Nam bệnh nhân sinh năm 1990 cấp cứu tại Bệnh viện Quận Thủ Đức trong tình trạng thập tử nhất sinh, chấn thương phức tạp do bị xe tông.
Bệnh nhân nhập viện ngày 22/5 với tình trạng gãy hở nát 1/3 dưới đùi phải, đứt rời động mạnh, đứt tĩnh mạch khoeo, đứt dây thần kinh chày phải, sốc, mất máu nặng, không đo được mạch, huyết áp. Xác định bệnh nhân nguy kịch cần cứu sống khẩn cấp, Bệnh viện Quận Thủ Đức đã nhanh chóng kích hoạt quy trình báo động đỏ với hệ thống chuông báo động đa chiều. Bệnh nhân được chuyển lên phòng phẫu thuật để mổ cấp cứu.
Các bác sĩ đã cùng vào cuộc phối hợp nối động mạch, khâu vết thương mạch máu, cắt lọc vùng dập nát, đặt khung cố định ngoài, truyền 18 đơn vị chế phẩm máu. Sau 4 giờ phẫu thuật, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, sinh niệu ổn định và được chuyển tới khoa hồi sức tích cực chống độc để tiếp tục điều trị.
Bệnh nhân cấp cứu tại Bệnh viện Quận Thủ Đức. Ảnh: T.P |
Quy trình báo động đỏ ở Bệnh viện Quận Thủ Đức cũng đã kịp thời cứu sống nhiều bệnh nhân. Ngày 19/5, hai bệnh nhân đều bị chấn thương nặng do tai nạn giao thông nhập viện. Một người bị xe máy tông, vào viện trong tình trạng vỡ lách, vỡ thận, gãy xương chậu, gãy xương sườn, dập tá tràng, xuất huyết ổ bụng, mất máu nặng. Một người cấp cứu với tình trạng đứt ruột, vỡ hổng tràng, thủng hồi tràng, mất máu. Trước đó 30 phút người này băng qua đường va chạm với xe tải, đập đùi và bụng xuống đường. Bệnh viện thực hiện quy trình báo động đỏ và chuyển bệnh nhân lên phòng mổ trong vòng 10-15 phút ngay sau khi vào cấp cứu. Trong vòng vài giờ, bệnh nhân đã được cứu sống nhờ phẫu thuật kịp thời và nhanh chóng.
Bác sĩ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện Quận Thủ Đức cho biết thời gian qua nhờ thực hiện quy trình báo động đỏ, nơi đây đã cấp cứu thành công nhiều trường hợp bệnh nhân nguy kịch phải đối mặt với nguy cơ tử vong. Theo quy trình này, một trường hợp vào cấp cứu trong tình trạng khẩn cấp, với thời gian ngắn nhất cần phải huy động được nhiều chuyên khoa tập trung phương tiện, kỹ thuật cứu chữa bệnh và nhanh chóng chuyển lên phòng mổ.
Quy trình này đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ càng về chuyên môn trong công tác tập huấn, sẵn sàng đối phó với các tình huống cấp cứu nguy kịch, đe dọa đến tính mạng người bệnh. Đồng thời cần có sự phối hợp nhịp nhàng của các liên khoa và liên viện, đảm bảo giải quyết nhanh chóng theo đúng chuyên môn, tận dụng tốt giờ vàng trong điều trị. Bệnh viện cũng phải đảm bảo tốt trang bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị, nhân lực cho việc thực hiện quy trình như lắp ráp hệ thống chuông báo động đa chiều, thành lập đội phản ứng nhanh Code Blue, chuẩn bị phòng mổ và ngân hàng máu…
Mới đây một bệnh nhi ngưng tim ngưng thở cũng đã được cứu sống nhờ quy trình báo động đỏ này.
Lê Phương
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.