Người trong giới nghiên cứu ngôn ngữ nhận định rằng ở bất cứ ngôn ngữ của quốc gia nào trên thế giới, cũng sẽ có chuyện chữ viết, phát âm có những điểm không thống nhất hoặc là “vênh” như tác giả Bùi Hiền nói. Và lịch sử đã chỉ ra, thay đổi chẳng những không có lợi mà còn có hại!
Xôn xao đề xuất gây sốc: “Luật giáo dục” viết thành “Luật záo zụk”
Trong 24h qua, xoay quanh đề xuất cải tiến bảng chữ cái “Tiếng Việt” thành “Tiếq Việt”, “Luật giáo dục” thành “Luật záo zụk” của PGS-TS Bùi Hiền đã gây nên những tranh cãi trên mạng xã hội.
PGS.TS Bùi Hiền (Nguyên Hiệu phó trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên phó Viện trưởng Viện Nội dung & Phương pháp dạy – học phổ thông)
Tranh luận này bắt nguồn từ ảnh chụp một trang sách, ở đó, tác giả Bùi Hiền đưa ra những lập luận gợi ý sửa đổi bảng chữ cái tiếng Việt, vốn đang được sử dụng rộng rãi hiện nay.
Tác giả Bùi Hiền chỉ ra vấn đề rằng, chúng ta thường sử dụng 2, 3 chữ cái để biểu đạt một âm vị phụ âm đứng đầu. Ví dụ C – Q – K (cuốc, quốc, ca, kali), Tr – Ch (tra, cha), S – X (sa, xa)… Bên cạnh đó, lại dùng 2 chữ cái ghép lại để biểu đạt âm vị một số phụ âm đứng cuối vần như Ch, Ng, Nh (mách, ông, tanh…).
“Đó là những hiện tượng không thống nhất, không theo một nguyên tắc chung nào dẫn đến khó khăn cho người đọc, người viết, thậm chí gây hiểu nhầm hoặc không hiểu được chính xác nội dung thông tin. Người học như trẻ em hay người nước ngoài, cũng rất hay mắc lỗi do sự phức tạp này mang lại”, ông viết.
Tác giả đề xuất bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành và bổ sung thêm một số chữ cái tiếng Latin như F, J, W, Z. Bên cạnh đó, thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có trong bảng trên, cụ thể: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = d, gi, r. Vì âm “nhờ” (nh) chưa có kí tự mới thay thế, nên trong văn bản trên tạm thời dùng kí tự ghép n’ để biểu đạt.
Và nếu làm theo cách của tác giả Bùi Hiền thì đây sẽ là tiếng Việt trong tương lai!
PGS-TS Bùi Hiền cho rằng đây là cách viết tiếng Việt tối ưu?
Theo tìm hiểu, trang sách này là một “trích đoạn” nằm trong cuốn “Ngôn ngữ ở Việt Nam – Hội nhập và phát triển” (tập 1) dày 2.200 trang, do nhà xuất bản Dân trí phát hành năm nay.
Cuốn sách là tập nhiều bài viết được các giảng viên, nhà nghiên cứu Ngôn ngữ học và Tiếng Việt trong và ngoài nước gửi về tham dự “Hội thảo ngôn ngữ học toàn quốc được tổ chức tại Trường ĐH Quy Nhơn”, tổ chức vào tháng 9. Các bài viết đã được thông qua hội đồng thẩm định và kiểm duyệt kỹ, trước khi đến với công chúng.
Bìa cuốn sách có bài viết đề xuất cải cách bảng chữ cái tiếng Việt gây tranh cãi.
Những hình ảnh và thông tin này khi xuất hiện trên MXH đã gây nhiều trang cãi trong cộng đồng.
“Ôi thật sao? Sắp tới đi học phải dạy con bảng chữ cái mới rồi à? Thế này thì đánh vần kiểu gì nhỉ?”, một phụ huynh lo lắng.
“Chỉ vì muốn giấu bố mẹ mà tụi con viết thư mật mã bác PGS.TS ơi! Tụi con đâu có ngờ những cánh thư bay qua hộc bàn của tụi con lại đến tay bác để bác làm hẳn một công trình khoa học cải tiến chữ viết tiếng Việt đồ sộ như này! Bác ơi tụi con đùa nhau mà , tụi con xin lỗi”, một ý kiến vừa hài hước lại vừa nói đúng suy nghĩ của nhiều người của B.Đ.C về những chữ cái như… mật mã là tác giả Bùi Hiền đề xuất.
Tiến sĩ Ngôn ngữ Huỳnh Văn Thông: Nhiều người đã biết thay đổi này chẳng có lợi lộc gì!
Cộng đồng mạng thì đang hoang mang, còn giới học thuật, họ nghĩ gì sau khi biết được thông tin này?
Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã liên hệ với ông Huỳnh Văn Thông, Tiến sĩ Ngôn ngữ đồng thời là Trưởng khoa Báo chí Truyền thông, trường ĐHKHXH&NV TP.HCM để lắng nghe chia sẻ của tiến sĩ về vấn đề này.
Tiến sĩ Ngôn ngữ Huỳnh Văn Thông.
Thưa tiến sĩ, là một người trong giới nghiên cứu ngôn ngữ, ông nghĩ sao về đề xuất của PGS-TS Bùi Hiền trong cuốn “Ngôn ngữ ở Việt Nam – Hội nhập và phát triển”?
Việc tác giả Bùi Hiền đề xuất nằm trong một câu chuyện chuyên môn, gọi là cải cách chữ viết. Cái việc này không có gì lạ và cũng chẳng mới mẻ! Thậm chí người ta còn gọi là “xưa như trái đất”.
Ở bất cứ ngôn ngữ nào, cũng sẽ có chuyện chữ viết, phát âm có những điểm không thống nhất hoặc là “vênh” như tác giả Bùi Hiền nói. Trong tiếng Anh, nếu để ý, chúng ta cũng có thể tìm được những điều tương tự.
Vậy, các quốc gia khác, họ đã giải quyết chuyện này như thế nào?
Các quốc gia đã từng trải qua những tranh cãi như thế, nhưng đã lâu lắm rồi! Và chuyện các chuyên gia ngôn ngữ ngồi lại để đưa ra đề nghị gom chữ này lại với chữ kia cho nó đẹp, cho tối ưu… là có. Nhưng bài học cơ bản nhất mà người ta rút ra về việc này đó là: Những chuyện như thế, có bàn luận cũng không để làm gì cả, mà nó bắt mình phải trả những cái giá rất đắt như nó sẽ làm thay đổi những thói quen đọc viết, sách vở cũ không biết giải quyết ra sao, thời gian nào để người ta học lại chữ viết mới…
Thậm chí, Viện Ngôn ngữ học ở Pháp đã từng có giai đoạn ghi hẳn một tấm bảng dán ngoài cổng với thông báo rằng: “Chúng tôi không nhận bất cứ đề tài hay đề xuất khoa học nào về việc thay đổi chữ viết”.
Nhiều người biết chuyện thay đổi này không mang được lại cái lợi lộc gì. Vài cái phức tạp về chính tả ấy, không là gì so với trình độ, nhận thức và năng lực học hỏi của con người.
Thưa tiến sĩ, có phải vì tác giả Bùi Hiền cảm thấy áp lực về chuyện phải tìm ra một cải cách mới mẻ trong ngôn ngữ để tham gia Hội thảo về ngôn ngữ, nên mới đưa ra đề xuất trên?
Cũng không hẳn! Chúng ta phải nói một cách khách quan thế này, cái quan tâm và đề xuất của những người như ông Bùi Hiền xét cho cùng nó cũng xuất phát từ cái tâm huyết. Việc đấy mình nên tôn trọng.
Điều mình bình luận ở đây là có thể, tác giả Bùi Hiền hơi thiếu tầm nhìn một chút. Tầm nhìn ở đây tức là những chuyện như vậy không phải là người ta không biết, mà người đã thấy từ lâu rồi, nhưng người ta đã đạt được đến cái tầm nhìn là nó không để làm gì cả. Vì vậy, chúng ta không nhất thiết phải bàn đến nó.
Tôi chỉ thấy uổng cho tác giả là ông đã giành công sức cho việc đó rất tâm huyết. Cũng giống như mình toàn tâm toàn ý để làm một việc mà nó không cần thiết.
Và khi ông Bùi Hiền đưa ra đề xuất đó thì nó đã làm cho mọi người khó chịu. Ngoài ra, trong đề xuất của tác giả có vài khía cạnh về mặt chuyên môn như việc dùng chữ này để ký âm cho chữ kia, một vài quy tắc hơi kỳ cục. Nhưng dù sao, tôi cũng tôn trọng tâm huyết của tác giả!
Top 20 MV Việt Nam có lượt xem nhiều nhất trên Youtube
Theo Trí thức trẻ
Nguồn: ĐKN
Chưa có bình luận.