Nhiễm khuẩn bệnh viện hay còn gọi là nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế là một trong những thách thức và mối quan tâm hàng đầu trên toàn thế giới. Nhiễm khuẩn bệnh viện đã và đang là gánh nặng cho người bệnh, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn cầu, nhất là ở các nước chậm phát triển và đang phát triển do làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng sử dụng kháng sinh, tăng đề kháng kháng sinh của vi khuẩn và tăng chi phí điều trị.
Chính vì vậy, thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện là một trong những biện pháp nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị bệnh nhân. Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra khuyến cáo cần thực hành để phòng chống nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế đó là:
Vệ sinh tay
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo rửa tay là biện pháp rẻ tiền và hiệu quả nhất để phòng tác nhân gây bệnh (vi khuẩn, virut, ký sinh trùng, nấm…) từ bệnh nhân, môi trường y tế (dụng cụ, không khí, nước…) có thể lan truyền qua bàn tay từ nhân viên y tế đến bệnh nhân và ngược lại. Theo đó vệ sinh bàn tay trước và sau mỗi lần tiếp xúc với bệnh nhân, trước khi làm các thủ thuật vô khuẩn, sau khi tiếp xúc với dụng cụ y tế nhiễm khuẩn là biện pháp quan trọng nhất để phòng chống nhiễm khuẩn.
Vô khuẩn
Kỹ thuật vô khuẩn với các dụng cụ phẫu thuật, nội soi… cần được tuân thủ nghiêm ngặt khi thực hiện các thủ thuật xâm nhập, phẫu thuật, chăm sóc vết thương như tại vùng da bệnh nhân dự kiến phẫu thuật: sát khuẩn bằng hóa chất; dùng kéo cắt bỏ lông, tóc (nếu có), không nên dùng dao cạo vì gây tổn thương vì thể có thể dẫn tới nhiễm khuẩn. Các dụng cụ, đồ dùng trong bệnh viện (quần áo, giường tủ…) và chất thải của bệnh nhân cần được vệ sinh, khử khuẩn bằng các biện pháp thích hợp, đối với các dụng cụ y tế dùng lại phải bảo đảm xử lý vệ sinh theo đúng các quy định của Bộ Y tế.
Cách ly bệnh nhân
Tổ chức thực hiện các biện pháp cách ly phòng ngừa như: phòng ngừa chuẩn, phòng ngừa bổ sung (dựa theo đường lây truyền bệnh); tổ chức thực hiện các hướng dẫn và kiểm tra các biện pháp thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn theo tác nhân, cơ quan và bộ phận bị nhiễm khuẩn. Một số trường hợp cần thiết có thể tiến hành cách ly nhằm ngăn ngừa sự lây lan từ bệnh nhân sang bệnh nhân, nhân viên y tế, người nhà, khách thăm…
Chính sách
Xây dựng chính sách quốc gia về tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn; ban hành các quy định, hướng dẫn thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám, chữa bệnh và xây dựng các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn để đưa vào nội dung kiểm tra bệnh viện hàng năm và đánh giá chất lượng bệnh viện. Đào tạo phổ cập về kiểm soát nhiễm khuẩn cho các thầy thuốc, nhân viên của cơ sở khám chữa bệnh bao gồm các thực hành về phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa dựa vào đường lây, các hướng dẫn thực hành phòng ngừa nhiễm khuẩn theo cơ quan, vị trí; đưa chương trình đào tạo kiểm soát nhiễm khuẩn thành chương trình chính quy trong các trường y tế và triển khai chương trình đào tạo vệ sinh bệnh viện cho hộ lý và nhân viên vệ sinh các cơ sở y tế.
Giám sát
Thực hành giám sát để có cơ sở dữ liệu về tác nhân gây bệnh, vi khuẩn kháng thuốc…. Nhân viên kiểm soát nhiễm khuẩn thường phải dành nhiều thời gian để tiến hành giám sát và nhận biết những người bệnh nhiễm khuẩn, xác định vị trí và những yếu tố góp phần nhiễm khuẩn giúp các cơ sở y tế có kế hoạch đánh giá hiệu quả của những can thiệp này, đồng thời tạo tiền đề thực hiện các nghiên cứu về kiểm soát nhiễm khuẩn, kiểm soát kháng sinh, đưa ra những quy định chính sách sử dụng kháng sinh và hạn chế những hoạt động tiếp thị của các hãng thuốc trong cơ sở y tế…
Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã đưa kiểm soát nhiễm khuẩn là một ưu tiên của ngành Y tế. Nhiều chính sách đã ban hành nhằm tăng cường năng lực kiểm soát nhiễm khuẩn như thiết lập hệ thống tổ chức kiểm soát nhiễm khuẩn từ trung ương đến các bệnh viện; tăng cường sự phối hợp giữa y tế dự phòng và hệ điều trị trong phòng chống dịch bệnh; tăng cường chất lượng quản lý khám bệnh, chữa bệnh,…
Trong giai đoạn 2016 – 2020, ngành Y tế sẽ tập trung nâng cao năng lực kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở y tế nhằm tăng cường chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng. Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh giai đoạn 2016 – 2020 với những mục tiêu và giải pháp cụ thể. Cùng với đó là việc xúc tiến thành lập Hội đồng tư vấn, xây dựng chính sách, tài liệu chuyên môn về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực cho cán bộ phụ trách công tác kiểm soát nhiễm khuẩn; bổ sung và hoàn thiện các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quy trình kỹ thuật và các tài liệu chuyên môn về kiểm soát nhiễm khuẩn; xây dựng và ban hành các quy trình chuyên môn kỹ thuật thực hành về kiểm soát nhiễm khuẩn…
Bài: Quang Nguyễn
Nguồn: TTTT – GD Sức khỏe TW
Chưa có bình luận.