính đến ngày 1/10, toàn thành phố có 10.624 ca mắc, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó có 5 ca tử vong. Trung bình mỗi tuần có khoảng 600 ca mắc sốt xuất huyết. Đây đang là thời kỳ đỉnh dịch, mặc dù số bệnh nhân tăng cao nhưng theo BS Dũng, con số này đang ở mức cảnh báo chứ chưa đến ngưỡng báo động dịch.
TS Trần Đắc Phu chỉ ra đám bọ gậy được đổ ra từ vỏ lon bia |
Một trong những điểm khác biệt của dịch sốt xuất huyết năm nay đó là không bùng phát thành dịch lớn mà xuất hiện các ổ dịch nhỏ khu trú tại các phường xã, lan rộng và kéo dài. Khi mới bắt đầu vào dịch, thành phố có 156 phường xã có bệnh nhân sốt xuất huyết, đến nay con số này đã lên tới 239 phường xã. Thành phố cũng đã xác định 8 địa bàn trọng điểm của sốt xuất huyết là các quận 8, Bình Tân, Thủ Đức, Tân Bình, Tân Phú, huyện Hóc Môn và Gò Vấp.
Số ca mắc bệnh sốt xuất huyết tăng cao đã dẫn đến tình trạng quá tải ở hầu hết các bệnh viện. BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 nêu một thực trạng: Có quá nhiều bệnh nhân tuyến dưới đã lên thẳng bệnh viện tuyến trên để khám cho yên tâm, mặc dù bệnh viện đã cố gắng giải thích, thuyết phục bệnh nhân về khám tại các bệnh viện vệ tinh hoặc bệnh viện tuyến dưới nhưng về cơ bản, bệnh viện vẫn phải tiếp nhận và không thể từ chối khám các bệnh nhân này.
Trung bình mỗi tuần, khoa Sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận 100 – 110 ca. Không chỉ có sốt xuất huyết, bệnh viện còn đang phải đối phó với bệnh tay chân miệng, các bệnh viêm đường hô hấp trong giai đoạn chuyển mùa. Bệnh viện đã phải tận dụng hết sức có thể để kê thêm giường cho bệnh nhân nhưng vẫn không thể tránh được cảnh nằm ghép 4-5 bệnh nhi/giường. BS Hùng nhấn mạnh: “Cả bệnh viện đều đang chống dịch”.
Theo BS Trịnh Hữu Tùng, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, từ đầu năm đến nay bệnh viện đã tiếp nhận 6.629 ca sốt xuất huyết điều trị ngoại trú, 2.832 ca nội trú, đã có 5 trẻ tử vong. Riêng trong tháng 9, số bệnh nhân nội trú đã là 882 ca và 2.525 ca điều trị ngoại trú. Khoa Nhiễm của bệnh viện đã phải tăng lên 3 bác sĩ trực, sử dụng thêm các ghế bố, giường hành lang cho bệnh nhân.
BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho biết, 1/3 bệnh nhân đang điều trị sốt xuất huyết tại bệnh viện được chuyển đến từ các tỉnh khác. BS Châu cũng cảnh báo, số người lớn mắc sốt xuất huyết đang gia tăng, chiếm gần 50%, trong đó có nhiều ca không chảy máu nhiều nhưng rất nguy hiểm vì suy đa tạng (men gan tăng cao, suy gan, viêm cơ tim), nếu như không được chẩn đoán đúng sẽ nguy kịch.
“Hạn chế trống rong cờ mở để chống dịch”
Trước tình hình diễn biến dịch phức tạp và kéo dài, TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh, nhiệm vụ quan trọng nhất là phải giảm tối đa số ca mắc và tử vong do sốt xuất huyết. Sau khi đi kiểm tra thực tế tại một số quận huyện, TS Phu cho biết, vẫn còn một bộ phận người dân lơ là, không hưởng ứng phòng chống dịch, thậm chí tại một số nơi như công trường xây dựng, nhà dân, y tế dự phòng không thể tiếp cận được để kiểm tra. Có rất nhiều ổ bọ gậy nguồn, có thể là ổ nguy cơ dẫn đến sốt xuất huyết như một lượng nước rất ít trong vỏ lon bia, chút nước trong vỏ xe, chậu trồng cây… không được phát hiện.
Đoàn kiểm tra của Bộ Y tế kiểm tra ổ bọ gậy tại công trường xây dựng sáng 6/10 |
Theo TS Phu, mặc dù dịch sốt xuất huyết tại TPHCM không bùng phát mạnh nhưng lại lan rộng. Hiện nay vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa, không có thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh này nên công tác dự phòng càng cần phải được coi trọng. TS Phu nhấn mạnh: “Cần phải thay đổi cách tuyên truyền, phát tờ rơi giờ không có ai đọc.
Các khẩu hiệu như “Không có lăng quăng sẽ không có sốt xuất huyết” đã không còn ý nghĩa gì và quá nhàm chán. Cần hạn chế trống rong cờ mở hô hào mà phải tập trung tuyên truyền cụ thể đến từng người dân. Tuyên truyền phải đi đôi với cam kết, vận động và xử phạt”. Theo TS Phu, đã đến lúc cần phải có chiến dịch loại bỏ vật phế thải, đồng thời có chế tài cho các doanh nghiệp vi phạm.
Một yêu cầu quan trọng nữa là các bệnh viện phải cố gắng giảm tải bởi với tình trạng như hiện nay, nguy cơ lây chéo trong bệnh viện là rất lớn sẽ khiến công tác điều trị khó khăn hơn và nguy cơ tử vong cao. Để thực hiện điều này, cần có sự phân tuyến quyết liệt, các bệnh viện tuyến trên cần có biện pháp hỗ trợ bác sĩ cho bệnh viện tuyến dưới để nâng cao chất lượng, tạo niềm tin cho người dân. Đồng thời, công tác tập huấn, phổ biến cũng cần được thực hiện đối với cả các phòng khám tư nhân.
BS Nguyễn Trí Dũng cho biết, TPHCM hiện cũng đang “mạnh tay” hơn trong việc phòng chống sốt xuất huyết như thành lập các đội diệt lăng quăng tại phường xã; truyền thông nguy cơ đến từng hộ gia đình trong vùng có ổ dịch; phối hợp với các đoàn thể như hội phụ nữ, đoàn thanh niên… trong việc vận động và kiểm tra; đồng thời đã bắt đầu tiến hành xử phạt hành chính đối với các trường hợp không tuân thủ triệt để công tác phòng bệnh của ngành y tế.
Chưa có bình luận.