Đó là chia sẻ của PGS.TS. Lê Thị Minh Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương trong việc thực hiện Thông tư 45/2015/TT-BYT của Bộ Y tế về thực hiện các quy đinh mới về trang phục y tế tại Bệnh viện.
Khẩn trương thực hiện
Ngày 30/11/2015, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ký ban hành Thông tư số 45/2015/TT-BYT quy định về trang phục y tế. Thông tư quy định cụ thể, chi tiết về màu sắc, chất liệu, kiểu dáng trang phục của nhân viên y tế; người lao động, học sinh, sinh viên tại các cơ sở khám chữa bệnh; người bệnh; sản phụ; người nhà người bệnh (trực tiếp chăm sóc người bệnh) trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. PGS.TS. Lê Thị Minh Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, đây là chủ trương đúng đắn, cần thiết và phù hợp với bối cảnh hiện nay, nhằm nâng cao hơn nữa hình ảnh chuyên nghiệp của cán bộ y tế đối với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Việc qui định về trang phục y tế không những giúp đáp ứng tốt hơn trong công tác chuyên môn mà còn đảm bảo vệ sinh, thỏa mái, thuận tiện và tạo phong cách chuyên nghiệp cho nhân viên y tế nhận diện thương hiệu. Việc qui định về trang phục y tế cũng giúp lãnh đạo Bệnh viện dễ dàng hơn trong công tác quản lý; giúp bệnh nhân, người nhà bệnh nhân khi cần sự trợ giúp sẽ tìm được đúng người, đúng chỗ, tránh xảy ra hiểu lầm giữa nhân viên y tế với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân.
Tích cực triển khai thực hiện Thông tư 45/2015/TT-BYT, ngay từ những tháng đầu năm 2016, Bệnh viện đã thành lập Ban chi đạo thực hiện thay đổi trang phục y tế do một đồng chí Phó Giám đốc làm Trưởng ban nhằm nghiên cứu thông tư; tập hợp ý kiến của các nhóm nhân viên của Bệnh viện như bác sĩ, điều dưỡng các khoa, kỹ thuật viên, đội ngũ chăm sóc khách hàng, nhân viên hành chính, cùng với một số công ty may để thiết kế mẫu mã, kiểu dáng phù hợp. PGS.TS. Lê Thị Minh Hương cho biết: chúng tôi lựa chọn chất liệu vải ít nhăn, thấm mồ hôi, màu sắc hiện đại, đảm bảo tính kín đáo, thẩm mỹ… bám sát tiêu chí của Thông tư 45 là an toàn cho người sử dụng, người bệnh; thuận lợi khi thao tác chuyên môn; mang tính truyền thống của ngành Y tế; tạo sự thân thiện với người bệnh. Sau khi mẫu thiết kế được phê duyệt và lựa chọn được công ty may uy tín, phù hợp, Bệnh viện cho tiến hành may thử một số trang phục của các nhóm bác sĩ, điều dưỡng các khoa, bao gồm cả váy áo và quần áo; trang phục khu phẫu thuật, gây mê, hồi sức, sơ sinh, khoa lây, chăm sóc khách hàng, hành chính. Tất cả trang phục đều được trình diễn thử để chỉnh sửa các yếu tố chưa phù hợp, căn cứ trên cơ sở đánh giá, nhận xét khách quan về trang phục mới của Ban lãnh đạo, cũng như cán bộ, nhân viên Bệnh viện.
“Mọi sự thay đổi đều hướng đến sự hài lòng của người bệnh”
ThS. Cao Thi Hoa, Trưởng phòng Điều dưỡng – Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: trước khi Thông tư 45 ra đời, quy định về trang phục y tế tại các bệnh viện vẫn chưa được thống nhất. Trang phục mới đã giúp định danh được chức năng nghề nghiệp, đâu là bác sỹ, đâu là điều dưỡng, đâu là kỹ thuật viên. Bản thân những người làm công tác điều dưỡng cũng cảm thấy rất vui, tự hào khi có mẫu trang phục riêng của mình. Bộ trang phục này chuyên nghiệp, thuận lợi, tạo được sự gần gũi khi chăm sóc bệnh nhân. Điều đó cũng nhắc nhở chúng tôi phải luôn nỗ lực, làm tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người bệnh vì tấm lòng nhân ái mà người cán bộ y tế phải có và sự tự tôn nghề nghiệp.
PGS.TS. Lê Thị Minh Hương cho biết, với đặc thù là bệnh viện đầu ngành trong lĩnh vực nhi khoa. Đối tượng phục vụ chính của Bệnh viện là trẻ em. Vì vậy, khi thay đổi, may mới trang phục, Bệnh viện đặc biệt quan tâm đến tiêu chí tạo sự gần gũi, thiện cảm cho trẻ. Mỗi mẫu áo, màu sắc của trang phục mới của Bệnh viện đều khá nhẹ nhàng, bắt mắt với trẻ, nhằm giảm bớt phần nào sự căng thẳng của trẻ do “chứng sợ bác sĩ do sợ khám bệnh, sợ uống thuốc”. Ban lãnh đạo, Ban thực hiện Thông tư của Bệnh viện luôn nhất quán rằng: “mọi thay đổi đều nhằm phục vụ tốt nhất cho người bệnh”.
Việc thay đổi trang phục y tế theo Thông tư số 45/2015/TT-BYT không chỉ nhận được sự đồng tình hưởng ứng của đội ngũ cán bộ y tế mà còn nhận được sự khen ngợi của người bệnh và người nhà người bệnh. Chị Nguyễn Thu Hương, ở Bắc Ninh đưa con gái 7 tháng tuổi đi khám tại Bệnh viện cho biết: Với quy định rõ ràng về trang phục y tế, tôi dễ dàng nhận biết và phân biệt ai là bác sĩ, ai là điều dưỡng, ai là nhân viên hành chính. Trang phục của họ không chỉ đẹp, lịch sự, nghiêm túc mà còn cho tôi cảm giác gần gũi, dễ chịu. Khi được chỉ dẫn, theo mẫu áo, màu sắc của trang phục họ mặc, tôi tìm đến các điểm làm thủ tục, khám bệnh cũng dễ hơn. Đơn cử như ngày khi đến cổng Bệnh viện, tôi nhanh chóng tìm được đội ngũ chăm sóc khách hàng mặc áo màu cam.Tôi hài lòng với thái độ và phong cách phục vụ của đội ngũ cán bộ y tế tại Bệnh viện. Tôi được hướng dẫn tận tình, thăm khám chu đáo và dặn dò cẩn thận từ việc uống thuốc, sinh hoạt đến chế độ dinh dưỡng. Với anh Đặng Bá Song, ở Hà Giang, chăm sóc con trai, 4 tuổi đang điều trị tại Khoa Điều trị tích cực của Bệnh viện cho rằng: Đổi mới trang phục của nhân viên y tế là chủ trương đúng đắn. Trước đây, tôi khó có thể phân biệt đội ngũ bác sĩ, y tá, thậm chí là nhân viên hành chính, kế toán vì tất cả đều cùng màu trắng và chỉ phân biệt được nhờ biển tên. Hiện nay, tôi chỉ nhìn vào kiểu dáng và màu sắc là có thể nhận biết rõ các đối tượng. Phong cách chuyên nghiệp hơn, thái độ phục vụ người bệnh nhẹ nhàng, ân cần.
Thay đổi có lộ trình, tránh lãng phí
PGS.TS. Lê Thị Minh Hương cho biết, trước khi thực hiện Thông tư số 45/2015/TT-BYT của Bộ Y tế, hàng năm, Bệnh viện Nhi Trung ương đều xây dựng kế hoạch chi tiết, đảm bảo cung cấp đầy đủ trang phục cho từng đối tượng trong Bệnh viện. Năm nay, thực hiện quy định về trang phục y tế tại Thông tư số 45/2015/TT-BYT có phức tạp hơn vì Thông tư quy định rõ từng loại trang phục cho từng loại đối tượng trong bệnh viện. Cuối năm 2015, đầu năm 2016, Bệnh viện có chủ trương tạm thời chậm cung cấp trang phục năm 2016, để việc may trang phục cho cán bộ Bệnh viện sẽ theo đúng quy cách, quy định của Bộ Y tế và chủ yếu tránh lãng phí. Hiện nay, Bệnh viện ưu tiên thay thế các bộ trang phục của cán bộ y tế đã cũ; những vị trí cần thay đổi sớm như điều dưỡng, chăm sóc khách hàng; những vị chí thường xuyên tiếp xúc với người bệnh. Một số đối tượng khác sẽ tiếp tục được thay đổi trang phục vào cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017, cùng vào thời điểm cấp trang phục mới hàng năm của Bệnh viện. Với khoảng trên 2.000 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, cán bộ hành chính, người lao động… đang làm việc tại Bệnh viện Nhi Trung ương, việc thay đổi trang phục theo lộ trình sẽ giúp tiết kiệm kinh phí. Bên cạnh đó, thời tiết lúc này đang giao mùa, sắp chuyển mùa đông. Bệnh viện đã may đủ trang phục hai mùa đông – hè cho các đối tượng nhằm phù hợp với tình hình thời tiết. Đối với người nhà bệnh nhân, thực tập sinh, tùy theo hoàn cảnh thực tế, Bệnh viện đề xuất hình thức nhân diện bằng đeo vòng tay sao cho phù hợp, dễ nhận biết, thuận lợi mà vẫn tiết kiệm.
Bài, ảnh: Như Hiển
Nguồn: TTTT – GD Sức khỏe TW
Chưa có bình luận.